EVN lý giải gì về việc giá điện tăng 4,8% lên hơn 2.200 đồng một kWh?

Lê Sáng | 20:10 09/05/2025

Theo Phó tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm, mức tăng giá điện 4,8% được cân nhắc kỹ trên cơ sở biến động chi phí đầu vào (giá than, khí cho sản xuất điện) và chi phí tiền điện phải trả của người dân, doanh nghiệp.

EVN lý giải gì về việc giá điện tăng 4,8% lên hơn 2.200 đồng một kWh?

Tại họp báo chiều 9/5, EVN thông báo giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 2.103,11 đồng lên 2.204,07 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT), tương đương tăng 4,8%. Mức tăng này tương tự hồi tháng 10/2024.

gia-dien-moi.jpg

Theo Nghị định 72 của Chính phủ, Giá điện được xét thay đổi ba tháng một lần, khi chi phí đầu vào tăng từ 2% trở lên. Như vậy, mỗi năm sẽ có 4 đợt thay đổi giá. Lần gần nhất giá điện được điều chỉnh vào 11/10/2024, duy trì từ đó cho đến nay. Theo đó, sau 8 tháng giá mới được thay đổi và đây là lần tăng đầu tiên trong năm nay.

Theo số liệu đánh giá của Cục Thống kê, việc điều chỉnh giá điện lần này dự kiến làm chỉ số giá tiêu dùng CPI 2025 tăng khoảng 0,09%.

Ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc EVN cho biết mức tăng lần này được cân nhắc kỹ trên cơ sở biến động chi phí đầu vào (giá than, khí cho sản xuất điện) và chi phí tiền điện phải trả của người dân, doanh nghiệp. Theo tính toán của EVN, mỗi hộ gia đình sẽ phải trả thêm 4.350-62.150 đồng một tháng.

Hộ nghèo vẫn được hỗ trợ bằng tiền tương ứng 30 kWh, tương đương 59.520 đồng một tháng. Hộ chính sách cũng được hỗ trợ tương đương, với điều kiện dùng ít hơn 50 kWh gần 56.800 đồng một tháng (chưa gồm thuế VAT). Chính sách này nhằm giảm bớt gánh nặng chi phí điện cho các hộ nghèo, hộ chính sách, giúp đảm bảo an sinh xã hội.

Quyết định tăng giá lần này được đưa ra trong bối cảnh EVN vẫn lỗ lũy kế từ sản xuất kinh doanh điện. Năm ngoái, tập đoàn này cân bằng tài chính và có lợi nhuận từ mảng kinh doanh này. Song 2 năm trước đó, họ lỗ tổng cộng hơn 70.000 tỷ đồng từ bán điện. Khoản lỗ này chưa gồm 18.032 tỷ đồng chênh lệch tỷ giá của hợp đồng mua bán điện treo trong 5 năm (2019-2023).

Theo kết quả kiểm tra của Bộ Công Thương công bố cuối năm 2024, tổng chi phí sản xuất 2023 của EVN là hơn 528.600 tỷ đồng. Mức này tương đương giá sản xuất 2.088,9 đồng một kWh, tăng 2,79% so với năm 2022.

Năm nay, nhu cầu sử dụng điện dự kiến tăng khoảng 12,2%, tương ứng tổng sản lượng điện toàn hệ thống thêm 33,6 tỷ kWh so với 2024. Theo ông Lâm, sản lượng điện tăng thêm chủ yếu từ nguồn giá thành cao. Cụ thể, thủy điện với giá thấp không còn nhiều dư địa, chỉ cung cấp được khoảng 25% nhu cầu. Còn lại 75% sản lượng đến từ các nguồn điện giá cao như điện than, khí, dầu, năng lượng tái tạo...

Bên cạnh đó, tỷ giá ngoại tệ diễn biến khó lường, tăng cao thời gian qua. Điều này ảnh hưởng đến chi phí khâu phát điện, vốn chiếm tỷ trọng khoảng 83% trong giá thành sản xuất điện, theo Phó tổng giám đốc EVN.

Cần bỏ "chi phí khác" ra khỏi giá điện

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Tiến Thoả, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam (VVA) tại Toạ đàm “Bảo đảm điện cho tăng trưởng – Yêu cầu và giải pháp", do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ vừa tổ chức ngày 7/5/2025, giá điện hiện nay có 3 bất cập lớn:

chu-thoa.jpg
Ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam (ngồi giữa) tại Toạ đàm “Bảo đảm điện cho tăng trưởng – Yêu cầu và giải pháp". (Ảnh: VGP)

Thứ nhất, mang tính bao trùm và có thể coi là điểm nghẽn, đó là: Giá điện chưa thực hiện theo cơ chế giá thị trường, trong nhiều năm qua không được tính đúng tính đủ các chi phí đầu vào để sản xuất ra 1 kWh điện. Bên cạnh đó, giá điện chưa được khắc phục tình trạng mua cao bán thấp diễn ra trong nhiều năm.

Thứ hai, giá điện phải gánh quá nhiều mục tiêu: Thường giá điện phải bảo đảm để hỗ trợ ngành điện phát triển tăng trưởng ổn định, khuyến khích thu hút đầu tư nhưng cũng phải bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, phải kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm sử dụng điện tiết kiệm.

Trên thực tế, những mục tiêu này hội tụ trong giá điện lại không đồng thuận 100% với nhau mà có những xung đột, giằng co nhau trong quá trình thực hiện. Để xử lý mối quan hệ, bảo đảm hài hòa giữa các mục tiêu này trong giá điện là rất khó, một số mục tiêu không thực hiện được.

Thứ ba, cơ chế bù chéo trong giá điện như bù chéo giữa các hộ sinh hoạt với nhau, bù chéo giữa giá điện sinh hoạt và giá điện sản xuất, bù chéo giá điện giữa các vùng miền khác nhau. Cơ chế này đã kéo dài quá lâu khiến chúng ta không thể thực hiện được cơ chế giá thị trường đối với điện.

Theo Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, từ những bất cập đó, gây ra những hệ quả. Điển hình là điện không được tính đúng tính đủ thì sẽ lỗ, giá điện sẽ không phản ánh đúng giá trị của 1 kWh điện đã sản xuất ra. Như vậy, giá điện sẽ trở thành giá bao cấp cho toàn xã hội, dẫn đến việc khó khuyến khích thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển nguồn và lưới điện. Đồng thời, không tạo áp lực mạnh để thực hiện chiến lược sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, đặc biệt trong sản xuất kinh doanh, đổi mới công nghệ.

Một điểm rất quan trọng nữa là ngành điện luôn bị dòng tiền âm, chúng ta có thể hiểu là lỗ. Điều đó có nghĩa là không cân đối được dòng tiền cho nên rất khó giúp ngành điện tái sản xuất, tái đầu tư và phát triển bền vững. Việc này cũng đe dọa đến mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng mà chúng ta đã đề ra.

Chủ tịch Hội Thẩm định giá cho rằng, cần phải thực hiện giải pháp dài hạn. Đó là phải chuyển điều hành giá điện sang thực hiện theo cơ chế giá thị trường thông qua việc tính đúng, tính đủ giá điện và phải sửa biểu giá điện hiện hành để xử lý những bất cập.

“Tôi nghĩ rằng, công thức tính giá điện hiện nay cần phải bỏ chi phí khác đi. Chi phí khác bản chất là chi phí chưa được tính đúng tính đủ mà chúng ta phân bổ dần. Có những loại chi phí gọi là chi phí khác, ví dụ như chênh lệch tỉ giá. Cho nên công thức tính giá điện theo cơ chế thị trường phải tính lại, ví dụ như chi phí phát, chi phí truyền tải, chi phí bán lẻ, quản lý… Cần tính đủ chi phí và phải có lợi nhuận nhất định”, ông Nguyễn Tiến Thoả nói.

Bên cạnh đó, phải bỏ bù chéo với giá điện và xử lý bằng chính sách khác về giá điện giữa các vùng miền cho phù hợp. Một điểm nữa là hiện nay trong giá điện vẫn thể hiện chính sách xã hội, cho nên trong điều hành tới cần tách bạch chính sách xã hội ra khỏi giá điện.

“Chúng ta không bỏ chính sách an sinh xã hội, không bỏ những người yếu thế. Để tất cả mọi người đều có thể tiếp cận được với dịch vụ cơ bản này thì chúng tay phải dùng chính sách khác”, Chủ tịch Hội Thẩm định giá nhấn mạnh.

Việc cộng an sinh vào trong giá sẽ làm méo mó giá điện, do đó không nên cộng an sinh vào trong giá. Trước mắt, nếu làm được việc này, sẽ rất có ích với ngành điện. Ngành điện sẽ có điều kiện để bảo đảm cung ứng điện cho tăng trưởng kinh tế như mục tiêu mà Chính phủ và Quốc hội đã đề ra.


(0) Bình luận
EVN lý giải gì về việc giá điện tăng 4,8% lên hơn 2.200 đồng một kWh?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO