Theo số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường trong 6 tháng đầu năm ước đạt là 77.831 tỷ đồng, giảm 7,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản phẩm bảo hiểm liên kết chung chiếm tỷ trọng 55,2%; sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp chiếm tỷ trọng 16%; sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị chiếm tỷ trọng 16,2%; sản phẩm phụ chiếm tỷ trọng 10,9%. Các sản phẩm bảo hiểm còn lại chiếm tỷ trọng 1,78%, trong đó, sản phẩm bảo hiểm trọn đời chiếm 0,3%, sản phẩm bảo hiểm tử kỳ chiếm 0,7%, sản phẩm bảo hiểm trả tiền định kỳ chiếm 0,05%, sản phẩm bảo hiểm hưu trí chiếm 0,2%, sản phẩm bảo hiểm sức khỏe chiếm 0,46%, sản phẩm bảo hiểm sinh kỳ chiếm 0,0004%
Tổng doanh thu phí bảo hiểm và thị phần các doanh nghiệp bảo hiểm trên thị trường cụ thể: Bảo Việt Nhân thọ (16.036 tỷ đồng và 20,6%), Manulife (13.357 tỷ đồng và 17,2%), Prudential (12.842 tỷ đồng và 16,5%), Dai-ichi Life (9.737 tỷ đồng và 12,5%), AIA (7.874 tỷ đồng và 10,1%), FWD (2.611 tỷ đồng và 3,4%), Sun Life (2.361 tỷ đồng và 3,03%), MB Ageas (2.357 tỷ đồng và 3,03% ), Generali (2.122 tỷ đồng và 2,7%), Chubb Life (2.092 tỷ đồng và 2,7%), Hanwha Life (1.908 tỷ đồng và 2,5%), Cathay Life (1.408 tỷ đồng và 1,8%), MVI (1.133 tỷ đồng và 1,46%), BIDV Metlife (792 tỷ đồng và 1,02%), các doanh nghiệp bảo hiểm: FWD Assurance, Mirae Asset Prevoir, Phú Hưng Life, Fubon Life, Shinhan Life (1.199 tỷ đồng và 1,5%).
So với 6 tháng đầu năm 2022, doanh thu phí bảo hiểm và thị phần các doanh nghiệp bảo hiểm trên thị trường thay đổi cụ thể như sau: Bảo Việt Nhân thọ (-186 tỷ đồng và +1,4 điểm%), Manulife (-1.988 tỷ đồng và -0,97 điểm %), Prudential (-1.157 tỷ đồng và -0,07 điểm %), Dai-ichi Life (-665 tỷ đồng và +0,19 điểm %), AIA (-1.177 tỷ đồng và -0,61 điểm %), FWD (-65 tỷ đồng và +0,23%), Sun Life (-111 tỷ đồng và +0,1 điểm %), MB Ageas (-1.040 tỷ đồng và -0,99 điểm %), Generali (-211 tỷ đồng và -0,06%),…
Như vậy, Manulife và MB Ageas là hai doanh nghiệp của thị phần giảm mạnh nhất so với cùng kỳ 2022. Bên cạnh đó, AIA, Prudential, Generali và MVI cũng là những đơn vị bị thu hẹp về thị phần.
Ở chiều ngược lại, thị phần của Bảo Việt Nhân Thọ tăng mạnh giúp công ty này vững vàng vị trí dẫn đầu về thị phần tổng doanh thu phí.
Trước đó, ngành bảo hiểm nhân thọ đã trải qua cuộc khủng hoảng truyền thông được coi là tồi tệ nhất trong lịch sử gần 30 năm phát triển tại Việt Nam, khi loạt lùm xùm liên quan tới kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) đã làm xói mòn niềm tin của khách hàng về hoạt động này.
Tuy nhiên, nhìn từ góc độ tích cực, đây chính là thời cơ để ngành bảo hiểm nhân thọ nhìn lại và cải thiện quy trình, hệ thống phân phối, phục vụ khách hàng tốt hơn, chứng minh vai trò, lợi ích cũng như nâng cao tín nhiệm của ngành; là điều kiện thuận lợi để thị trường chấn chỉnh, hoàn thiện, phát triển minh bạch, bền vững.
Theo khảo sát mới đây của Vietnam Report, chiến lược nâng cao chất lượng đội ngũ tư vấn viên/ đại lý/ nhân viên ngân hàng bán bảo hiểm đã được các doanh nghiệp bảo hiểm ưu tiên đẩy lên vị trí cao nhất. Các doanh nghiệp hiện nay đang đẩy mạnh việc tổ chức các chương trình đào tạo bám sát yêu cầu công việc, phát triển năng lực, tiêu chuẩn hóa đội ngũ tư vấn viên và áp dụng những quy trình chặt chẽ để chọn người phù hợp.
Bên cạnh đó, việc đưa ra những quy định mới nghiêm ngặt hơn về mặt nhân sự đối với các tổ chức tín dụng có kinh doanh bảo hiểm cũng được kỳ vọng sẽ giúp nâng cao chất lượng đội ngũ tư vấn cho kênh bancassurance.