Công ty Cổ phần Thủy điện Nậm Pia (Thủy điện Nậm Pia) vừa công bố BCTC năm 2023, ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 7,6 tỷ đồng, giảm gần 43% so với năm 2022 (13,4 tỷ đồng).
Theo báo cáo, tính đến ngày 31/12/2023, vốn chủ sở hữu của Thủy điện Nậm Pia là 268 tỷ đồng, tăng 2,9% so với đầu năm.
Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu giảm từ 1,37 lần (tương ứng 357 tỷ đồng), xuống 1,11 lần (tương ứng 298 tỷ đồng) vào thời điểm cuối năm 2023. Trong đó, Dư nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu cũng giảm từ 0,84 lần (tương ứng 219 tỷ đồng) hồi đầu năm, xuống 0,68 lần (tương ứng 182,6 tỷ đồng) vào thời điểm cuối năm 2023.
Lợi nhuận sau thuế “bốc hơi” gần 43% so với năm trước, khiến Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) năm 2023 là 2,86%, con số này ở năm 2022 là 5,16%.
Dư nợ trái phiếu của Thủy điện Nậm Pia đến từ lô trái phiếu SNP.BOND.2019 được doanh nghiệp thủy điện này phát hành vào ngày 30/12/2019, với giá trị 300 tỷ đồng, kỳ hạn 120 tháng. Sau nhiều đợt mua lại trước hạn, đến thời điểm cuối năm 2023, giá trị đang lưu hành của lô trái phiếu này là 205 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu được biết, Công ty Cổ phần Thủy điện Nậm Pia được thành lập vào ngày 01/10/2009. Trụ sở chính của doanh nghiệp đặt tại xã Chiềng Hoa, huyện Mường La, tỉnh Sơn La. Người đại diện pháp luật của doanh nghiệp là Giám đốc Trương Đình An (sinh năm 1990) và đại gia thủy điện Trương Đình Lam (SN: 1964).
Ngoài ra, ông Trương Đình An và đại gia thủy điện Trương Đình Lam còn là người đại diện pháp luật của các doanh nghiệp như: Công ty CP Xây dựng và Thương Mại Lam Sơn, Công ty CP Thủy điện Nậm Pia, …
Được biết, sau hơn 15 năm hoạt động trong lĩnh vực sản xuất điện, đại gia thủy điện Trương Đình Lam đang sở hữu một loạt các dự án thủy điện quy mô lớn với tổng công suất lên đến 108,4MW. Bao gồm nhà máy thủy điện Nậm Pia (công suất 15MW); Nhà máy thủy điện Chiềng Công 1 & 2 (6,4MW); Nhà máy thủy điện Nậm Giôn (20MW); Thủy điện Sông Lô 4 (24MW); Thủy điện Sông Lô 8A&B (27 MW) và Thủy điện Nậm Hồng 1&2 (16 MW).
Trong đó, nhà máy thủy điện Nậm Pia là dự án đầu tay của đại gia thủy điện Trương Đình Lam, được khởi công vào năm 2007 và đi vào hoạt động hai năm sau đó (tháng 8/2009), có tổng công suất 15MW.
Trước đó, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Thủy điện Nậm Hồng (Thủy điện Nậm Hồng) – một công ty của đại gia thủy điện Trương Đình Lam cũng đã công bố BCTC năm 2023, ghi nhận lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 69 triệu đồng, “bốc hơi” 98,2% so với năm 2022.
Theo đó, tính đến thời điểm 31/12/2023, vốn chủ sở hữu của Thủy điện Nậm Hồng là 209 tỷ đồng, tăng 2,5% so với đầu năm. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu giảm từ 1,03 lần (tương ứng 210 tỷ đồng) hồi đầu năm, xuống còn 0,95 lần (tương ứng 199 tỷ đồng) vào thời điểm cuối năm 2023.
Đáng chú ý, dự nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu giảm từ 1,03 lần (tương ứng 210 tỷ đồng) hồi đầu năm, xuống còn 0,97 lần (tương ứng 203 tỷ đồng) vào thời điểm cuối năm 2023. Có thể thấy, nghịch lý hy hữu đang tồn tại ở Thủy điện Nậm Hồng khi dư nợ trái phiếu còn cao hơn dư nợ phải trả của doanh nghiệp này.
Kết quả kinh doanh kém khả quan trong năm 2023 của Thủy điện Nậm Hồng, khiến Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) chỉ đạt 0,03%, con số này ở năm 2022 là 1,9%.