Công ty thủy điện sắp lên sàn HoSE: Giá trị thị trường hơn 4.000 tỷ, lợi nhuận 9T2023 giảm 63%

Huyền Trang | 09:00 04/01/2024

Thủy điện Hủa Na là chủ đầu tư Dự án Nhà máy thủy điện Hủa Na, có công suất thiết kế 180MW, bao gồm 2 tổ máy với tổng mức đầu tư 7.093 tỷ đồng, sản lượng điện trung bình nhiều năm theo thiết kế là 717,6 triệu kWh.

Công ty thủy điện sắp lên sàn HoSE: Giá trị thị trường hơn 4.000 tỷ, lợi nhuận 9T2023 giảm 63%

235,2 triệu cổ phiếu HNA sắp lên sàn HoSE

Ngày 28/12/2023, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) vừa thông báo về việc niêm yết và ngày giao dịch đầu tiên của cổ phiếu HNA của CTCP Thủy điện Hủa Na.

Theo đó, tại ngày 12/1/2024, hơn 235,2 triệu cổ phiếu HNA sẽ chính thức giao dịch trên HoSE với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 18.350 đồng/cổ phiếu và biên độ dao động giá trong ngày giao dịch đầu tiên là 20% so với giá tham chiếu.

Như vậy, ước tính theo giá tham chiếu ngày chào sàn, Thủy điện Hủa Na được định giá gần 4.317 tỷ đồng.

Trước đó, ngày 1/12/2023, HoSE đã ra quyết định chấp thuận niêm yết hơn 235,2 triệu cổ phiếu HNA trên sàn HoSE.

Thủy điện Hủa Na được thành lập vào tháng 5/2007 và được thành lập bởi các cổ đông sáng lập: Tổng Công ty lắp máy Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các cổ đông khác như: Ngân hàng TMCP Quân đội, Ngân hàng TMCP Sài Gòn, Ngân hàng TMCP Bắc Á, Công ty Cổ phần Đầu tư Tài chính và & Bất động sản Việt, với mức vốn điều lệ ban đầu là 1.200 tỷ đồng.

Trải qua 4 lần tăng vốn, vốn điều lệ hiện tại của Công ty đã tăng lên mức 2.352,32 tỷ đồng.

Tại ngày 30/9/2023, cơ cấu cổ đông của Thủy điện Hủa Na bao gồm Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP (PV Power, mã POW - sàn HoSE) sở hữu 80,72% vốn điều lệ; Ngân hàng TMCP Bắc Á sở hữu 4,91% vốn điều lệ; Ngân hàng TMCP Quân Đội sở hữu 4,46% vốn điều lệ; Tổng công ty Lắp máy Việt Nam sở hữu 3,71% vốn điều lệ; còn lại 6,2% vốn điều lệ thuộc về cổ đông khác.

Chủ tịch HĐQT Công ty hiện nay là ông Hoàng Xuân Thành (SN 1968). Ông Thành từng là cán bộ thanh tra tài chính tại Sở Tài chính Nghệ Tĩnh và Sở Tài chính Hà Tĩnh, Phó Chánh Thanh tra tại Sở Tài chính Nghệ An. Từ khi Thủy điện Hủa Na thành lập, ông Thành đã gắn bó với công ty với chức vụ Kế toán trưởng, sau đó, từ tháng 1/2015, ông giữ chức vụ Ủy viên HĐQT kiêm Phó giám đốc công ty và từ tháng 4/2018, ông làm Chủ tịch HĐQT Thủy điện Hủa Na. Hiện ông Thành đang sở hữu 240.000 cổ phiếu, tương ứng với 0,1% số cổ phiếu đang lưu hành của Thủy điện Hủa Na.

HNA lần đầu giao dịch trên sàn Upcom vào ngày 5/10/2007. Kết thúc phiên giao dịch 27/12/2023, HNA đang có giá 18.500 đồng/cp.

Kết quả kinh doanh

Hoạt động kinh doanh chính của Thủy điện Hủa Na là sản xuất điện, vận hành nhà máy điện. Công ty là chủ đầu tư Dự án Nhà máy thủy điện Hủa Na trên thượng nguồn sông Chu thuộc địa phận xã Đồng Văn, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An.

Nhà máy thủy điện Hủa Na có công suất thiết kế 180MW, bao gồm 2 tổ máy với tổng mức đầu tư 7.093 tỷ đồng, sản lượng điện trung bình nhiều năm theo thiết kế là 717,6 triệu kWh. Nhà máy vận hành phát điện hòa vào hệ thống điện Quốc gia tổ máy số 1 vào ngày 1/2/2013, tổ máy số 2 vào ngày 27/3/2013.

Về kết quả kinh doanh, 9 tháng đầu năm 2023, Thủy điện Hủa Na ghi nhận doanh thu đạt 521 tỷ đồng, giảm 38% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 152 tỷ đồng, giảm 63% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp cũng giảm mạnh từ 59,7%, về còn 37,9%.

Nguyên nhân kết quả kinh doanh của Thủy điện Hủa Na sụt giảm mạnh là do điều kiện thuỷ văn năm 2023 không còn thuận lợi, lưu lượng nước về hồ giảm so với cùng kỳ, kết quả sản lượng điện, doanh thu đều giảm theo.

Ngày 28/12/2023, Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (Rồng Việt) đã phối hợp cùng Công ty Cổ phần Thủy điện Hủa Na (Mã CK: HNA) tổ chức Tại Hội nghị nhà đầu tư tổ chức ngày 28/12/2023, Ban lãnh đạo Công ty đã công bố ước tính kết quả kinh doanh năm 2023. Theo đó, trong năm 2023, tổng sản lượng điện thương mại của Hủa Nam ước đạt 557.860mWh, doanh thu thuần ước tính 755 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 217 tỷ đồng.

Công ty hiện đang có kế hoạch tìm kiếm, nghiên cứu các dự án thủy điện quy mô vừa và nhỏ tại Nghệ An, Thanh Hóa, Tây Nguyên. Ngoài ra, Hủa Na cũng nghiên cứu thực hiện dự án điện mặt trời ở lòng hồ thủy điện Hủa Na.

Theo tài liệu ĐHCĐ thường niên năm 2023, kế hoạch phát triển giai đoạn năm 2023-2028, Ban lãnh đạo sẽ tập trung vận hành an toàn, hiệu quả Nhà máy thủy điện Hủa Na; đầu tư xây dựng thêm một đến hai nhà máy thủy điện vừa và nhỏ, dự án năng lượng tái tạo; cung cấp dịch vụ kỹ thuật trong lĩnh vực đào tạo, vận hành và sửa chữa nhà máy thủy điện.

Trước mắt, Ban lãnh đạo sẽ tập trung điều hành, chỉ đạo tháo gỡ dứt điểm các khó khăn, vướng mắc còn lại trong công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định canh của dư án Thủy điện Hủa Na với địa phương để hoàn thành nhiệm vụ quyết toán nguồn vốn đầu tư còn lại đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật. Đồng thời, tham gia đầu tư các dự án thủy điện vừa và nhỏ, các dự án năng lượng tái tạo.

Đến nay, Dự án thủy điện Hủa Na đang tồn tại một số nội dung trong công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thuộc đầu tư dự án, cụ thể: vướng mắc 302,412ha đất sản xuất nông nghiệp trồng cây hàng năm đang có rừng tự nhiên đã giao đất sản xuất cho người dân tại các điểm tái định cư ngoài thực địa nhưng phải thu hồi lại; 129 hộ dân còn lại chưa nhận đất ruộng lúa nước để sản xuất và công tác bồi thường xử lý chênh lệch giá trị quyền sử dụng đất nông nghiệp nơi đi và nơi đến.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Công ty thủy điện sắp lên sàn HoSE: Giá trị thị trường hơn 4.000 tỷ, lợi nhuận 9T2023 giảm 63%
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO