Thấy lạm phát nóng gây áp lực lên kế hoạch của Fed, Ngân hàng Trung ương châu Âu giữ nguyên lãi suất ở mức cao kỷ lục

Anh Dũng | 20:20 11/04/2024

Sự khác biệt về tình hình kinh tế giữa Mỹ và châu Âu khiến Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.

Thấy lạm phát nóng gây áp lực lên kế hoạch của Fed, Ngân hàng Trung ương châu Âu giữ nguyên lãi suất ở mức cao kỷ lục

Sau cuộc họp ngày 11/4, ECB đã giữ lãi suất ở mức cao kỷ lục 4% kể từ tháng 9 năm ngoái. Lạm phát dai dẳng đang khiến các nhà đầu tư đoán già đoán non thời điểm và mức độ cắt giảm lãi suất của các ngân hàng trung ương.

Sau báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 tại Mỹ cao vượt dự đoán, thị trường đã thay đổi dự đoán về việc cắt giảm lãi suất sắp diễn ra. Sự thay đổi này đang tác động đến châu Âu, nơi các nhà đầu tư tin rằng ECB và các ngân hàng trung ương lớn khác cũng sẽ hành động tương tự với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

ECB cho biết họ sẽ đưa ra quyết định về lãi suất dựa trên dữ liệu. Nếu dữ liệu đó củng cố niềm tin rằng lạm phát đang giảm về mức mục tiêu một cách bền vững, việc nới lỏng chính sách tiền tệ là điều phù hợp.

ECB đang phải đối mặt với bối cảnh kinh tế khác Fed. Lạm phát ở châu Âu tuy vẫn cao hơn mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương, nhưng đã hạ nhiệt đều đặn. Nền kinh tế cũng đã chậm lại kể từ cuối năm 2022. Lạm phát tại khu vực đồng euro trong tháng 3 đã giảm xuống 2,4%, thấp hơn so với mức 2,6% của tháng 2. Trong khi đó, lạm phát của Mỹ tăng lên 3,5% trong tháng 3 so với mức 3,2% của tháng 2.

Các quan chức ECB đã phát tín hiệu rằng họ có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất ngay sau tháng 6, khi lạm phát giảm trên khắp châu Âu giảm. Điều này sẽ mang lại động lực cho nền kinh tế. Như vậy, ECB có thể đi trước Fed, vì Fed vốn chưa đưa ra tín hiệu về thời điểm bắt đầu cắt giảm lãi suất. Cũng như ECB, Fed cho biết họ cần quyết định dựa trên các dữ liệu kinh tế sắp tới.

Sau dữ liệu lạm phát nóng hơn dự kiến của Mỹ, các nhà đầu tư hiện đang dự đoán sẽ có ít hơn 2 đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay. Theo Deutsche Bank, các nhà đầu tư đồng thời từ bỏ kỳ vọng về việc các ngân hàng trung ương lớn khác cắt giảm lãi suất. Họ dự đoán 82% khả năng ECB cắt giảm lãi suất vào tháng 6, thấp hơn tỷ lệ 91% của ngày hôm trước.

Chủ tịch ECB Christine Lagarde sẽ đưa ra nhiều thông tin hơn về quan điểm của các nhà hoạch định chính sách trong cuộc họp báo sau cuộc họp chính sách.

Bà Lagarde trước đây đã nhấn mạnh rằng ECB sẽ cắt giảm lãi suất nếu cần thiết, bất kể Fed có làm gì. Các nhà kinh tế cho rằng mọi chuyện không đơn giản như vậy. Các động thái chính sách của Fed có ảnh hưởng to lớn đến nền kinh tế thế giới, vì tầm ảnh hưởng của đồng USD. Điều đó có nghĩa là mặc dù ECB có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất trước Fed, nhưng cũng có những giới hạn về mức độ theo thời gian.

Theo dữ liệu từ Refinitiv, các nhà đầu tư hiện đang kỳ vọng ECB sẽ cắt giảm lãi suất 0,75 điểm phần trăm trong năm nay, với đợt đầu tiên có thể sẽ diễn ra trong tháng 6. Họ dự đoán Fed sẽ cắt giảm ít hơn 0,5 điểm phần trăm trong năm nay, với đợt đầu tiên dự kiến vào khoảng tháng 9.

Bà Lagarde dự kiến sẽ để ngỏ tất cả các lựa chọn. Vì gần đây, nền kinh tế khu vực đồng euro cũng như giá năng lượng và hàng hóa tăng cao, điều này có thể đẩy lạm phát lên cao hơn.

Một câu hỏi quan trọng giữa các nhà kinh tế và ngân hàng trung ương là liệu lạm phát có quay trở lại mức thấp như trước đại dịch hay không. Một số nhà kinh tế và nhà đầu tư cho rằng lạm phát có thể duy trì ở mức cao, do những thay đổi của nền kinh tế thế giới, từ căng thẳng thương mại đến lực lượng lao động bị thu hẹp.

Theo WSJ


(0) Bình luận
Thấy lạm phát nóng gây áp lực lên kế hoạch của Fed, Ngân hàng Trung ương châu Âu giữ nguyên lãi suất ở mức cao kỷ lục
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO