Thất nghiệp thay đổi hoàn toàn con người: Học cách chỉ tiêu 2 triệu/tháng, quyết tâm “làm chủ" để không phụ thuộc vào ai

Nguyệt | 18:34 14/04/2024

Thất nghiệp sẽ vơi bớt đáng sợ nếu bạn biết cách bình tĩnh và nhìn nhận đã thu được được bài học gì từ trải nghiệm này.

Thất nghiệp thay đổi hoàn toàn con người: Học cách chỉ tiêu 2 triệu/tháng, quyết tâm “làm chủ" để không phụ thuộc vào ai

Bị công ty sa thải là tin đáng buồn với bất kỳ ai. Tuy nhiên, nhìn theo góc độ tích cực thì thất nghiệp giúp bạn có một quãng nghỉ sau thời gian dài làm việc.

Nhiều người trẻ đã tận dụng thời điểm này để “review" lại bản thân suốt chặng đường dài, cả về khía cạnh sự nghiệp và cách quản lý tài chính. Họ tự hỏi: Liệu có phải chính thời gian mải miết chạy theo KPI chốn công sở khiến mình mắc phải sai lầm trong cách tiêu tiền - kiếm tiền?

Dưới đây là câu chuyện của 3 bạn trẻ và những bài học đáng giá họ nhận được sau thời gian dài thất nghiệp.

Bỗng dưng mất việc, nhận ra mình tiêu xài phung phí như thế nào?

Trước khi thất nghiệp, Hoàng Giang (29 tuổi, kỹ sư tự động hoá) vừa làm nhân viên văn phòng, vừa có công việc tay trái là mẫu ảnh cho các shop thời trang nam.

Anh chàng kể lại, hồi sinh viên vì học hành bận rộn nên sau khi đi làm và kiếm được tiền, Hoàng Giang chỉ nghĩ đến ăn chơi để bù đắp cho những năm tháng sinh viên ít trải nghiệm. Cũng vì thế, cho đến tận khi thất nghiệp, tài khoản tiết kiệm của chàng trai gần như bằng 0. 

46d09ca7d8424f2ce61e4fbfd57b6a71.jpeg
Ảnh minh hoạ

Biến cố đầu tiên ập đến vào tháng 4/2020, Giang mất toàn bộ job mẫu ảnh do giãn cách xã hội, đồng nghĩa với thu nhập giảm khoảng 60%. Sang đầu năm 2022, anh chàng càng “chạm đáy” khi nằm trong danh sách cắt giảm nhân sự của công ty.

Lúc này, Hoàng Giang nhận trợ cấp 3 tháng lương và đó là khoản tiền duy nhất để anh có thể trang trải cuộc sống cho đến khi tìm được việc mới. Người ta thường bảo, phải đi làm mới biết trân trọng đồng tiền,  vì đó là mồ hôi công sức của mình. Nhưng phải đến tận khi không kiếm được tiền nữa, Giang mới thấm thía việc đó. 

Đến tháng thất nghiệp thứ 2, Giang quyết tâm “làm lại cuộc đời”. Và một trong những việc đầu tiên anh chàng thay đổi là học cách sống tiết kiệm. Hoàng Giang chuyển tới phòng trọ của bạn thân ở, hai người chia nhau tiền nhà để giảm chi phí. Mỗi tuần đi đá bóng 3 buổi để cắt đứt những dòng suy nghĩ tiêu cực, dày vò bản thân; vẫn ăn ngoài nhưng chỉ là 3 bữa/tuần thay vì 21 bữa/tuần như xưa.

Khi 3 tháng lương trợ cấp nghỉ việc của công ty còn khoảng 4 triệu thì Giang may mắn tìm được việc mới. “Giờ thì mình chi tiêu đỡ phung phí hơn ngày xưa rồi, chưa hẳn là đã biết quản lý chi tiêu đâu, nhưng ít nhất cũng đã biết trích 45% thu nhập để gửi tiết kiệm”, Hoàng Giang chia sẻ.

Một trường hợp khác, Hoài Thương (25 tuổi, nhân viên văn phòng) rơi vào làn sóng sa thải, dù trước đó cô từng kiếm đến 30 triệu đồng/tháng từ công việc này. 

Tương tự Hoàng Giang, trong 5 tháng đầu sau khi bị sa thải, Hoài Thương vẫn quen lối sống xa xỉ, chi tiêu không kém cạnh so với thời điểm còn làm dân văn phòng. Tuy nhiên khi chứng kiến tài khoản ngân hàng dần vơi đi, cô bắt buộc phải học cách tiết kiệm.

1d3f382a4c6bad3fee1aede77347f0a2.jpeg
Ảnh minh hoạ

Cụ thể, Hoàng Giang chỉ cho phép mình tiêu 2 triệu đồng/tháng cho đến khi tìm công việc mới. Trong số đó:

 - Tiền nhà: 0 đồng. Bởi lẽ Hoài Thương đang ở cùng nhà với gia đình, do đó không cần tốn chi phí nào cho mức tiêu dùng này.

- Tiền ăn uống: 900 ngàn đồng.

Hoài Thương đang tận dụng quãng thời gian nghỉ việc để giảm cân, do đó số tiền chi cho ăn uống của cô bạn cũng được giảm tối đa. Mỗi ngày, cô bạn chỉ tốn 30 ngàn đồng cho chi phí ăn uống. Để tiết kiệm chi phí, Hoài Thương tự nấu ăn tại nhà, kết hợp tận dụng "nhà có gì thì ăn nấy".

- Tiền cafe và trà chanh thư giãn cùng bạn bè: 300 ngàn đồng.

- Tiền đổ xăng: 300 ngàn đồng.

- Các khoản chi còn lại (mua đồ mỹ phẩm, đồ tiêu dùng hàng ngày, đi đám cưới và hỏi thăm họ hàng…): 500 ngàn đồng.

Hiện, Hoài Thương đã tìm được việc làm chính thức. Tuy nhiên, do vẫn đang thử việc ở môi trường mới nên cô bạn chi tiêu hết sức tiết kiệm, không dám phung phí như giai đoạn trước.

“Nhờ thời gian thất nghiệp, mình mới biết cách tiết kiệm. Chưa bao giờ mình thấy bản thân ‘rỗng ví' như trải nghiệm này. Nhờ đó, mình học cách đa dạng thu nhập, trích tiền lương hàng tháng để đầu tư và gửi tiết kiệm”.

Sau khi thất nghiệp: Người quyết tâm đa dạng thu nhập, người nỗ lực chỉ theo đuổi 1 nghề

Nhìn lại khoảng thời gian tiêu tiền như nước của mình, ngoài việc ngộ ra tầm quan trọng của tiết kiệm, Hoàng Giang còn thấm thía câu nói “một nghề cho chín còn hơn chín nghề”.

''Mình gần như không còn đi làm mẫu ảnh nữa, vì muốn tập trung cho công việc chính. Làm mẫu ảnh không tốn sức, không tốn 'não', thu nhập cũng khá nhưng đổi lại là mình không còn thời gian để nâng cấp kiến thức lẫn kỹ năng của bản thân trong ngành mình đang làm việc. Ngày xưa vì ham muốn kiếm nhiều tiền mà mình lơ là công việc chính, nên mới thất nghiệp. Giờ đủ chín chắn để nhận ra đâu mới là công việc có tiềm năng giúp mình kiếm tiền lâu dài, nên phải tập trung cho nó thôi'', Hoàng Giang chia sẻ.

3edcdee9f08474f7b435b4bcd8fd7723.jpeg
Ảnh minh hoạ

Trái ngược lại, Hoài Thương nhận định thất nghiệp chính là “cú sốc" đánh vào quan điểm có thể sống yên ổn bằng công việc văn phòng cả đời, Cũng vì thế, để không phụ thuộc vào ai, cô phải tự mình mở kinh doanh và học cách đầu tư, nếu không muốn trắng tay hay bị phụ thuộc tài chính vào bất kỳ ai.

“Mình từng nghĩ, chỉ cần cố gắng làm một công việc văn phòng với mức lương 30-40 triệu đồng/tháng. Sau đó, mình cưới chồng và cả hai cùng cố gắng mua căn nhà ở Hà Nội, thế là có cuộc sống ổn định. Tuy nhiên, mình nhận ra kể cả khi bạn đã nỗ lực làm việc thì vẫn có thể xuất hiện một biến số khiến kế hoạch cuộc đời chệch hướng hoàn toàn.

Nếu không có lần sa thải đó, có lẽ cả cuộc đời này mình sẽ chỉ làm nhân viên văn phòng. Và rồi mình không dám thoát ra khỏi vòng an toàn mà chính mình xây dựng nên. Chỉ khi rỗng túi và có quãng thời gian đi chậm lại để nhìn mọi thứ xung quanh, mình mới mong muốn khởi nghiệp để tự làm chủ một lần hơn bao giờ hết. Vì lúc đó, mình không chỉ có cơ hội tự làm giàu, mà còn làm chủ cuộc đời mình, chứ không phụ thuộc vào ý kiến hay sự đồng ý của bất kỳ ai", Hoài Thương chia sẻ.

Đồng tình với quan điểm này, Thanh Thanh (25 tuổi, nhân viên văn phòng) cũng cho biết sau khi thất nghiệp, cô đã chuẩn bị cho bản thân một đường lui, bằng cách đa dạng hơn nguồn thu nhập. Thanh Thanh nhận ra, nếu bây giờ chỉ làm công việc văn phòng 8 tiếng/ngày thì sẽ quá lãng phí tiền bạc và thời gian. 

“Nên lúc nào mình cũng xoay xở để có hơn 2 nguồn thu. Như hiện nay, mình chọn đầu tư vào dự án của bạn  về thời trang, góp 30% vốn để ăn lợi nhuận lâu dài. Còn về cá nhân, mình luôn có nghề tay trái để phòng hờ rủi ro, như nhận làm thêm các công việc freelance với người nước ngoài. Lương sẽ cao hơn nếu như bạn biết một chút ngoại ngữ. Từ lúc đa dạng thu nhập, mình không còn lo lắng nếu như lỡ nghe tin công ty cắt giảm nhân sự, hay tiền lương bị ảnh hưởng gián đoạn bởi lý do nào đó", Thanh Thanh bày tỏ.


(0) Bình luận
Thất nghiệp thay đổi hoàn toàn con người: Học cách chỉ tiêu 2 triệu/tháng, quyết tâm “làm chủ" để không phụ thuộc vào ai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO