Ngày 10/7/2025, Thanh tra Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông báo kết luận thanh tra đối với Ngân hàng TNHH MTV Shinhan Việt Nam (Shinhan Bank) theo kế hoạch thanh tra năm 2024. Kết luận ghi nhận nhiều kết quả tích cực trong hoạt động của ngân hàng này, song cũng chỉ ra không ít vi phạm, tồn tại cần nghiêm túc khắc phục.
Theo kết luận thanh tra, Shinhan Bank – ngân hàng 100% vốn nước ngoài, trực thuộc Tập đoàn Tài chính Shinhan (Hàn Quốc), hoạt động tại Việt Nam từ năm 2008. Đến thời điểm 31/10/2024 nhà băng này có vốn điều lệ 5.710 tỷ đồng. Mạng lưới ngân hàng này gồm trụ sở chính, 29 chi nhánh và 22 phòng giao dịch trải rộng khắp các tỉnh, thành lớn như TP.HCM, Hà Nội, Đồng Nai, Hải Phòng…, với tổng số 2.409 nhân sự.
Sau 16 năm hoạt động, Shinhan Bank đã xây dựng bộ máy tổ chức đồng bộ từ Hội đồng thành viên, Ban kiểm soát đến các cụm, khối, phòng ban chuyên môn. Các hoạt động chính gồm huy động vốn, cấp tín dụng, thanh toán, kinh doanh ngoại tệ, dịch vụ ngân hàng số… được thực hiện bài bản, giúp ngân hàng này phát triển nhanh chóng, đặc biệt trong các lĩnh vực truyền thống.
Tỷ lệ nợ xấu của Shinhan Bank được đánh giá ở mức thấp. Ngân hàng không phát sinh cấp tín dụng cho các dự án BOT, BT và duy trì dư nợ ở các lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán trong phạm vi kiểm soát. Ngoài ra, ngân hàng đã triển khai các gói tín dụng ưu đãi, hỗ trợ giảm lãi suất cho doanh nghiệp và cá nhân theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.
Bên cạnh những kết quả tích cực, Thanh tra Ngân hàng Nhà nước cũng phát hiện nhiều vi phạm, tồn tại trong hoạt động của Shinhan Bank.
Về hoạt động quản trị điều hành: Biên bản họp Hội đồng rủi ro Quý II/2024 và quý III/2024 có nội dung chưa đúng với thực tế và quy định nội bộ.
Về hoạt động cấp tín dụng đối với khách hàng lớn và hoạt động xử lý nợ xấu, thu hồi nợ sau khi xử lý rủi ro: Kết quả thanh tra cho thấy có tồn tại (quy định chưa rõ hoặc chưa thống nhất) liên quan đến nội dung phí thời hạn bảo lãnh; phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro; cho vay với mục đích kinh doanh bắt động sản; quản lý rủi ro, kiểm soát đối với cấp tín dụng để kinh doanh bất động sản, khách hàng, khách hàng và người có liên quan ở mức từ 1% vốn tự có của ngân hàng trở lên; định giá lại tài sản bảo đảm.
Việc cấp tín dụng và hoạt động xử lý nợ xấu, thu hồi nợ sau khi xử lý rủi ro đối với các khách hàng có một số vi phạm, tồn tại về Hợp đồng tín dụng; thẩm định và xét duyệt cấp tín dụng; giải ngân vốn vay; kiểm tra, giám sát vốn vay; tài sản bảo đảm; thực hiện các biện pháp quản lý nợ xấu theo quy định nội bộ.
Về hoạt động mua, bán ngoại tệ, chuyển tiền ra nước ngoài: Kết quả kiểm tra chọn mẫu giao dịch mua, bán ngoại tệ cho thấy, một số thỏa thuận mua, bán ngoại tệ thiếu thông tin về cặp đồng tiền giao dịch, tỷ giá giao dịch theo quy định pháp luật.
Về việc chấp hành quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố: Kết quả kiểm tra chọn mẫu cho thấy, thông tin báo cáo của 02 giao dịch tại tệp thông tin mà Shinhan Bank đã báo cáo cho Ngân hàng Nhà nước về người chuyển tiền, người thụ hưởng chưa chính xác theo hướng dẫn định dạng báo cáo giao dịch chuyển tiền điện tử trong nước tại Phụ lục 02 Công văn số 4878/TTGSNH5 ngày 31/10/2023 của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng.
Theo kết luận thanh tra, nguyên nhân tồn tại đến từ cả yếu tố khách quan và chủ quan. Trong đó, nguyên nhân khách quan: Trong quá trình hoạt động kinh doanh, hoạt động cấp tín dụng đối với khách hàng lớn tiềm ẩn rủi ro, nhóm khách hàng, hoạt động xử lý nợ xấu và thu hồi nợ ngoại bảng sau khi xử lý rủi ro vẫn còn một số bất cập do khách hàng không kịp thời gửi thông tin, tài liệu cho Ngân hàng; khách hàng cố tình trì hoãn, không thực hiện đúng các nội dung trong hợp đồng tín dụng; sau khi vay vốn tại Shinhan Bank, khách hàng chủ yếu sinh sống ở nước ngoài dẫn đến khó khăn cho Ngân hàng trong việc liên lạc.
Nguyên nhân chủ quan: Do sơ suất, thiếu sót của cán bộ/bộ phận làm trực tiếp trong quá trình thực hiện; thiếu sự rà soát kỹ lưỡng của cán bộ, bộ phận kiểm soát, rà soát, phê duyệt để phát hiện kịp thời các tồn tại.
Kết luận thanh tra đưa ra một số kiến nghị đối với Shinhan Bank: Hội đồng thành viên, Ban kiểm soát, Ban điều hành Shinhan Bank nghiêm túc rút kinh nghiệm trong công tác quản trị, điều hành, kiểm tra, kiểm soát để bảo đảm an toàn hoạt động, tuân thủ quy định pháp luật; đồng thời chấn chỉnh, chỉ đạo trong toàn hệ thống nghiêm túc rút kinh nghiệm đối với các vi phạm, tồn tại đã được phát hiện nêu tại Kết luận thanh tra.
Tổng giám đốc, Ban kiểm soát căn cứ chức năng nhiệm vụ chỉ đạo các bộ phận chức năng tăng cường công tác rà soát, kiểm tra, kiểm toán các quy trình, quy định nội bộ và việc triển khai thực hiện quy định nội bộ, quy định pháp luật trong các hoạt động nghiệp vụ nhằm phát hiện kịp thời các tồn tại, hạn chế để khắc phục kịp thời, đảm bảo hoạt động của Ngân hàng tuân thủ quy định pháp luật.
Rà soát, bổ sung, chỉnh sửa các quy định nội bộ, hợp đồng tín dụng còn tồn tại, thiếu sót; khắc phục tồn tại liên quan đến giải ngân vốn vay, tài sản bảo đảm; nâng cao chất lượng công tác thẩm định tín dụng trước khi cấp tín dụng; công tác kiểm tra, giám sát sau cho vay.
Về tình hình kinh doanh, năm tài chính 2024, Shinhan Bank ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt mức kỷ lục 4.576 tỷ đồng, tăng nhẹ 1,14% so với năm trước.
Đây là năm thứ tư liên tiếp ngân hàng này duy trì đà tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng. Cụ thể, trong năm 2023, lợi nhuận sau thuế của Shinhan Bank đạt 4.524 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 3.705 tỷ đồng năm 2022. Trước đó, năm 2021, con số này chỉ dừng ở 2.527 tỷ đồng.
Đà tăng trưởng đều đặn qua các năm cho thấy hiệu quả hoạt động ổn định và khả năng thích ứng nhanh của Shinhan Bank trong bối cảnh thị trường tài chính – ngân hàng có nhiều biến động.