Thành tích 'gây choáng' của nhóm nhà đầu tư bị chế giễu là 'dumb money': Sở hữu danh mục với tỷ suất sinh lời hơn 150%, vượt trội so với S&P 500, cho nhiều quỹ lớn 'hít khói'

Chi Lan | 07:05 24/10/2023

Từ lâu, Phố Wall đã chỉ trích các nhà đầu tư nghiệp dư. Tuy nhiên, cách tư duy và xu hướng chấp nhận rủi ro của nhóm này lại đang cho thấy hiệu quả trong một thị trường đang được dẫn dắt bởi đà tăng của cổ phiếu công nghệ

Thành tích 'gây choáng' của nhóm nhà đầu tư bị chế giễu là 'dumb money': Sở hữu danh mục với tỷ suất sinh lời hơn 150%, vượt trội so với S&P 500, cho nhiều quỹ lớn 'hít khói'

Jeff Beckman biết rằng ông sẽ không thể giàu có nếu chỉ làm việc ở tổ chức phi lợi nhuận, nên ông quyết định đầu tư vào thị trường chứng khoán.

Trong gần 40 năm, Beckman liên tục đầu tư tiền vào quỹ hưu trí do người sử dụng lao động tài trợ và phân bổ gần như hoàn toàn vào các quỹ chứng khoán. Ông cũng mua cổ phiếu Apple, Berkshire Hathaway và Meta Platforms qua tài khoản môi giới. 

Hiện tại, danh mục của người đàn ông 63 tuổi này trị giá khoảng 1 triệu USD. Ông cũng chưa có kế hoạch bán cổ phiếu hay chuyển sang các tài sản an toàn hơn như trái phiếu. 

Từ lâu, Phố Wall đã có "hiềm khích" với các nhà đầu tư nghiệp dư. Họ là những người tham gia thị trường mà không có kiến thức vững chắc, thường "mua cao, bán thấp". Tuy nhiên, cách tư duy và xu hướng chấp nhận rủi ro của nhóm này lại đang cho thấy hiệu quả trong một thị trường đang được dẫn dắt bởi đà tăng của cổ phiếu công nghệ, dù nhiều người chỉ trích là "dumb money" (tiền ngớ ngẩn). 

screenshot-2023-10-23-at-23.29.23.png

Theo Vanda Research với dữ liệu được theo dõi từ cách đây 9 năm, danh mục đầu tư chứng khoán trung bình của nhà đầu tư nhỏ lẻ ghi nhận tỷ suất sinh lời khoảng 150% kể từ đầu năm 2014. Con số này vượt mức 140% của S&P 500 trong cùng thời kỳ.

Nhóm nhà đầu tư nhỏ lẻ này thường phân bổ tỷ trọng lớn đối với các công ty công nghệ vốn hoá cao. Theo Vanda, chỉ riêng Apple, Tesla và Nvidia đã chiếm khoảng 40% danh mục đầu tư của một cá nhân.

Dù cổ phiếu công nghệ sụt giảm trong năm ngoái, nhưng khoản đầu tư này vẫn "thống trị" thị trường trong gần 1 thập kỷ qua, giúp S&P 500 tăng 10% trong năm nay. Kể từ năm 2014, cổ phiếu Apple tăng gần 800%, trong khi Tesla tăng khoảng 2.000%, Nvidia tăng hơn 10.000%. 

screenshot-2023-10-23-at-23.29.09.png

Arash Abbasi, 41 tuổi, bắt đầu đầu tư chứng khoán khi nhận được "thẻ xanh" khoảng 5 năm trước. Cổ phiếu ông nắm giữ nhiều nhất là Alphabet, Amazon, Apple, Meta và Microsoft. Là nhà khoa học ngành AI tại một công ty sinh học. Abbasi cũng hiểu biết nhiều về công nghệ. 

Song, là một nhà đầu tư nghiệp dư, ông không lo ngại về việc "all in" với cổ phiếu công nghệ. Nhà khoa học chia sẻ: "Tôi thà mạo hiểm chấp nhận rủi ro trồi sụt liên tục hơn là cứ đi ngang. Tôi luôn nhìn về tiềm năng trong tương lai." 

Hãng môi giới trực tuyến Robinhood Markets đã tạo ra một chỉ số theo dõi 100 cổ phiếu phổ biến nhất với 23 triệu người dùng của họ. Các khoản đầu tư được người dùng ưa chuộng nhất trong thời gian gần đây bao gồm một số cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn, hay Ford Motor, Walt Disney và không thể không kể đến GameStop hay AMC. 

Theo Stephanie Guild, trưởng bộ phận chiến lược đầu tư tại Robinhood, từng làm việc ở JPMorgan suốt 20 năm, nhận định người dùng Robinhood thường đầu tư vào những công ty họ biết và có sử dụng dịch vụ. Bà nói thêm: "Điều này thực sự không khác gì các thế hệ trước hay một số nhà đầu tư nổi tiếng." 

Warren Buffett cũng có chiến lược tương tự. Ông nổi tiếng với việc né tránh các công ty công nghệ, trừ Apple. Sau khi nghiên cứu về doanh nghiệp này, ông quyết định coi Apple là một công tiêu dùng và đổi chiếc điện thoại nắp gập sang dùng iPhone. Hiện tại, Apple là cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong danh mục của Berkshire, trị giá hơn 177 tỷ USD. 

screenshot-2023-10-23-at-23.28.47.png

Trong khi đó, hầu hết các hộ gia đình Mỹ đầu tư cổ phiếu đều thực hiện chiến lược như vậy một cách gián tiếp. Theo khảo sát của Fed năm 2022, khoảng 58% gia đình Mỹ có đầu tư cổ phiếu, trong khoảng 21% hộ trực tiếp nắm giữ. Khoảng 1 nửa gia đình ở Mỹ có tài sản trong các quỹ hưu trí. 

Một lợi thế của nhóm nhà đầu tư nhỏ lẻ so với chuyên nghiệp là: Họ không phải lo lắng về việc báo cáo hiệu suất đầu tư cho ai. Nhờ đó, họ không căng thẳng nếu thị trường sụt giảm. 

John Clough, một luật sư 57 tuổi, đầu tư vào quỹ hưu trí 401(k) và có tài khoản Robinhood, cho biết ông không cần phải đánh bại S&P 500 mỗi quý. Ông đã mua cổ phiếu Apple và Amazon vào mùa hè năm ngoái khi rớt giá. 

Ngay cả những nhà quản lý tài sản chuyên nghiệp cũng gặp khó khăn trong việc đánh bại chỉ số tham chiếu của quỹ. Theo S&P Dow Jones Indices, trong thập kỷ qua, khoảng 86% tổng số quỹ đầu tư vốn hoá lớn của Mỹ có thành tích kém hơn so với S&P 500.

Đương nhiên, nhiều nhà đầu tư nghiệp dư cũng chịu khoản lỗ lớn khi thị trường lao dốc sau đợt tăng giá phi mã thời kỳ đại dịch. Ví dụ, cổ phiếu GameStop từng tăng vượt 480 USD trong 1 phiên ngày vào tháng 1/2021, nhưng hiện chỉ giao dịch trên 13 USD. Còn cổ phiếu AMC giảm khoảng 97% so với mức kỷ lục. 

Song, hiện tại, nhiều người trên Phố Wall đang chú ý đến các nhà đầu tư nhỏ lẻ với vai trò là nhân tố chính sau những biến động của thị trường. 

Jully-Alma Taveras, 34 tuổi, cho rằng mạng xã hội và các thông tin online đã giúp mọi người có nhiều cơ hội đầu tư cổ phiếu hơn. 

Là một nhà đầu tư "tự hiểu tự học", Taveras đã tự thành lập một nền tảng giáo dục online là Investing Latina để giúp nhiều người khác tìm hiểu về thị trường chứng khoán. Cô nói: "Thời thế đang thay đổi. Những người như chúng tôi đang trở nên khôn ngoan hơn."

Tham khảo WSJ


(0) Bình luận
Thành tích 'gây choáng' của nhóm nhà đầu tư bị chế giễu là 'dumb money': Sở hữu danh mục với tỷ suất sinh lời hơn 150%, vượt trội so với S&P 500, cho nhiều quỹ lớn 'hít khói'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO