Bên cạnh những toà nhà chọc trời lấp lánh và những ngôi nhà trị giá hàng triệu USD khiến Hồng Kông (Trung Quốc) trở thành thị trường bất động sản đắt đỏ nhất thế giới là một cuộc khủng hoảng nhà ở dường như cũng nan giải nhất nhì toàn cầu.
Chào mừng đến với Hồng Kông, nơi một ngôi nhà trung bình được bán với giá hơn 1 triệu đô la Mỹ. Đây cũng là nơi có hơn 200.000 người phải đối mặt với sự chờ đợi trong ít nhất nửa thập kỷ để chờ tới lượt nhận trợ cấp nhà ở.
Cứ 5 người thì có 1 người sống dưới mức nghèo khổ ở Hồng Kông. Đối nghịch hẳn với dãy The Peak của các tỷ phú và các tài sản hào nhoáng có giá hàng trăm triệu USD là những căn ‘nhà lồng’ chật chội được phân chia trong các khu chung cư cũ kỹ.
Nguyên nhân của vấn đề đã được biết từ lâu. Tình trạng cung thiếu, nhu cầu lại quá nhiều khiến phần đông người thu nhập thấp phải sống cảnh chen chúc. Đó cũng là nơi khai sinh ra những khu dân cư đông đúc nhất hành tinh.
Tuy nhiên, có rất nhiều căn nhà đang bị bỏ trống. Đó là những gì còn sót lại từ đại dịch Covid-19. Nhiều người hiện đang kêu gọi chính quyền tái sử dụng các khu cách ly Covid, vốn đã không còn được sử dụng, để đáp ứng nhu cầu nhà ở.
"Lột xác" cho các khu cách ly
Mỗi phòng cách ly có kích thước gần bằng một chỗ đậu xe với một nhà vệ sinh, vòi hoa sen và giường đơn. Chỉ một số ít có nhà bếp trong phòng.
Thế nhưng, người ta cho rằng đó vẫn là điều kiện sống có thể chấp nhận, nhất là với những người không có đủ khả năng chi trả tiền thuê nhà trong phố. Tại Hồng Kông, ngay cả những căn hộ nano có diện tích 20m2 cũng đã được rao bán với giá 445.000 đô la Mỹ (10 tỷ VNĐ).
Francis Law từng được đưa đến khu cách ly lớn nhất có tên Penny's Bay. Ông cho rằng mặc dù nó đơn giản nhưng cơ sở vật chất vẫn đủ để đáp ứng nhu cầu cơ bản của một người và sẽ là một lựa chọn tạm thời khá hấp dẫn cho những người muốn tìm nhà ở.
“Nếu chính quyền cho thuê các căn hộ với giá khoảng 2.000 – 3.000 đô la Hồng Kông mỗi tháng (254 – 382 đô la Mỹ) và sắp xếp một tuyến xe buýt đến ga tàu điện gần nhất, tôi nghĩ nó sẽ thu hút rất nhiều người nộp đơn ngay cả khi nó cách xa khu trung tâm thương mại chính,” ông nói.
Kiến trúc sư Marco Siu kêu gọi hãy biến Penny’s Bay thành một trung tâm chăm sóc sức khoẻ tạm thời vì việc này sẽ chỉ yêu cầu thiết kế lại tối thiểu và vẫn có thể biến nó thành một nơi nào đó khác tuỳ vào quyết định tiếp theo của chính quyền.
Không ai biết liệu chính quyền có chú ý đến bất kỳ đề xuất nào trong số đó hay không. CNN đã hỏi các nhà lãnh đạo Hồng Kông rằng họ dự định làm gì với các trại cách ly trước đây. Những người này cho biết sẽ công bố kế hoạch của mình “sau khi đưa ra quyết định.”
Tham khảo CNN