Thanh khoản “bùng nổ”, VN-Index tiến sát mốc 1.290 điểm

Nguyên Trang | 15:51 25/09/2024

Trong ngày thanh khoản trên sàn HoSE “bùng nổ” đạt gần 22.800 tỷ đồng, chỉ số VN-Index tăng hơn 10 điểm, tiến sát mốc 1.290 điểm.

Thanh khoản “bùng nổ”, VN-Index tiến sát mốc 1.290 điểm

Rũ bỏ tâm lý thận trọng, hôm nay (25/9) dòng tiền của các nhà đầu tư chảy mạnh vào thị trường. Suốt cả phiên, dòng tiền mua áp đảo hoàn toàn đà bán, giúp chỉ số VN-Index “bay cao”, tiến sát mốc 1.290 điểm.

Kết phiên 25/9, chỉ số VN-Index tăng 10,49 điểm, lên 1.287,48 điểm. Chỉ số HNX-Index tăng 1,52 điểm, lên 235,84 điểm. Ngược lại, chỉ số UPCoM-Index giảm 0,31 điểm, xuống 93,5 điểm.

Hôm nay, thanh khoản trên thị trường tăng đột biến, tổng giá trị giao dịch trên cả 3 sàn đạt hơn 25.200 tỷ đồng. Riêng trên sàn HoSE, thanh khoản đạt gần 22.800 tỷ đồng.

Cổ phiếu bluechip tiếp tục hút mạnh dòng tiền của các nhà đầu tư, rổ VN30 có đến 23/30 mã tăng giá, chỉ số VN30-Index tăng 13,2 điểm, lên 1.344,07 điểm.

Tăng trên 3% là bộ đôi cổ phiếu POW và SSI. Theo sau là cổ phiếu STB của ngân hàng Sacombank tăng 2,67%. Tiếp đến loạt cổ phiếu nhà băng, tăng trên 1% như VCB, BID, MBB, VPB, ACB, TCB, VIB.

Ngược lại, giảm 1% xuống 69.600 đồng, cổ phiếu VNM của Vinamilk gây áp lực lớn nhất lên chỉ số VN-Index. Theo sau là các cổ phiếu bluechip giảm dưới 1% như VJC, VHM, SAB, GVR, BVH, CTG.

Cổ phiếu ngân hàng và cổ phiếu bất động sản tiếp tục hút khách, dẫn dắt thị trường “thăng hoa”. Ngoài ra, trong phiên hôm nay, cổ phiếu phân bón và cổ phiếu thép cũng hút khách đặc biệt.

vn-index.png
VN-Index tích lũy thêm hơn 10 điểm, tiến sát mốc 1.290 điểm.

Dòng tiền của các nhà đầu tư chảy mạnh đẩy cổ phiếu thép bật tăng mạnh. Động thái này xảy đến, sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) công bố kế hoạch tung ra gói kích thích tiền tệ lớn và quan trọng nhất kể từ khi xảy ra đại dịch Covid để ngăn chặn sự lao dốc không phanh của thị trường nhà ở.

Gói kích thích này bao gồm giảm 50 điểm cơ bản đối với tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR), giảm 20 – 30 điểm đối với lãi suất cho vay trung hạn (MLF) và lãi suất cho vay cơ bản (LPR), cùng với một loạt lãi suất khác. Ngoài ra, PBOC cũng công bố gói hỗ trợ thị trường bất động sản đang chìm trong khủng hoảng, bao gồm giảm chi phí vay lên tới 5.300 tỷ USD cho các khoản thế chấp và nới lỏng các quy định về việc mua ngôi nhà thứ hai.

Đây vẫn được coi là tín hiệu tốt giúp vực dậy niềm tin của người dân, qua đó giúp nền kinh tế thoát khỏi tình trạng giảm phát và sớm lấy lại đà tăng trưởng. Động thái này khiến giá thép thanh tương lai tăng vọt lên trên 3.130 CNY/tấn (phiên 24/9), mức cao nhất trong ba tuần qua.

Tăng 1,35% lên 26.200 đồng, cổ phiếu HPG nằm trong top 4 cổ phiếu ảnh hưởng tích cực nhất đến chỉ số VN-Index. Tiếp đến, các cổ phiếu thép khác cũng tăng mạnh trong phiên giao dịch hôm nay như HSG +2,73%, NKG +2,84%, VGS +4,11%, GDA +1,48%, TIS +7,2%, TVN +8,9% …

Tại nhóm phân bón, cổ phiếu DCM của Đạm Cà Mau tăng 2,35%. Theo sau, cổ phiếu DPM +1,4%, BFC +0,11%, CSV +0,25%, LAS +0,43%, DDV +1,14%, …

Sau khi bán ròng gần 2.500 tỷ đồng trên sàn HoSE ở phiên trước, hôm nay nhà đầu tư nước ngoài quay lại mua ròng gần 530 tỷ đồng. Trong đó, khối ngoại mua vào nhiều nhất cổ phiếu VCI với giá trị gần 90 tỷ đồng. Theo sau là cổ phiếu TCB (75,36 tỷ đồng), cổ phiếu SSI (64,03 tỷ đồng), cổ phiếu MWG (54,85 tỷ đồng), cổ phiếu VIX (47,95 tỷ đồng), cổ phiếu FPT (44,59 tỷ đồng), …

Ở chiều ngược lại, khối ngoại bán ra nhiều nhất cổ phiếu HPG với giá trị hơn 65 tỷ đồng. Theo sau là cổ phiếu STB (55,88 tỷ đồng), cổ phiếu VHM (37,7 tỷ đồng), cổ phiếu VNM (33,45 tỷ đồng), cổ phiếu MSB (31,23 tỷ đồng), …

Bài liên quan

(0) Bình luận
Thanh khoản “bùng nổ”, VN-Index tiến sát mốc 1.290 điểm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO