“Tháng đầu tiên nhận lương 20 triệu, trời đất dưới chân như sập xuống”

Ngọc Linh | 18:43 14/06/2024

20 triệu có thể là con số “đáng mơ ước” với người lương 7 triệu, nhưng với những người từng được nhận lương 40-50 triệu, câu chuyện sẽ rất khác.

“Tháng đầu tiên nhận lương 20 triệu, trời đất dưới chân như sập xuống”

“Dạo này lướt MXH mà thấy áp lực ghê, nhìn đâu cũng thấy toàn người trẻ lại được thêm cái giỏi. Thu nhập hàng tháng vài chục triệu, số dư tài khoản thì phải lên tới tiền trăm triệu”... là cảm nhận chung của không ít người dùng Threads những ngày gần đây.

Người trẻ rủ nhau lên Threads khoe lương - Chuyện này chẳng có gì mới lạ nữa. Nhưng “có người này, thì cũng có người kia”. Đối nghịch với những màn flex thu nhập ấy là tâm sự của những người đã “lùi một bước dài” trên hành trình chinh phục những con số nhảy vào tài khoản hàng tháng. 

Họ chia sẻ, một phần để cho nhẹ lòng, một phần để an ủi lẫn nhau. 

Ai cũng có thể từ đỉnh cao rơi xuống vực thẳm

Thị trường việc làm khó khăn vì làn sóng sa thải vẫn chưa hoàn toàn lắng xuống, thật không khó để bắt gặp những lời tâm sự như thế này.

untitled-design-2024-06-14t161913.723.png
untitled-design-2024-06-14t162141.257.png

Lương “bỗng dưng” giảm 2-3 lần, từ hơn 40 triệu xuống còn 15 triệu/tháng, từng được nhận lương 3x (hơn 30 triệu) mà giờ phải “đếm” thu nhập từ những đầu việc trị giá 100k… Nếu nói không shock, không buồn thì chắc chắn là nói dối rồi. Nhưng việc lương giảm đột ngột không chỉ xảy ra với những người vốn có mức thu nhập cao, lên tới vài chục triệu/tháng. 

Ngay cả những công việc làm thêm mà lương tính theo giờ, hay những người có lương cứng chỉ 3 triệu đồng/tháng cũng không thể thoát khỏi cảnh bị giảm lương.

untitled-design-2024-06-14t162520.285.png
untitled-design-2024-06-14t162657.012.png

Nguyên nhân của việc lương giảm đột ngột này, thực ra, chúng ta đều biết cả và chắc ai cũng biết thực ra chẳng có gì là đột ngột ở đây hết. Cái sự đột ngột thực chất chỉ là cảm xúc của bản thân mình - Người lương cao thành người lương thấp, hoặc người lương thấp nhưng giờ là người lương thấp hơn nữa.

Từ 2023 đến nay, làn sóng cắt giảm nhân sự được ví như bóng đen bao phủ lên tinh thần của người lao động. Khảo sát của Vietnamworks được công bố hồi đầu năm 2024 cho thấy: Giảm lương và sa thải là hai phương án được doanh nghiệp ưu tiên áp dụng để đối phó với suy thoái kinh tế.

“Đồng tiền đi liền khúc ruột” nên cũng không có gì lạ khi những người thu nhập thấp cảm thấy chán nản, tuyệt vọng sau khi bị giảm lương. Cuộc sống vốn đã khó khăn, giờ lại càng khó khăn hơn. Người thu nhập cao mà bị giảm lương, đương nhiên, cũng không thoát khỏi cảnh hụt hẫng nhưng câu chuyện lại có phần nan giải hơn.

Hoài nghi năng lực của chính mình, tự trấn an bản thân để tiếp tục cố gắng

“Tiền lương là minh chứng đanh thép nhất cho năng lực làm việc của một người”. Lời khẳng định này có thể không đúng với tất cả, nhưng với những người đã từng được nhân lương 30-40-50 triệu/tháng, hoặc cao hơn, thì chắc chắn đúng, vì một nhân viên hay một thực tập sinh bình thường khó có thể deal được mức lương cao như thế. 

Thường phải là quản lý hoặc chí ít, cũng phải là nhân viên xuất sắc, mới có được mức lương ấy. Thế nên với người lương cao, việc bị giảm lương không chỉ là cú shock về mặt tài chính, mà còn như một “cú tát” vào cách họ nhìn nhận năng lực làm việc của mình.

20201001-img_1101.jpg
Ảnh minh họa

N.V (sinh năm 1993) cũng từng trải qua tình cảnh ấy. Trong suốt khoảng thời gian dịch Covid-19 căng thẳng cho tới hiện tại, N.V vẫn giữ vững được vị trí Purchasing Manager cho một công ty xuất nhập khẩu ở Hải Phòng. Mức lương khi ấy của N.V chưa có tháng nào dưới 50 triệu đồng nhưng hiện tại, con số “ting ting” về tài khoản của N.V hàng tháng chỉ quanh quẩn quanh 20 triệu.

“Mình vẫn đang làm ở công ty ấy. Tháng đầu nhận lương 20 triệu mà cảm giác như trời đất sụp dưới chân, dù đã được thông báo trước 1,5 tháng nhưng cảm giác vẫn hụt hẫng, hoang mang khó tả lắm” - N.V chia sẻ.

Cảm giác hụt hẫng, hoang mang của N.V là sự tổng hòa của rất nhiều yếu tố: Đang quen chi tiêu theo mức lương cũ, “đùng cái” mọi chi phí sinh hoạt, tiền biếu bố mẹ, tiền tiết kiệm phải gói gọn trong 20 triệu. Tiếp theo đó là câu hỏi “chẳng lẽ 9 năm kinh nghiệm trong nghề xuất nhập khẩu, trong đó có 3 năm kinh nghiệm quản lý nhân sự lại không đủ để mình tìm được một công việc mới với lương như cũ hoặc cao hơn?”.

“Thú thật mà nói thì ngay khi nhận thông báo giảm lương là mình đã nghĩ ngay tới chuyện nhảy việc, dù cũng cảm thấy áy náy với các nhân sự cấp dưới mà mình đang dẫn dắt lắm, nhưng đi làm mà, ai cũng muốn tìm nơi mang lại cho mình nguồn thu nhập tốt thôi. Nhưng kết cục là mình không nhảy việc được, vì với vị trí tương đương ở miền Bắc thì gần như không có nơi nào trả lương bằng hoặc cao hơn mức lương cũ của mình. Muốn có được mức lương như cũ thì phải chuyển nơi ở, vào Vũng Tàu hoặc Đà Nẵng cơ”.

4a1465e8b355741a0f621f3875555299(1).jpg
Ảnh minh họa

N.V chia sẻ và cho biết cô mất gần nửa năm để “thích nghi” với mức lương mới và loại bỏ hoàn toàn cảm giác mình không đủ giỏi nên mới bị giảm lương và không thể tìm được công việc mới mức lương như cũ.

“Nhảy việc không được, chán nản mãi cũng chẳng giải quyết vấn đề gì nên đành phải cố vui vẻ mà làm việc và tiếp tục cố gắng thôi. Cũng phải gần nửa năm, sau rất nhiều cuộc nói chuyện hàn huyên với các anh chị đi trước trong nghề, mình mới hoàn toàn rũ bỏ được suy nghĩ mình không đủ giỏi nên mới bị giảm lương” - N.V bộc bạch.

Học cách tiết kiệm lại từ đầu, xây dựng quỹ dự phòng thay vì mang tiền đi đầu tư linh tinh

Trước khi bị giảm lương, N.V cũng không phải là người chi tiêu bạt mạng. Cô vẫn tiết kiệm tiền và gửi biếu bố mẹ 6 triệu đồng mỗi tháng.

Giờ nhìn lại khoảng thời gian ấy, N.V thừa nhận bản thân chưa nỗ lực hết mình trong việc kiểm soát chi tiêu.

“Mình chưa lập gia đình nên cũng không có nhiều khoản chi lớn phải lo hàng tháng. Ngoài 7 triệu tiền thuê nhà, 6 triệu tiền biếu bố mẹ và 5 triệu gửi tiết kiệm cho có, thì mình chẳng bao giờ kiểm soát việc chi tiêu số còn lại. So với thu nhập lúc ấy thì 5 triệu tiết kiệm là tỷ lệ quá nhỏ, nên mình mới gọi là tiết kiệm cho có đấy, chứ nếu cố gắng thì mình có thể tiết kiệm gấp 3” - N.V chia sẻ.

Sau khi bị giảm lương, đương nhiên, N.V không thể duy trì thói quen chi tiêu như cũ. Dẫu vậy, N.V vẫn duy trì được việc tiết kiệm 5 triệu mỗi tháng và 6 triệu gửi biếu bố mẹ.

20200819-img_4068.jpg
Ảnh minh họa

“Mình đã thuê 1 căn phòng nhỏ hơn, chứ trước đây là mình thuê phòng 1 ngủ 1 khách đấy. Giờ lương giảm nhiều rồi, không thể thuê nổi căn đó nữa. Trước đây mình cũng đầu tư kha khá và mất cũng kha khá so với số vốn đã bỏ ra, nhưng vì lương ổn nên nhìn chung cuộc sống cũng không mấy ảnh hưởng. Giờ mình chẳng dám đầu tư gì nữa vì sau khi trừ đi hết các chi phí cơ bản, cố định, mình chỉ còn khoảng 11 triệu. Mình trích 5 triệu để dự phòng rủi ro ốm đau, bệnh tật, chỉ để lại 6 triệu để tiêu thôi”.

N.V chia sẻ và cho biết cô không cần nhiều thời gian để thích nghi với ngân sách chi tiêu gói gọn trong 6 triệu đồng/tháng vì buồn chán do bị giảm lương nên thành ra chẳng còn hứng mua sắm, ăn chơi hay tiêu xài gì nữa.

Nhìn lại câu chuyện và trải nghiệm của mình, N.V thừa nhận đến giờ cô vẫn chưa hoàn toàn quên đi được mức lương cũ. 

“Mình nghĩ những người ở trong tình cảnh như mình khó có thể thở phào được, nếu như chưa lấy lại được mức thu nhập như cũ mà không cần phải làm thêm việc. Nhưng cũng phải cố trấn an bản thân, cố nhìn vào những mặt tích cực nhất dù là rất nhỏ để tiếp tục cố gắng thôi. Với mình, mặt tích cực ấy chính là mình biết tính toán, dự phòng cho những trường hợp tệ nhất. Thế là cũng 1 sự tiến bộ rồi” - N.V chia sẻ.


(0) Bình luận
“Tháng đầu tiên nhận lương 20 triệu, trời đất dưới chân như sập xuống”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO