Tháng 10: Đã rõ nét tín hiệu xuất siêu quay trở lại.

Xuân Hồng | 15:21 29/10/2021

Sáng ngày 29/10, Tổng cục Thống kê đã công bố số liệu cho thấy, tháng 10/2021 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 27,3 tỷ USD, tăng 1% so với tháng 9 và tăng 0,3% so với cùng kỳ năm 2020.

Tháng 10: Đã rõ nét tín hiệu xuất siêu quay trở lại.
Tính chung 10 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 267,93 tỷ USD

Tuy kim ngạch xuất khẩu hàng hoá trong tháng 10 chỉ tăng 1% so với tháng trước nhưng do tháng 9 Việt Nam đã xuất siêu nhẹ nên đây là tín hiệu cho thấy xuất siêu đang quay trở lại với Việt Nam đã khá rõ nét hơn.

Một sự kỳ vọng lớn cho những tháng còn lại của năm 2021 khi mà các hoạt động kinh tế đã trở lại trạng thái bình thường.

CÓ 6 MẶT HÀNG XUẤT KHẨU TRÊN 10 TỶ USD

Như vậy, tính chung 10 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 267,93 tỷ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong 10 tháng năm 2021, có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,4% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 63% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Cụ thể, tính theo cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu thì nhóm hàng công nghiệp chế biến đứng đầu về xuất khẩu với ước tính đạt 238,81 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm 2020. Tiếp đến là nhóm hàng nông sản, lâm sản đạt 19,2 tỷ USD, tăng 15,1%; Nhóm hàng thủy sản đạt 6,89 tỷ USD, giảm 0,8%; Nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản ước tính đạt 3,03 tỷ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Về thị trường xuất khẩu hàng hóa 10 tháng qua, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 76 tỷ USD, tăng 21,9% so với cùng kỳ năm trước.

Tiếp đến là thị trường Trung Quốc với kim ngạch 44,2 tỷ USD, tăng 16,8%; Thị trường châu Âu đạt 31,7 tỷ USD, tăng 8,9%; Thị trường ASEAN đạt 23 tỷ USD, tăng 21,3%; Thị trường Hàn Quốc đạt 17,9 tỷ USD, tăng 11,2% và thị trường Nhật Bản đạt 16,1 tỷ USD, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2020.

CÁN CÂN THƯƠNG MẠI VẪN THÂM HỤT

Cũng theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trong tháng 10/2021 ước tính đạt 26,2 tỷ USD, giảm 1,7% so với tháng 9 và tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2020.

Tính chung 10 tháng năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 269,38 tỷ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Số liệu cho thấy, trong 10 tháng năm 2021 có 39 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 91,4% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Nếu chia theo cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu thì 10 tháng qua nhóm hàng tư liệu sản xuất ước tính đạt 252,21 tỷ USD, tăng 28,6% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 93,6% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa.

Nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu đạt 128,08 tỷ USD, tăng 35,2% và chiếm 47,5%; Nhóm hàng tiêu dùng ước tính đạt 17,17 tỷ USD, tăng 22,5% và chiếm 6,4%.

Nhìn vào tỷ lệ nhập khẩu tư liệu sản xuất chiếm tới 93,6% tổng kim ngạch nhập khẩu cho thấy dấu hiệu sản xuất trong nước đang phục hồi. Các doanh nghiệp cần tư liệu sản xuất nhiều hơn và đây là một cơ cấu hàng hoá nhập khẩu lạc quan.

Về thị trường nhập khẩu của Việt Nam 10 tháng qua, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 89,4 tỷ USD, tăng 36,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Đứng thứ hai là thị trường Hàn Quốc với kim ngạch nhập khẩu 45,5 tỷ USD, tăng 21,4%; Thị trường ASEAN đạt 33 tỷ USD, tăng 34,8%; Nhật Bản đạt 18 tỷ USD, tăng 9%; Thị trường châu Âu đạt 13,8 tỷ USD, tăng 15,9% và thị trường Hoa Kỳ đạt 13 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Từ số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy xuất siêu của Việt Nam trong tháng 10/2021 đạt khoảng 1,1 tỷ USD. Như vậy xuất siêu đã quay trở lại sau một thời gian dài nhập siêu, một tín hiệu lạc quan về sự phục hồi của doanh nghiệp sau thời gian bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Tuy nhiên, tính chung 10 tháng năm 2021 thì cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam vẫn thâm hụt 1,45 tỷ USD.

Trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 22,73 tỷ USD và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, tính cả dầu thô, xuất siêu 21,28 tỷ USD.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Tháng 10: Đã rõ nét tín hiệu xuất siêu quay trở lại.
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO