Hợp tác nghìn tỷ đồng giữa Hòa Phát và Tổng công ty Luyện kim Trung Quốc
Theo báo cáo thường niên của Tổng công ty Luyện kim Trung Quốc, năm 2022, Hòa Phát (HoSE: HPG) và công ty có ký hợp đồng trị giá 4,02 tỷ NDT (khoảng 14.088 tỷ đồng) về dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 của Hòa Phát.
Phía Tổng công ty Luyện kim Trung Quốc khẳng định đây là một nỗ lực theo sát tinh thần Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc.
.png)
Hợp tác giữa 2 bên có 4 dự án thành phần: hợp đồng EPC cho lò cao 2x2.500m3 trị giá 1,41 tỷ NDT, gói hợp đồng lò thổi Oxy luyện quặng sắt thành thép (BOF) 2x300T trị giá 1,28 tỷ NDT, hợp đồng EPC bãi chứa nguyên liệu thông minh trị giá 670 triệu NDT, và hợp đồng EPC cho dự án thiêu kết (sinistering) 2x360m2 trị giá 660 triệu NDT.
Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 có tổng vốn đầu tư 85.000 tỷ đồng, quy mô 280 hecta. Dự án được triển khai từ quý I/2022, đến đầu năm 2024 đã đạt trên 50% toàn bộ các hạng mục chính, và có công suất thiết kế 5,6 triệu tấn thép cuộn cán nóng (HRC) chất lượng cao/năm.
Dự án Dung Quất 2 đã được triển khai đúng tiến độ đề ra, lò cao đầu tiên của dự án đã hoàn thành chạy thử và bắt đầu đóng góp vào kết quả kinh doanh từ cuối tháng 3/2025. Phân kỳ 2 dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2025 hoặc đầu năm 2026, nâng tổng công suất thép thô của Hòa Phát lên hơn 15 triệu tấn mỗi năm.
Dung Quất 2 cũng là nơi đặt dự án sản xuất ray đường sắt trị giá 14.000 tỷ đồng, phục vụ dự án đường sắt cao tốc.
Đến nay, Hòa Phát đã đầu tư vào Quảng Ngãi 7 tỷ USD ở KKT Dung Quất tỉnh Quảng Ngãi. Trong đó trọng điểm là dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất và Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 với tổng vốn đầu tư hơn 171 nghìn tỷ đồng. Từ khi bắt đầu triển khai dự án từ 2017 đến năm 2024, Thép Hòa Phát Dung Quất đã đóng góp vào ngân sách Nhà nước gần 35.000 tỷ đồng.
Muốn mở rộng quan hệ hợp tác với Việt Nam trong hạ tầng đô thị, giao thông
Theo Bộ Xây dựng, ngày 20/5, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh có buổi tiếp, làm việc với Phó Chủ tịch Tổng Công ty Luyện kim Trung Quốc (MCC) Chu Quảng Hiệp (Zhu Guang Xia) và các thành viên cấp cao của Tổng công ty.
Tại buổi làm việc, ông Chu Quảng Hiệp giới thiệu những thông tin cơ bản về Tổng Công ty Luyện kim Trung Quốc và bày tỏ mong muốn mở rộng quan hệ hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực về phát triển cơ sở hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông (bao gồm đường cao tốc, đường sắt, cảng biển và sân bay), cơ sở năng lượng và công trình thủy lợi.
Theo ông Chu Quảng Hiệp, Tổng công ty Luyện kim Trung Quốc là doanh nghiệp nhà nước, trong TOP 10 doanh nghiệp lớn nhất Trung Quốc hiện nay và đã thành lập hơn 130 cơ sở ở nước ngoài tại 50 quốc gia (khu vực) trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Ông Chu Quảng Hiệp cho biết, MCC là doanh nghiệp Nhà nước có quy mô lớn dưới sự quản lý của Ủy ban Quản lý và Giám sát tài sản Nhà nước Trung Quốc. Năm 2024, MCC đạt doanh thu 80 tỷ USD, thuộc Top 500 thế giới, đứng thứ 2 trong lĩnh vực xây dựng công nghiệp toàn cầu. MCC đã thành lập hơn 130 cơ sở ở nước ngoài tại 50 quốc gia (khu vực) trên toàn thế giới. Năm 2011, MCC thành lập một công ty con tại Việt Nam.