Đó là câu chuyện của nhà đầu tư N.M (đến từ tỉnh thuộc khu vực miền Trung). Năm 2007, tốt nghiệp đại học, anh N.M xin làm môi giới tại công ty bất động sản lớn. Khi đó, anh M. cho rằng: “bất động sản là nghề của những người giàu có”. Với suy nghĩ: “Muốn giàu phải gặp gỡ và chơi với những người giàu? Phải hiểu được cách người giàu kiếm tiền?” của một sinh viên mới ra trường khiến anh N.M quyết tâm theo đuổi nghề môi giới bất động sản dù chưa từng có kinh nghiệm. Anh kể, thời đó, người dân không gọi nghề làm trung gian mua bán là “nhân viên kinh doanh” mà chủ yếu gọi bằng từ “cò” với thái độ ít coi trọng.
Đến năm 2008, anh M, cùng bạn góp vốn lập công ty bất động sản để thuận lợi cho giao dịch với khách hàng. Chưa đầy 1 năm sau, công ty anh M. phá sản. Khoản nợ mà anh M. gánh lên tới gần 40 triệu đồng, tương đương với tổng chi phí đi học 4 năm đại học. Điều này đã khiến anh M., sinh viên mới ra trường 2 năm, rơi vào giai đoạn chật vật, khó khăn.
Đến năm 2009-2011, đúng thời điểm thị trường bất động sản sôi động, không chỉ môi giới thành công nhiều thương vụ, anh M. còn có cơ hội góp vốn đầu tư cùng bạn mua đất phân lô, bán kiếm lời. Đến năm 2011, anh M. quyết định góp tiền với chủ đất, phân lô và bán lời, cùng chia hoa hồng.
Đến cuối năm 2011, tổng tài sản mà anh M. kiếm được là gần 3 tỷ đồng. Nhưng chỉ vài tháng sau, khi thị trường lao dốc, những lô đất mà anh M. sở hữu đã nhanh chóng trượt giá tới 50%. “Lúc đó, tôi cũng sợ khi giá đất giảm liên tục, không thoát được hàng. Tiền khó kiếm”. Đó là thời điểm mà anh M. chứng kiến những người bạn giàu có từ đất, phải bán nhà, bán ô tô, chuyển đổi làm công việc khác để mưu sinh.
Đến năm 2013, khi thị trường địa ốc bắt đầu có dấu hiệu ấm lại, anh M. mạnh dạn xuống tiền vào mua lô đất lớn vùng ven thành phố, xây nhà để bán. Đến năm 2015, thành quả sau nhiều năm nỗ lực dần có “quả ngọt”. Nhờ mua đi – bán lại, cũng như đầu tư vào xây dựng, đến năm 2018, tổng tài sản mà anh M ước tính khoảng hơn 100 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đến năm 2019, khi thị trường bất động sản miền Trung có dấu hiệu thanh khoản giảm, anh M. quyết định bán dần các lô đất, tài sản để thu hồi tiền mặt về.
“Thực sự, quyết định bán gần hết tài sản, không còn lăn lộn với công việc đầu tư bất động sản, tôi có chút hụt hẫng. Nhưng trải qua thời điểm 2011-2013 đã khiến tôi nhận ra rằng, nếu không biết điểm dừng, chấp nhận thoả mãn thì sẽ có thể “nằm chết” trên đống tài sản. Đó là lý do tôi quyết định bán gần hết trong năm 2019. Và đến năm 2020, ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhiều lô đất giảm tới 10-20% giá trị. Nếu như giả sử toàn bộ số đất mà tôi giữ đến năm 2020, với mức giá giảm như vậy, tổng tài sản của tôi đã bay mất 20% số tiền. Năm 2022, thị trường bất động sản đã thực sự trầm lắng. Nhiều bạn bè của tôi không thể thoát hàng kịp, chật vật với thanh khoản cũng như khoản nợ ngân hàng”, anh M. kể.
Cũng theo nhà đầu tư này, “Quy luật của thị trường luôn không đổi. Sau sốt nóng tăng trưởng mạnh, chắc chắn phải đi ngang hoặc hạ giá. Thế nên, tôi luôn tự nhủ: “Đừng tham lam, hãy biết điểm dừng” để nhắc mình phải quyết tâm bán sớm. Thực tế, với những nhà đầu tư coi bất động sản là nghề, việc không mua đi – bán lại một thời gian, họ đều trong cảm giác bứt rứt. Và tâm lý, đã có nhiều tiền, họ đều muốn nhiều tiền hơn nữa. Nhất là thời điểm 2020-đầu 2022, nhiều nơi sốt đất, không ít người khác lướt kiếm lời tiền tỷ trong thương vụ. Tôi cũng rơi vào cảm giác như vậy. Nhưng tôi xác định, nhiều năm đi kiếm tiền, đây là giai đoạn phải dành thời gian cho gia đình. Để bớt nhớ nghề, tôi chỉ đầu tư lướt 1-3 tỷ đồng cùng bạn bè”.
Anh M. cho hay, đến thời điểm hiện tại, anh cảm thấy may mắn vì thoát hàng sớm. Chia sẻ về kế hoạch trong thời gian tới, nhà đầu tư này cho biết, dự kiến thời điểm 2023-2025, anh sẽ bắt đầu săn tìm quỹ đất đẹp. Tuy nhiên, khoản giải ngân chỉ chiếm 50-60% tổng số tiền hiện có.