Tập đoàn Hà Đô mang về loạt dự án bất động sản đắc địa bằng cách nào?

Lê Sáng | 11:38 05/09/2023

Tài trợ quy hoạch và M&A quỹ đất sạch là những cách thức Tập đoàn Hà Đô sử dụng chủ yếu để gia tăng quỹ đất thực hiện các dự án bất động sản đắc địa vùng ven TP. Hà Nội và Hồ Chí Minh.

Tập đoàn Hà Đô mang về loạt dự án bất động sản đắc địa bằng cách nào?
Hado Charm Villas, một trong những dự án nằm ở vị trí đắc địa mặt đường Đại lộ Thăng Long, giáp nội thành Hà Nội của Tập đoàn Hà Đô - nguồn ảnh: Hà Đô

Theo thông tin được FiinRating công bố tại Báo xáo xếp hạng tín nhiệm lần đầu với Công ty Cổ phần Tập đoàn Hà Đô (HDG) đánh giá năng lực kinh doanh của HDG ở mảng bất động sản được đánh giá ở mức “Khá”, phản ánh quy mô trung bình trong một thị trường tương đối phân mảnh và chiến lược triển khai dự án có phần cẩn trọng của Công ty.

HDG chủ yếu gia tăng quỹ đất qua các hoạt động M&A quỹ đất sạch hoặc tài trợ quy hoạch để xin chủ trương đầu tư cho các dự án dài hạn tập trung vào các khu vực lân cận trung tâm thành phố Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

FiinRating đánh giá HDG thường hạn chế tập trung vào nhiều dự án tại cùng một thời điểm mà có xu hướng sắp xếp quá trình phát triển các dự án theo nhiều giai đoạn, giúp Công ty tránh được áp lực và nhu cầu sử dụng vốn cao đối với các dự án chưa rõ ràng.

Theo FiinRating, mặc dù chiến lược này thường khiến các dự án của HDG kéo dài, dòng tiền trong mảng bất động sản được doanh nghiệp quản lý tương đối chắc chắn.

Bên cạnh đó, khả năng sinh lời của HDG được đánh giá cao hơn trung bình ngành, phản ánh qua tỷ suất lợi nhuận gộp trung bình từ mảng bất động sản trong giai đoạn 2020-2022 của HDG đạt 50,6%, cao hơn mức trung bình ngành ở mức 36,4% nhờ việc mở bán các sản phẩm trung và cao cấp tại dự án Hà Đô Centrosa Garden.

Cũng theo FiinRating, trong bối cảnh các hoạt động trên thị trường bất động sản có dấu hiệu giảm tốc, hiệu quả hoạt động của HDG được đánh giá ở mức tốt hơn các doanh nghiệp cùng ngành, phản ánh qua tỷ lệ khách hàng trả tiền trước chiếm khoảng 51% hàng tồn kho bất động sản của HDG vào thời điểm cuối năm 2022 so với mức trung bình ngành chỉ khoảng 24%. Nguồn thu bất động sản này chủ yếu đến từ dự án Hà Đô Charm Villas, dự kiến được mở bán nốt trong 2023-2024.

Trong lần xếp hạng tín nhiệm đầu tiên, FiinRating xếp hạng Công ty Cổ phần Tập đoàn Hà Đô (“HDG”) ở mức điểm “A” và triển vọng xếp hạng “Ổn định” phản ánh kết quả đánh giá của FiinRatings về hồ sơ năng lực kinh doanh của doanh nghiệp ở mức “Tốt” và rủi ro tài chính ở mức “Thấp”.

Điểm nhấn về chất lượng tín dụng

Theo FiinRating, điểm mạnh của HDG là có kinh nghiệm hơn 30 năm hoạt động trong nhiều lĩnh vực và tầm nhìn chiến lược mang tính dài hạn của ban lãnh đạo, HDG sở hữu khả năng chuyển đổi mô hình kinh doanh linh hoạt, được chứng minh qua việc mở rộng quy mô doanh nghiệp từ hoạt động xây dựng sang mảng bất động sản, và tiếp tục phát triển thành công các dự án điện phát từ các nguồn năng lượng được hưởng khung giá ưu đãi.

Ngoài ra, cơ cấu doanh thu mảng năng lượng của HDG hiện chiếm tỷ trọng lớn ở mức 59,1% năm 2022 và dự kiến 51,2% năm 2023 trong cơ cấu nguồn thu của Công ty và tương đối đa dạng về nguồn phát điện, gồm thủy điện, điện mặt trời, điện gió. Trong đó, thủy điện là nguồn điện chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu doanh thu và lợi nhuận, tạo ra dòng tiền ổn định cho HDG mỗi năm nhờ cơ chế giá bán và sản lượng ít biến động.

Bên cạnh đó, cũng theo FiinRating, nhờ các mảng kinh doanh có sự tương hỗ nhau về mặt dòng tiền cũng như chính sách đầu tư phát triển triển dự án tương đối thận trọng, các hệ số sử dụng nợ của HDG thấp hơn đáng kể so với mức trung bình ngành, kể cả trong giai đoạn Công ty tập trung đầu tư cho các dự án mới.

Ngoài những điểm nhấn tích cực, FiinRating cũng chỉ ra một số hạn chế có thể ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng của HDG gồm việc phát triển một số dự án bất động sản bị gián đoạn do phụ thuộc vào các thay đổi chính sách về mục đích sử dụng đất, tiến độ phê duyệt các sửa đổi trong hồ sơ pháp lý.

Ngoài ra, biến động không thuận lợi trong tỷ giá LAK/VND kéo dài việc phát triển dự án Noongtha ở Viêng-chăn, Lào và có thể ảnh hưởng tiêu cực tới tỷ suất lợi nhuận của HDG ở dự án tại đây và đến kết quả kinh doanh của HDG nói chung.

Kịch bản nâng, hạ điểm xếp hạng tín nhiệm

Theo FiinRating, kết quả xếp hạng tín nhiệm của HDG có thể được xem xét nâng hoặc hạ điểm trong các kịch bản dựa trên giả định của FiinRatings về các tình huống có thể xảy ra trong vòng 24 tháng tới gồm.

Kịch bản nâng điểm xếp hạng khi HDG tiếp tục mở rộng lĩnh vực kinh doanh vào mảng có sự tương quan thấp với hai lĩnh vực năng lượng và bất động sản, và đóng góp vào ít nhất 10% EBITDA mỗi năm của doanh nghiệp. Việc này giúp Công ty đa dạng hóa nguồn thu và gia tăng sự ổn định trong hoạt động kinh doanh.

Về kịch bản hạ điểm xếp hạng trong trường hợp các dự án bất động sản vướng pháp lý tiếp tục kéo dài và không thể triển khai, tăng đáng kể các chi phí để duy trì nhưng không tạo ra nguồn thu mới.

Ngoài ra, nếu kết quả rà soát dự án của EVN và Bộ Công thương diễn ra theo chiều hướng không thuận lợi cho dự án SP Infra 1 của HDG, tác động tiêu cực tới dòng tiền của dự án, thể hiện ở mức thanh toán bù cho EVN cao hơn và mức giá bán trong tương lai thấp hơn mức dự phóng cũng sẽ là một trong những cơ sở để FiinRating hạ điểm xếp hạng tín nhiệm đối với HDG.

Bên cạnh đó, trường hợp HDG gia tăng khẩu vị rủi ro, thể hiện qua mức độ sử dụng đòn bẩy tài chính có sự gia tăng đáng kể so với khả năng tạo ra dòng tiền từ hoạt động kinh doanh, các hệ số nợ vay/VCSH và nợ vay/EBITDA của doanh nghiệp tiến tới hoặc vượt ngưỡng trung bình ngành hoặc vượt khả năng huy động vốn cũng sẽ có thể khiến doanh nghiệp bị FiinRating hạ điểm xếp hạng tín nhiệm.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Tập đoàn Hà Đô mang về loạt dự án bất động sản đắc địa bằng cách nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO