Ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại chia sẻ tại Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam năm 2021 diễn ra ngày 15/12/2021.
Thay đổi lớn về phương thức xúc tiến thương mại
Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương phát biểu tại diễn đàn, năm 2021 là một năm đầy khó khăn đối với mọi lĩnh vực của nền kinh tế trong đó có xuất khẩu nói chung và các hoạt động xúc tiến xuất khẩu nói riêng do tác động nặng nề của dịch bệnh Covid-19.
Trước bối cảnh hết sức khó khăn đó hoạt động xúc tiến thương mại đã chuyển đổi mạnh mẽ, giúp duy trì sản xuất và xuất khẩu, đóng góp tích cực vào kết quả ấn tượng của hoạt động xuất nhập khẩu đạt được trong năm 2021.
Tính đến hết tháng 11 tháng năm 2021, tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu đạt 602 tỷ USD tăng 22,8% so với cùng kỳ, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 11 tháng đạt 301,73 tỷ USD, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2021 ước đạt khoảng 331,1 tỷ USD, tăng 17,2% so với năm 2020.
Nói về những thay đổi của hoạt động xúc tiến thương mại trong năm 2021, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh, hoạt động xúc tiến thương mại đã có sự đổi mới mạnh mẽ về phương thức. Cụ thể là Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội đã thực hiện thử nghiệm và nhân rộng các mô hình, phương thức xúc tiến thương mại mới dựa trên việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số.
Tuy nhiên, hoạt động xúc tiến thương mại về cơ bản vẫn còn nhiều khoảng trống đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực hơn để nâng cao hiệu quả, nhằm duy trì và phát triển xuất nhập khẩu bền vững dựa trên các kế hoạch xúc tiến thương mại trung hạn, có tính căn cơ, để vừa tận dụng được cơ hội thị trường quốc tế phục hồi sau đại dịch Covid-19, vừa phù hợp với năng lực tham gia và nguồn lực của chúng ta.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại bổ sung thêm, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngân sách dành cho Chương trình xúc tiến thương mại bị cắt giảm, nhiều đề án xúc tiến xuất khẩu triển khai tại nước ngoài phải hủy hoặc chuyển sang phương thức thực hiện trực tuyến.
Tuy nhiên, năm 2021 đánh dấu sự thảy đổi lớn về phương thức xúc tiến thương mại với hơn 1.000 hội nghị trực tuyến hoặc kết hợp trực tiếp và trực tuyến trên cả nước, hàng triệu phiên giao thương trực tuyến, hỗ trợ hàng triệu lượt doanh nghiệp thực hiện xúc tiến thương mại trực tuyến. Bên cạnh đó, việc tham gia hoặc tổ chức các hội chợ, triển lãm trong nước và quốc tế cũng được Bộ Công Thương tổ chức trên môi trường số.
Như vậy, hoạt động xúc tiến thương mại đã chuyển đổi mạnh mẽ, thích ứng với điều kiện mới, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc kết nối, khai thác thị trường xuất khẩu, qua đó góp phần hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, duy trì và đẩy mạnh xuất khẩu góp phần phát triển kinh tế trong giai đoạn bình thường mới.
“Xúc tiến thương mại trên môi trường số đã trở thành giải pháp có hiệu quả để hỗ trợ doanh nghiệp kết nối với thị trường trong bối cảnh dịch bệnh, đồng thời cũng là một phương thức trong thời gian tới phù hợp với tiến trình chuyển đổi số quốc gia và xu thế thương mại quốc tế. Kết quả của hoạt động xúc tiến thương mại trên môi trường số đã giúp doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam tiết kiệm chi phí, tăng tốc độ, rút ngắn khoảng cách và thời gian, đồng thời tăng phạm vi và số lượng tiếp cận thị trường, khách hàng tiềm năng, qua đó đóng góp vào thành tích xuất khẩu tích cực của cả nước trong hai năm qua”, ông Vũ Bá Phú nhấn mạnh.
Tăng cường tiếp cận những thị trường lớn qua môi trường số
Đại diện cho doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến Thuỷ sản Việt Nam dự báo, năm 2022 nhu cầu thực phẩm và thuỷ sản nói riêng sẽ tăng cao khi nhóm hàng khách sạn du lịch hồi phục.
Để hỗ trợ ngành tiếp tục tăng trưởng trong năm 2022 Bộ Công Thương cần tái khởi động các hoạt động tổ chức tham gia hội chợ truyền thống đã bị gián đoạn. Tăng cường các hoạt động trực tuyến B2B, tiếp cận các thị trường tiềm năng như Nga, Úc, Mexico…
Ông Nguyễn Hoài Nam nhấn mạnh thêm, hiện nay các doanh nghiệp thuỷ sản chưa có sự quan tâm đầy đủ cũng như đầu tư đúng mức đối với lĩnh vực công nghệ thông tin, một phần do chi phí đầu tư phải liên tục hàng năm, nguyên nhân khác là thiết nhân lực có chuyên môn IT, marketing trong lĩnh vực. Do đó, nếu có một cổng thông tin quốc gia để quảng bá những ngành xuất khẩu mũi nhọn chính là công cụ hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp trong giai đoạn phát triển hậu Covid-19.
Ông Bartosz Cieleszynsky, Phó Ban Thương mại Phái đoàn EU tại Việt Nam cho rằng, qua hơn một năm thực hiện Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đã chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU. Đây cũng có thể coi là một công cụ quan trọng giúp các nhà xuất khẩu từ châu Âu và Việt Nam vượt qua những trở ngại do sự bùng phát của Covid-19 và gián đoạn cung ứng toàn cầu.
“Thị trường 500 triệu dân của EU rất có tiềm năng nhưng có những đòi hỏi khắt khe về tính tuân thủ. Các tiêu chuẩn của thị trường EU rất cao nhưng người tiêu dùng sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho ác sản phẩm chất lượng. Do đó các doanh nghiệp Việt Nam nên chủ động hơn và thích ứng với thị trường mới để có thể biến thách thức thành cơ hội”, ông Bartosz Cieleszynsky lưu ý.
Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho rằng, điều đầu tiên là cần để doanh nghiệp ý thức hơn nữa đến việc tạo ra các sản phẩm xanh, sạch, được sản xuất theo phương thức bền vững nhất và coi lợi ích của người tiêu dùng là tối thượng.
Ngoài ra, cần chú trọng đến đảm bảo cân đối cán cân thương mại, việc đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu cũng nên đi đôi với xúc tiến nhập khẩu. Quan tâm đến môi trường pháp lý của chuyển đổi số, chú ý đến phương tiện và mô hình chuyển đổi số, đặc biệt là chú trọng đào tạo kỹ năng cho doanh nghiệp để đi lên trong môi trường số.