Rủi ro phòng vệ thương mại-Nhìn từ vụ kiện của Mexico với thép Việt Nam

Trần Khai | 08:55 14/12/2021

Việc tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu thép của Việt Nam khiến nhiều quốc gia chú ý và điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại

Rủi ro phòng vệ thương mại-Nhìn từ vụ kiện của Mexico với  thép Việt Nam
Ngành thép Việt Nam bị nhiều thị trường khởi xướng kiện phòng vệ thương mại.

Đây là ý kiến được đưa ra của các chuyên gia tại cuộc tọa đàm trực tuyến “Rủi ro phòng vệ thương mại khi tham gia các FTA - Nhìn từ vụ việc Mexico điều tra chống bán phá giá với thép mạ nhập khẩu từ Việt Nam” vừa được một số đơn vị thuộc Bộ Công Thương tổ chức ngày 13/12.

Cuộc tọa đàm được tổ chức trong bối cảnh Mexico khởi xướng điều tra chống bán phá giá với thép mạ nhập khẩu từ Việt Nam từ tháng 10 năm 2021 Đây là vụ kiện phòng vệ thương mại đầu tiên của Mexico nhằm vào hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam; cũng là vụ việc phòng vệ thương mại đầu tiên một nước thành viên Hiệp định đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) điều tra Việt Nam sau khi Hiệp định này có hiệu lực, với quãng thời gian điều tra khá dài, khoảng 10 tháng (tương đương 210 ngày), có thể gia hạn thêm theo quy định của Mexico.

Trước đây, ngành thép Việt Nam đã bị nhiều thị trường khởi xướng kiện phòng vệ thương mại. Những vụ kiện này hầu hết đến từ các thị trường trụ cột trong xuất khẩu thép của Việt Nam như Mỹ, EU, một số nước trong khu vực ASEAN và thậm chí cả Liên minh Kinh tế Á - Âu… 

Đặc biệt trong khoảng 2 năm trở lại đây, thép trên thị trường quốc tế thường xuyên là đối tượng của các vụ việc điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với mức thuế suất áp dụng rất cao.

Cùng với sự phát triển của thương mại toàn cầu, các biện pháp phòng vệ thương mại cũng ngày càng được các nước sử dụng nhiều hơn. Nhìn rộng ra, trong bối cảnh nhiều FTA Việt Nam tham gia và ký kết có hiệu lực, rủi ro bị điều tra phòng vệ thương mại cũng gia tăng theo.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Nghiêm Xuân Đa, những cuộc điều tra phòng vệ thương mại có điểm tiêu cực, như khả năng áp thuế cao, hạn chế khả năng xuất khẩu, và có tính “lây lan”, ví dụ như khi Mexico điều tra có thể “gợi ý” các thị trường khác cũng điều tra mặt hàng thép mạ nước ta.

Tuy nhiên, theo ông Đa, bên cạnh điểm tiêu chức thì cũng có điểm tích cực. Đó là khi doanh nghiệp xuất khẩu chấp nhận xu hướng sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại, thì có tinh thần chuẩn bị tốt hơn, có giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện công tác quản trị, thiết lập các chuỗi giá trị của mình để mở rộng không gian xuất khẩu nhằm phân tán rủi ro ở một vài thị trường. Đặc biệt, sự hỗ trợ của Cục Phòng vệ Thương mại rất hiệu quả.

Đánh giá về vụ việc Mexico điều tra chống bán phá giá với thép mạ nhập khẩu từ Việt Nam, bà Phạm Châu Giang - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại cho biết, nhìn chung, pháp luật của nước này về chống bán phá giá cơ bản tuân thủ với quy định trong WTO. 

Về bất lợi, theo bà Giang, điểm gây khó khăn nhất cho doanh nghiệp Việt Nam là rào cản ngôn ngữ. Trong bản thông tin họ gửi đi, và bản trả lời câu hỏi của doanh nghiệp Việt Nam họ yêu cầu dùng tiếng Tây Ban Nha, và phải hợp pháp hóa bởi lãnh sự.

Trong bối cảnh Covid-19, lãnh sự quán Mexico tại TP. Hồ Chí Minh đóng cửa. Bộ Công Thương đã liên hệ với Bộ Kinh tế nước này đề nghị hỗ trợ để doanh nghiệp nước ta tuân thủ tốt nhất yêu cầu điều tra của Mexico. Cuối cùng, Bộ Kinh tế Mexico đã gia hạn thời gian tối đa, và đến nay doanh nghiệp nước ta đã hoàn thành việc cung cấp thông tin cho cơ quan điều tra Mexico đúng thời hạn.

Về thuận lợi,  đây là vụ kiện thứ 19 của các nước đối với thép mạ Việt Nam, nên các doanh nghiệp đã làm quen với quy trình của một vụ kiện. Ngành thép luôn chủ động thu thập thông tin và chủ động hợp tác với cơ quan điều tra.

"Điều may mắn trong quá trình đàm phán gia nhập CPTPP, chúng ta đề nghị và được Mexico chấp nhận nước ta là nền kinh tế thị trường", bà Giang cho biết. Vì vậy, khi điều tra, họ sẽ chấp thuận sử dụng các dữ liệu về sản xuất và kinh doanh tại Việt Nam, chứ không sử dụng dữ liệu thay thế -điều rất bất lợi cho doanh nghiệp nước ta trong các vụ kiện mà nước kiện chưa công nhận nước ta là nền kinh tế thị trường.

Với những điểm khó khăn và thuận lợi trên, bà Phạm Châu Giang hy vọng, trong trường hợp Mexico áp thuế chống bán phá giá, thì mức thuế sẽ không cao tới mức cản trở hoạt động xuất khẩu thép Việt Nam sang thị trường này.


(0) Bình luận
Rủi ro phòng vệ thương mại-Nhìn từ vụ kiện của Mexico với thép Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO