Sáng nay (21/3), Bộ Công Thương (Cục Xúc tiến thương mại) phối hợp với Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) tổ chức Hội thảo “Tổng kết dự án SRECA ra mắt Hệ thống Truy xuất nguồn gốc xúc tiến thương mại áp dụng công nghệ chuỗi khối (BLOCKCHAIN)”.
Hội thảo tổ chức báo cáo kết quả Dự án Hỗ trợ Hợp tác kinh tế khu vực Châu Á (SRECA) tại Việt Nam, đồng thời giới thiệu Hệ thống truy xuất nguồn gốc xúc tiến thương mại Itrace247 hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường hơn nữa việc tận dụng công cụ số.
Trong khuôn khổ hợp tác giữa Cục Xúc tiến thương mại (XTTM) và Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ), hai bên đồng triển khai Dự án Hỗ trợ Hợp tác kinh tế khu vực Châu Á (SRECA) tại Việt Nam trong 03 năm (2019-2022). Dự án tập trung nâng cao năng lực của các tổ chức xúc tiến thương mại, tổ chức hỗ trợ thương mại, hợp tác xác và doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tận dụng được các cơ hội từ hiệp định ASEAN-Trung Quốc (ACFTA) để xuất khẩu thành công nông sản sang thị trường Trung Quốc.
Trước yêu cầu thực tiễn trên, Cục XTTM đã phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai “Hệ thống truy xuất nguồn gốc xúc tiến thương mại” nhằm cung cấp bộ giải pháp truy xuất nguồn gốc trực tuyến giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ nông dân cập nhật thông tin về nguồn gốc sản phẩm (thông tin chung, nhật ký điện tử trong quá trình canh tác, sản xuất chế biến, vận chuyển, phân phối…).
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, ông Vũ Bá Phú chia sẻ: “Trong bối cảnh kinh tế thị trường, truy xuất nguồn gốc càng được quan tâm nhiều hơn và là quy định bắt buộc ở nhiều quốc gia trên thế giới. Nói một cách khác, hoạt động này góp phần tạo nền tảng cho việc sản xuất và lưu thông hàng hoá trong nền kinh tế số, giúp doanh nghiệp đáp ứng quy định của quốc tế và quốc gia nhập khẩu, từ đó giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và thị trường tiêu thụ cho doanh nghiệp.”
“Thực tế, việc truy xuất nguồn gốc đảm bảo quy trình sản xuất và sản phẩm được công khai, giúp khách hàng và cộng đồng có thể đánh giá chính xác việc sản xuất của doanh nghiệp và đảm bảo trách nhiệm của doanh nghiệp đối với môi trường và xã hội, từ đó nâng cao được giá trị của sản phẩm góp phần xây dựng hình ảnh và nâng cao nhận biết từ phía khách hàng đối với sản phẩm xuất xứ từ Việt Nam.” - Ông Oemar Idoe - Điều phối viên Nhóm Môi trường, Biến đổi khí hậu và Nông nghiệp của tổ chức hợp tác phát triển Đức (GIZ) tại Việt Nam – chia sẻ tại Hội thảo.
Hội thảo thu hút gần 200 đại biểu từ các đơn vị, tổ chức xúc tiến thương mại, doanh nghiệp và các cơ quan thông tấn, báo chí.