Tại sao tỷ lệ lạm phát của Việt Nam ở mức thấp?

Nhật Đức | 09:10 03/10/2022

Theo Tổng cục Thống kê, 9 tháng năm 2022 Việt Nam duy trì tỷ lệ lạm phát ở mức 2,73%. Đây là một thành công trong việc kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Tại sao tỷ lệ lạm phát của Việt Nam ở mức thấp?
Do Việt Nam chủ động được lương thực nên góp phần giảm được chỉ số lạm phát. (Ảnh: Int)

Mới đây, tại cuộc họp báo công bố tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2022 và quý III/2022 của Tổng cục Thống kê, bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá đã trả lời cầu hỏi của phóng viên về nguyên nhân Việt Nam kiềm chế lạm phát ở mức thấp, trong khi đó, các nền kinh tế lớn trên thế giới đều lạm phát cao.

Theo bà Oanh, Việt Nam duy trì được mức độ tăng trưởng GDP khá tốt trong 9 tháng đạt 8,83% so với cùng kỳ năm trước, riêng trong quý III/2022 GDP đạt 13,6% so với cùng kỳ. Đây là nỗ lực của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân.

Còn về lạm phát, trong bối cảnh lạm phát 9 tháng đầu năm 2022 tại nhiều nước tại khu vực châu Âu, châu Mỹ và một số nước ở châu Á như Thái Lan, Indonesia… tăng cao, Việt Nam tiếp tục thuộc nhóm các nước có tỷ lệ lạm phát thấp với bình quân 9 tháng năm 2022 ở mức 2,73%.

Cụ thể, tại Mỹ, lạm phát 9 tháng đầu năm 2022 đạt 8,3%, điều này khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục tăng lãi suất lần thứ 5 trong năm 2022 với mức tăng thêm 0,75 điểm phần trăm. Tại khu vực châu Âu, ghi nhận con số lạm phát kỷ lục vào tháng 8 là 9,1%. Ở khu vực châu Á, lạm phát hiện cũng đang tăng rất cao, có thể kể đến như Thái Lan đạt mức lạm phát 7,9% trong tháng 8, so với cùng kỳ năm trước tăng 5,1%, Indonesia tăng 4,7%.

Trong bối cảnh như vậy, Việt Nam tiếp tục thuộc nhóm các nước có tỷ lệ lạm phát thấp. Theo đó, tháng 9/2022, lạm phát Việt Nam tăng 3,94% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân lạm phát 9 tháng đầu năm ở mức 2,73%, thấp hơn mục tiêu Quốc hội đề ra năm nay là 4%.

Bà Oanh cho biết, để đạt được kết quả như vậy, trong thời gian vừa qua Chính phủ đã có những động thái điều hành rất sát sao, quyết liệt với công tác bình ổn giá. Trong đó, Chính phủ đã đưa ra một loạt giải pháp về thuế, nguồn cung và hỗ trợ giá, điều này đã giúp hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như ổn định đời sống của người dân, qua đó đã giảm áp lực đến mặt bằng giá. Ngoài ra, một loạt nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng có tác động lớn tới CPI trong thời gian vừa qua cũng được Chính phủ được trợ giá rất chặt chẽ.

Đơn cử, ở nhóm dịch vụ giáo dục, các địa phương đã miễn giảm học phí, chia sẻ khó khăn cho người dân, điều này đã giúp cho chỉ số giá giáo dục 9 tháng đầu năm giảm 1,88% so với cùng kỳ năm trước và giảm CPI chung 0,1%.

Với lĩnh vực y tế, nếu thực hiện đúng lộ trình tăng giá dịch vụ y tế theo pháp luật quy định giá y tế thì đã phải hoàn thành trong năm 2021 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành, điều này góp phần kiềm chế lạm phát. Trong rổ hàng hóa tính CPI, người dân Việt Nam tiêu dùng cho giáo dục và y tế đóng góp tỷ trọng rất lớn trong thu nhập của người dân chiếm gần 12%. Chính vì vậy 2 nhóm hàng này đã giúp kiềm chế lạm phát trong 9 tháng vừa qua.

Đối với giá điện, trong 4 năm vừa qua EVN chưa tăng giá điện mặc dù chịu ảnh hưởng do các nguồn nguyên liệu đầu vào như xăng dầu, than tăng giá cao. Theo như tính toán, nếu chỉ số giá nhóm điện tăng 10% thì sẽ tác động vào chỉ số CPI chung tăng 0,33%.

Đối với lương thực, thực phẩm chiếm tỷ số rất lớn trong rổ hàng hóa lên đến gần 25%, nước ta có lợi thế chủ động được về lương thực, thực phẩm cũng như phần lớn các nước châu Á về gạo, lúa mỳ trong bối cảnh giá lúa mỳ trên thế giới đang tăng cao. Xuất khẩu gạo cũng là điểm sáng trong thời gian vừa qua, theo số liệu quý III xuất khẩu gạo nước ta tăng 27% so với cùng kỳ năm trước. Chính vì vậy, chủ động được về lương thực thực phẩm cũng là yếu tố đóng góp giúp kiềm chế lạm phát.

Ngoài ra, giá thịt lợn bình quân 9 tháng đầu năm giảm gần 16%. Quyền số của nhóm thịt lợn trong rổ hàng hóa chiếm 3,39%, do giá thịt lợn giảm 16% nên đã tác động khiến chỉ số CPI 9 tháng đầu năm giảm 0,54%. Mặt hàng thịt lợn trong nhóm thực phẩm giúp kiềm chế chỉ số giá của nhóm này không tăng quá cao mặc dù trong nhóm thực phẩm nhiều nhóm hàng hóa tăng giá mạnh, có thể kể đến như dầu ăn tăng 17,87%, trứng tăng 10,35%, rau tăng 10,4%, thủy sản tăng 3,89%.

Cũng theo bà Oanh, một nguyên nhân khác khiến chỉ số CPI ở châu Á tăng thấp hơn ở châu Âu và Mỹ do chính sách “sống chung với dịch” chậm hơn so với châu Âu và Mỹ. Ví dụ như Indonesia đến 22/3 mới bỏ cách ly với khách quốc tế, tại Malaysia việc đi lại trở lại bình thường diễn ra vào đầu tháng 5, Trung Quốc áp dụng chính sách “Zero Covid” và Việt Nam mới mở cửa chính thức đón khách quốc tế từ 15/3.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Tại sao tỷ lệ lạm phát của Việt Nam ở mức thấp?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO