Tại sao Sàn chứng khoán Tokyo lại chọn startup Việt POPS Worldwide để hỗ trợ IPO, chứ không phải ‘kỳ lân’ VNG hoặc Tiki?

Quỳnh Như | 08:59 06/11/2024

POPS Worldwide là 1 trong 14 thành viên của “TSE Asia Startup Hub” và nếu suôn sẻ họ có thể trở thành doanh nghiệp Việt đầu tiên niêm yết ở đây. Sở dĩ POPS Worldwide được chọn chứ không phải VNG hoặc Tiki - đang rất khao khát lên sàn ngoại, bởi họ là DN Việt tiệm cận những điều kiện cần và đủ để thành công lên TSE nhất.

Tại sao Sàn chứng khoán Tokyo lại chọn startup Việt POPS Worldwide để hỗ trợ IPO, chứ không phải ‘kỳ lân’ VNG hoặc Tiki?
Esther Nguyễn - Founder POPS Worldwide

Vào tháng 3/2024, Sàn chứng khoán Tokyo (TSE) đã công bố tên 14 startup châu Á mà họ chọn để hỗ trợ ở mọi mặt, nhằm đủ điều kiện lên sàn TSE trong tương lai. Với tư cách là thủ phủ của giới khởi nghiệp Đông Nam Á – châu Á, không ngạc nhiên khi có tới 6 startup Singapore được chọn, nhiều thứ hai là Đài Loan (Trung Quốc) với 4 startups, 4 thị trường Hàn Quốc - Malaysia - Indonesia - Việt Nam mỗi quốc gia có 1 đại diện.

Tuy nhiên, tất cả các nước xuất hiện trong danh sách đều đã có startup thành công IPO trên TSE thì Việt Nam chưa từng có ai. Vậy nên, nếu POPS Worldwide có thể ‘vượt vũ môn’ thì họ sẽ trở thành startup mở đường cho các DN Việt.

Hành trình của POPS Worldwide chắc chắn sẽ không dễ dàng, bởi không phải cứ tham gia “TSE Asia Startup Hub” là sẽ thành công IPO trên TSE. Họ sẽ phải gián tiếp cạnh tranh với những thành viên trong “TSE Asia Startup Hub” như ‘kỳ lân’ đến từ Hàn Quốc – Ridi, startup kết hợp AI và drone từ Malaysia – Aerodyne Group hay startup Tricog Health từ Singapore; mà còn với các startup của Nhật Bản.

Theo KR-Asia, TSE từng hỗ trợ - khuyến khích 127 DN nước ngoài nhằm đủ điều kiện IPO ở Nhật từ 1991, nhưng tính tới 2023, thì mới có 6 DN trong danh sách thành công xuất hiện trên bảng điện tử.

z5981541541589_4bc98969c871d960b9fc75e85cb6e0e2.jpg

Ở khía cạnh khác, lý do mà TSE chọn POPS Worldwide thay vì VNG hoặc Tiki – 2 DN đang rất khao khát lên sàn ngoại, bởi họ là startup Việt tiệm cận những điều kiện cần và đủ để thành công lên TSE nhất.

Một startup nước ngoài muốn được lên sàn TSE phải đủ các điều kiện cần và đủ quan trọng sau đây: có ít nhất 20% doanh thu bán hàng đến từ thị trường Nhật Bản, vốn hóa thị trường phải trên 350 triệu USD, quan trọng là tốc độ tăng trưởng và tỷ suất lợi nhuận ấn tượng.

Ngoài ra, nếu trong kinh doanh – tài chính, startup có liên quan đến yếu tố Nhật Bản thì càng được nhiều điểm cộng; ví dụ như website tiếng Nhật, có nhà đầu tư Nhật Bản, có nhiều đối tác Nhật Bản….

Nếu xét toàn diện trước 2024, thì POPS Worldwide đã hoạt động ở thị trường Nhật Bản trong nhiều năm, có nhà đầu tư lớn đến từ Nhật Bản là TV Tokyo, có nhiều đối tác Nhật trong mảng hoạt hình – anime…

“Kỳ lân” VNG có thể lớn hơn POPS Worldwide nhưng họ không hoạt động kinh doanh tại thị trường Nhật cũng như không có nhà đầu tư Nhật. Tiki có nhà đầu tư Nhật song không hoạt động tại thị trường Nhật và không có tiềm năng về tăng trưởng hấp dẫn như POPS Worldwide.

Chúng tôi phải mất tới 3 năm mới ký được hợp đồng đầu tiên với TV Tokyo

POPS Worldwide được sáng lập vào năm 2008 bởi bà Esther Nguyễn. Hiện họ có 3 văn phòng và chi nhánh tại Việt Nam – Indonesia – Thái Lan và là nền tảng giải trí – marketing – truyền thông số hàng đầu khu vực Đông Nam Á.

Trên website, POPS Worldwide cho biết mình có gần 800 triệu fan ở các nền tảng OTT/YouTube/TikTok/Facebook, 5,9 tỷ lượt xem/tháng, 5 kênh đạ nút kim cương – 134 nút vàng với 3.100 đối tác là nhà sáng tạo nội dung số/DN…

Phải mất 3 năm chúng tôi mới thuyết phục được TV Tokyo ký hợp đồng đầu tiên với mình. Nhưng sau khi hợp tác được với TV Tokyo, chúng tôi cảm thấy dễ dàng hơn khi thuyết phục các đối tác khác.

Ngoài TV Tokyo, chúng tôi đang là đối tác với nhiều đài truyền hình, studio và DN khác của Nhật Bản trong lĩnh vực giải trí – truyền thông như Fuji Television, Nippon Animation, Toei Animation, Asahi TV, thương hiệu Doraemon - Pokemon…”, bà Esther Nguyễn tiết lộ.

pops1.jpg
TV Tokyo đã rót vốn vào POPS Worldwide ở vòng gọi vốn Series D.

Vào năm 2020, POPS Worldwide đã bắt tay với TV Tokyo nhằm lồng tiếng cho các bộ anime Nhật Bản nổi tiếng như Naruto, Sergeant Keroro và My Guardian Characters để phát hành trên khắp Đông Nam Á. TV Tokyo là công ty con của TV Tokyo Holdings Corporation - công ty về phát thanh truyền hình – truyền thông hàng đầu Nhật Bản, đang niêm yết trên sàn TSE.

Năm 2022, TV Tokyo đã trở thành nhà đầu tư dẫn dắt vòng gọi vốn Series D của POPS Worldwide. Trước đó, bà Esther Nguyễn từng chia sẻ muốn gọi 50 triệu USD ở vòng Series D. Trước 2022, POPS Worldwide huy động tổng cộng 37 triệu USD, bao gồm lần gọi vốn 30 triệu USD ở vòng Series C vào năm 2019 từ quỹ Eastbridge Partners và Mirae Asset-Naver.

Cũng theo bà Esther Nguyễn, sau khi tham gia vào “TSE Asia Startup Hub”, POPS Worldwide có rất nhiều việc phải làm. Ví dụ như mở rộng văn phòng, tuyển dụng thêm nhân sự, mở rộng mạng lưới đối tác…

Rất nhiều người đã nói với tôi là phải tuyển dụng thêm 1 nhân sự tài chính cao cấp người Nhật bởi hệ thống tài chính – thuế ở Nhật Bản không giống với Việt Nam hay khu vực Đông Nam Á. Và nếu không có một người am hiểu về các vấn đề tài chính ở thị trường Nhật Bản thì rất khó để hoạt động trơn tru - an toàn.

Một trong những bản sắc khác của POPS Worldwide chính là các nội dung do các KOLs/KOCs khắp Đông Nam Á sáng tạo; nhưng quy định về chất lượng – nội dung của các clip ở lĩnh vực này tại Nhật cũng rất khác biệt với Đông Nam Á. Nên chúng tôi cần thời gian tìm hiểu và nghiên cứu để gia giảm cho phù hợp. Đặc biệt, những nội dung liên quan đến trẻ em, thị trường Nhật sẽ có những quy định chi tiết và khắt khe hơn Đông Nam Á”, bà Esther Nguyễn nêu cụ thể.

Với bà Esther Nguyễn, mở rộng thị trường ở Nhật Bản không phải là điều gì đó quá khó khăn, chỉ cần kiên trì và làm từng bước một. Quan trọng nữa, văn hóa – lối sống của người Nhật Bản rất khác khu vực Đông Nam Á, nên các startup Việt Nam cần phải tìm hiểu kỹ càng các quy định, điều kiện tài chính/kinh doanh hoặc thói quen tiêu dùng của thị trường này, rồi mới tính tới chuyện thâm nhập thị trường này.

Kế hoạch của POPS Worldwide là sẽ lên sàn TSE vào 2027.

VNG không có nhà đầu tư Nhật Bản, Tiki đang kinh doanh khó khăn

Trong vài năm gần đây, không phải POPS Worldwide mà VNG và Tiki mới là 2 startup Việt có khao khát lên sàn nhất.

Sau khi thành công lên sàn HOSE, VNG đã chọn phương thức SPAC nhằm đủ điều kiện IPO lên sàn chứng khoán Mỹ - cụ thể là NASDAQ trong năm 2024. Tuy nhiên, sau đó họ đã rút hồ sơ vì cho rằng ‘những năm này không phải là giai đoạn thuận lợi để IPO lên sàn NASDAQ’.

Phần Tiki, họ cũng có vài động thái cho thấy quyết tâm sẽ lên sàn chứng khoán Singapore hay Mỹ như đăng ký pháp nhân công ty tại Singapore, song trong năm 2024, sàn TMĐT này chưa thông báo về bất cứ hành động cụ thể nào thể hiện rằng mình đang theo đuổi giấc mơ này.

Nếu nhìn vào điều kiện cần và đủ để lên sàn TSE ở phần trước, thì không có gì quá nhạc nhiên khi VNG và Tiki không được chọn: ngoài việc không hoạt động ở thị trường Nhật, VNG và Tiki cũng thiếu nhiều điều kiện quan trọng khác.

Vào tháng 8/2023, VNG đã nộp hồ sơ lên Ủy ban giao dịch chứng khoán Mỹ (SEC) nhằm chuẩn bị cho IPO trên NASDAQ. Hồ sơn này cho thấy: cơ cấu cổ đông dự kiến sau IPO tại công ty kiểm soát VNG có sự xuất hiện một loạt tập đoàn lớn, trong đó có Tencent, Ant Group và GIC - quỹ đầu tư của Chính phủ Singapore. Tức là, trong các cổ đông lớn của VNG, không hề có bất cứ một nhà đầu tư nào đến từ Nhật Bản.

vng.jpg

Trong khoảng 10 năm gần đây, VNG có mở rộng thị trường hoạt động ra nước ngoài như Đông Nam Á, Đài Loan, HongKong (Trung Quốc) và mua lại các startup trên khắp châu Á, nhưng không có gì liên quan đến Nhật Bản.

Ngược lại, Tiki có nhà đầu tư Nhật Bản. Trong giai đoạn đầu, Tiki nhận được sự hỗ trợ vốn từ Quỹ đầu tư CyberAgent Ventures Inc vào 2012. Năm 2013, Tập đoàn Sumitomo cũng quyết định đầu tư vào Tiki: Sumitomo nắm giữ khoảng 30% cổ phần trong Tiki và từ CyberAgent Ventures sẽ chỉ còn nắm giữ 15% thay vì 22% so với thời điểm đầu tư ban đầu.

Dù thế, các nhà đầu tư Nhật chỉ xuất hiện ở vòng Series A và B, còn từ Series C đến E đã không còn tham gia nữa. Vòng gọi vốn Series E của Tiki diễn ra trong năm 2021, được dẫn dắt bởi Tập đoàn bảo hiểm toàn cầu AIA. Ngoài ra, vòng gọi vốn này còn có sự góp mặt của các nhà đầu tư khác là: UBS AG (chi nhánh London), Mirae Asset-Naver châu Á và Taiwan Mobile Co.. Tổng cộng, Tiki đã huy động được 258 triệu USD.

Bên cạnh đó, mặc dù chỉ hoạt động duy nhất ở thị trường Việt Nam, song Tiki vẫn không giữ được vị trí dẫn đầu theo thời gian. Từ vị thế đầu ngành cùng Lazada nửa đầu thập kỷ 2010, Tiki đang ngày càng bị rớt về phía sau trước sự lấn át của Shopee, TikTok Shop và sắp tới là Temu.

Số liệu gần nhất của Metric cho thấy, nền tảng Shopee tiếp tục dẫn đầu thị trường TMĐT Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2024 với doanh thu 53.740 tỷ đồng, đạt 67,9% thị phần; TikTok Shop có 18.360 tỷ đồng, chiếm 23,2% thị phần; Lazada và Tiki lần lượt đạt 6.030 tỷ đồng (chiếm 7,6% thị phần) và 997,06 tỷ đồng (chiếm 1,3%).

Bài liên quan

(0) Bình luận
Tại sao Sàn chứng khoán Tokyo lại chọn startup Việt POPS Worldwide để hỗ trợ IPO, chứ không phải ‘kỳ lân’ VNG hoặc Tiki?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO