Bộ Tài chính bãi bỏ một số thông tư trong lĩnh vực tài sản công

An Diệp | 10:12 10/05/2025

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 21/2025/TT-BTC về việc bãi bỏ các Thông tư trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành.

Bộ Tài chính bãi bỏ một số thông tư trong lĩnh vực tài sản công

Thông tư 21/2025/TT-BTC có hiệu lực thi hành từ ngày 19/6/2025, bãi bỏ toàn bộ các Thông tư sau: Thông tư số 37/2018/TT-BTC ngày 16/4/2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công.

Thông tư số 125/2021/TT-BTC ngày 30/12/2021 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 37/2018/TT-BTC ngày 16/4/2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công.

Thông tư số 57/2018/TT-BTC ngày 5/7/2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 29/2018/NĐ-CP ngày 5/3/2018 của Chính phủ quy định trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân.

Trước đó, liên quan đến công tác cải cách, tinh giản thủ tục hành chính, đầu tháng 5/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện yêu cầu các bộ ngành, địa phương tập trung thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính theo Nghị quyết số 66/NQ-CP ngày 26/3/2025 của Chính phủ.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung tổ chức rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và thủ tục hành chính nội bộ, bảo đảm bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện đầu tư kinh doanh, giảm ít nhất 30% thời gian giải quyết của các thủ tục hành chính, 30% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính, hoàn thành việc thực thi 100% phương án về phân cấp thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính đã được phê duyệt…

Trước ngày 10/6/2025 phải hoàn thành cắt giảm, phân định thẩm quyền giải quyết TTHC của chính quyền cấp huyện

Để bảo đảm triển khai hiệu quả, không làm gián đoạn việc quản lý, theo dõi, tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cho người dân, doanh nghiệp khi kết thúc hoạt động của chính quyền địa phương cấp huyện và tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mới đây đã có văn bản yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ khẩn trương hoàn thành việc rà soát đối với 346 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của chính quyền cấp huyện theo ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ; chủ động ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền để thực hiện việc cắt giảm, phân định thẩm quyền giải quyết TTHC của chính quyền cấp huyện, hoàn thành trước ngày 10/6/2025; trường hợp phải xây dựng nghị định của Chính phủ, khẩn trương gửi Bộ Tư pháp thẩm định trước ngày 10/5/2025, trình Chính phủ trước ngày 30/5/2025; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trước ngày 10/ 5/2025.

Sẽ phân cấp, phân quyền, đồng bộ với mô hình chính quyền địa phương 02 cấp

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình - Phó Trưởng Ban chỉ đạo về tổng kết thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW của Chính phủ vừa yêu cầu người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương xác định rõ các vấn đề ưu tiên, cấp bách của các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý; rà soát tổng thể hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành liên quan; xây dựng, trình Chính phủ ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền để điều chỉnh kịp thời thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, chính quyền địa phương theo yêu cầu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đồng bộ với việc triển khai mô hình chính quyền địa phương 02 cấp, tạo hành lang pháp lý, kịp thời xử lý những vấn đề thực tiễn, tháo gỡ "điểm nghẽn" về thể chế, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội…


(0) Bình luận
Bộ Tài chính bãi bỏ một số thông tư trong lĩnh vực tài sản công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO