Tại sao lạm phát tăng cao nhất 10 năm trở lại đây?

Minh Trang | 08:03 30/03/2023

Tổng Cục Thống kê cho biết, lạm phát cơ bản của Việt Nam bình quân 3 tháng đầu năm tăng 5,01% là mức tăng cao nhất trong 10 năm trở lại đây.

Tại sao lạm phát tăng cao nhất 10 năm trở lại đây?
Lạm phát 3 tháng đầu năm tăng 5,01% là mức tăng cao nhất trong 10 năm trở lại đây. (Ảnh: MarketTimes)

Theo Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản tháng 3/2023 tăng 0,22%so với tháng trước, tăng 4,88% so với cùng kỳ năm trước. Trong quý I/2023, lạm phát cơ bản bình quân tăng 5,01% so với bình quân cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức tăng CPI bình quân chung (tăng 4,18%).

“Lạm phát cơ bản của Việt Nam bình quân 3 tháng đầu năm tăng 5,01% là mức tăng cao nhất trong 10 năm trở lại đây”, Tổng cục Thống kê nhấn mạnh.

Nguyên nhân chủ yếu do cùng thời gian này năm trước dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, Việt Nam chưa mở cửa hoàn toàn để đón khách du lịch quốc tế. Bên cạnh đó, các chính sách như hỗ trợ thuế giá trị gia tăng, gia hạn thời hạn nộp thuế, phí… đã hết hiệu lực từ đầu năm 2023 khiến giá cả hàng hóa tăng trở lại.

Chi phí sản xuất của doanh nghiệp tăng cao do giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào trong nước và nhập khẩu hiện vẫn ở mức cao cũng đang được phản ánh vào giá cả hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng.

Đồng thời, bình quân giá xăng dầu trong nước quý I/2023 giảm 11,09% so với cùng kỳ năm trước là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng của CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.

Để hạn chế xu hướng tăng cao của lạm phát, Tổng cục Thống kê kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả, lạm phát của Việt Nam để có các biện pháp ứng phó phù hợp nhằm bảo đảm nguồn cung, bình ổn giá trong nước.

Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế khác nhằm ổn định kinh tế vĩ mô. Linh hoạt trong điều chỉnh tỷ giá để hạn chế tối đa nhập khẩu lạm phát, giữ ổn định thị trường ngoại hối và thị trường tiền tệ. Bảo đảm cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát.

Các bộ, ngành, địa phương phải chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng, đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân đối với các hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu. Đồng thời, chủ động các biện pháp kiểm soát, bình ổn giá các mặt hàng, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, tích trữ, thao túng giá, tránh để xảy ra hiện tượng tăng giá bất hợp lý.

Doanh nghiệp sản xuất dự báo các nguyên nhiên vật liệu có khả năng thiếu hụt để nhập khẩu kịp thời hoặc chủ động tìm kiếm nguồn hàng thay thế, tránh để xảy ra tình trạng gián đoạn nguồn cung. Hướng tới sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước thay cho nguyên liệu nhập khẩu nhằm tăng tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế.

Ngoàira, tăng cường công tác thông tin, truyền thông, đưa thông tin kịp thời, minh bạch, tạo sự đồng thuận trong dư luận đối với công tác điều hành giá của Chính phủ, ổn định tâm lý người tiêu dùng và ổn định kỳ vọng lạm phát.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Tại sao lạm phát tăng cao nhất 10 năm trở lại đây?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO