6 tháng đầu năm 2025 đã trôi qua, thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận nhiều biến động mạnh với một vài nhịp điều chỉnh ngắn hạn. Chỉ số chính VN-Index chốt phiên 30/6 tại mức 1.376,07 điểm – cao nhất trong vòng hơn 3 năm, kể từ tháng 4/2022. Tính từ đầu năm, chỉ số tăng hơn 109 điểm, tương ứng khoảng 8,6%.
Thanh khoản cũng là điểm sáng với giá trị giao dịch khớp lệnh trung bình trên HOSE trong 6 tháng đầu năm đạt 15.600 tỷ đồng/phiên, riêng trong quý 2 đạt 19.600 tỷ đồng/phiên.
Trong khi đó, giao dịch khối ngoại vẫn là điểm trừ khi xu hướng bán ròng vẫn tiếp diễn.
.png)
Theo thống kê, khối ngoại bán ròng lũy kế 6 tháng đầu năm 2025 hơn 39.853 tỷ đồng trên HOSE, tương đương gần 1,6 tỷ USD. Áp lực bán mạnh nhất diễn ra trong quý 1, với giá trị bán ròng gần 26.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, bước sang quý 2, đà bán ròng đã có dấu hiệu giảm nhiệt rõ rệt, chỉ còn khoảng 13.915 tỷ đồng.
Đáng chú ý, tháng 5/2025, khối ngoại bất ngờ quay lại mua ròng 896 tỷ đồng – ghi nhận tháng mua ròng đầu tiên trên HOSE sau chuỗi 15 tháng liên tiếp rút vốn. Dù sang tháng 6 lại bán ròng 1.382 tỷ, nhưng tốc độ đã chậm lại đáng kể so với giai đoạn trước. Việc khối ngoại hạ nhiệt lực bán được giới phân tích đánh giá là tín hiệu tích cực cho thấy tâm lý đang dần ổn định hơn.
.png)
Thống kê theo các mã chứng khoán, tâm điểm bán ròng trong quý 2/2025 ghi nhận tại cổ phiếu VIC với giá trị lên tới 4.737 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các cổ phiếu lớn như VCB và FPT cũng lần lượt bị bán ròng 2.734 tỷ đồng và 2.511 tỷ đồng. Cổ phiếu VHM tiếp tục nằm trong danh sách bán ròng mạnh với giá trị hơn 2.251 tỷ đồng. Ngoài ra, các cổ phiếu như VNM, STB, HCM, HAH đều bị khối ngoại bán ròng hơn nghìn tỷ đồng trong quý 2.
Chiều ngược lại, cổ phiếu MWG bất ngờ trở thành mã được khối ngoại mua ròng mạnh nhất với giá trị lên tới 2.524 tỷ đồng. Dòng tiền ngoại cũng chảy mạnh vào cổ phiếu HPG, ghi nhận mua ròng 1.943 tỷ đồng. Các mã tiếp theo trong danh sách mua ròng gồm NLG (1.262 tỷ đồng), NVL (1.197 tỷ đồng) và VND (1.058 tỷ đồng). Lực mua ròng còn ghi nhận ở những cổ phiếu như HVN, CTG, DGW, EIB với giá trị dao động trên 500 tỷ đồng.
.png)
Triển vọng vĩ mô tích cực, cơ hội lớn từ nâng hạng thị trường
Môi trường vĩ mô ổn định đang tạo nền tảng vững chắc cho thị trường chứng khoán Việt Nam bước vào giai đoạn mới, đặc biệt trong bối cảnh lãi suất điều hành vẫn duy trì ở mức thấp và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục được đẩy mạnh.
Chứng khoán VNDirect trong báo cáo chiến lược mới công bố cho rằng, bất chấp những áp lực bên ngoài, từ chủ nghĩa bảo hộ thương mại của Mỹ đến căng thẳng địa chính trị, kinh tế Việt Nam vẫn thể hiện sức chống chịu bền bỉ trong nửa đầu năm 2025. Chính phủ đang thúc đẩy các cải cách nhằm trao quyền cho khu vực tư nhân, chuyển đổi từ tư duy quản lý sang “kiến tạo phát triển”. Giải ngân đầu tư công đang tăng tốc trong bối cảnh Chính phủ đẩy nhanh kế hoạch triển khai các dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia và mở đường cho khối doanh nghiệp tư nhân cùng tham gia.
Đặc biệt, TTCK Việt Nam đang đứng trước bước ngoặt lịch sử với tâm điểm là câu chuyện nâng hạng thị trường. Sau nhiều năm chờ đợi, hệ thống công nghệ mới KRX chính thức đi vào vận hành từ tháng 5/2025, mở ra cơ hội để chứng khoán Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi ngay trong năm nay.
Đồng quan điểm, BSC Research dự báo thị trường chứng khoán Việt Nam có thể được MSCI xem xét đưa vào danh sách theo dõi (Watch list trong tháng 6/2025) và FTSE Russell ra thông báo chấp thuận nâng hạng vào tháng 9 năm nay.

Các chuyên gia kỳ vọng nếu Việt Nam được FTSE nâng hạng chính thức trong năm 2025, thị trường có thể đón nhận hàng tỷ USD dòng vốn ngoại chảy vào trong ngắn hạn, chưa kể hiệu ứng lan tỏa dài hạn. VNDirect cho rằng, hưởng lợi từ nâng hạng là ngành chứng khoán và nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn trong FTSE Vietnam Index. Ngoài ra, nâng hạng cũng được kỳ vọng sẽ trở thành động lực thúc đẩy hoạt động IPO và niêm yết, tạo thêm hàng hoá mới, chất lượng cho TTCK Việt Nam.