Tại sao cần quy định sở hữu chung cư có thời hạn?

Lê Sáng | 08:44 20/03/2023

Bên cạnh các ý phản đổi quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư trong Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), các nhà quản lý, chuyên gia cũng đưa ra nhiều lập luận ủng hộ cho quan điểm trên.

Tại sao cần quy định sở hữu chung cư có thời hạn?
Theo các chuyên gia và nhà quản lý, việc quy định thời hạn sở hữu đối với nhà chung cư là cần thiết để tránh tình trạng không thể cải tạo chung cư cũ xuống cấp như hiện nay tại các đô thị lớn của Việt Nam. Ảnh minh họa - nguồn: Int

Quyền sở hữu chung cư chỉ chấm dứt khi nhà chung cư bị phá dỡ

Ngày 17/3, tại cuộc họp góp ý về dự án Luật nhà ở (sửa đổi), UBTVQH không tán thành quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư. Liên quan đến nội dung trên, giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng quy định quyền sở hữu chung cư chỉ chấm dứt khi nhà chung cư bị phá dỡ chứ không phải hết hạn sử dụng là chấm dứt.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh Bộ Xây dựng trình quy định này vì mục tiêu bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân khi công trình mất an toàn, không đảm bảo điều kiện sử dụng.

Chia sẻ về lý do đưa ra quy định này trong dự thảo, dẫn các quy định luật, ông Nghị cho biết trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), quyền sở hữu chung cư chỉ chấm dứt khi nhà chung cư bị phá dỡ chứ không phải hết hạn sử dụng là chấm dứt. Nếu chung cư chưa hết hạn sử dụng nhưng mất an toàn cũng sẽ buộc tháo dỡ.

"Việc quy định thời hạn cũng xuất phát từ thực tiễn công tác cải tạo chung cư cũ. Hiện, cả nước có 5.687 chung cư, ở Hà Nội có hơn 3.015 chung cư, TP.HCM có 1.568 chung cư. Trong đó xây dựng trước năm 1994 có 1.850 chung cư Hà Nội và hơn 400 chung cư ở TP.HCM", Bộ trưởng nói.

Tránh nút thắt chung cư cũ xuống cấp

Trước đó, nội dung về sở hữu nhà chung cư, thời hạn sở hữu nhà chung cư do cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Xây dựng) đưa ra 2 phương án: Phương án 1 bổ sung mới quy định về sở hữu nhà chung cư; phương án 2 không quy định về sở hữu nhà chung cư.

Dù vậy, tại tờ trình mới nhất gửi lên UBTVQH, Chính phủ đưa ra 1 phương án duy nhất sở hữu nhà chung cư cần có thời hạn. Thời hạn sử dụng nhà chung cư được xác định theo hồ sơ thiết kế và thời gian sử dụng thực tế do cơ quan có thẩm quyền thẩm định.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, chung cư có thời hạn do chính quyền địa phương xem xét quyết định, theo từng dự án, đặt mục tiêu của chủ đầu tư. Chủ đầu tư định xây 70 năm sẽ thiết kế 70 năm và chính quyền địa phương phê duyệt 70 năm với giá tính theo thời hạn này. Nếu thiết kế 100 năm sẽ phê duyệt theo thời gian này. Theo đó, thời hạn sẽ linh hoạt . “Một công trình thiết kế 50 năm không thể nói là sẽ tồn tại 70 năm, cơ quan chức năng sẽ thẩm tra, phê duyệt. Vấn đề này tùy theo chủ đầu tư”, ông Sinh nói.

Bên cạnh đó, ông Sinh cho biết thêm, với phương án trên, chủ sở hữu nhà chung cư thuộc diện phá dỡ sẽ được quyền tiếp tục sử dụng diện tích đất có nhà chung cư, nhưng phải đóng góp kinh phí xây dựng chung cư mới. Việc đóng góp kinh phí để xây dựng lại nhà chung cư được xác định theo tỷ lệ diện tích sử dụng căn hộ sở hữu cá nhân với suất đầu tư (tại thời điểm lập phương án bồi thường).

Trường hợp chủ sở hữu không có nhu cầu đóng góp kinh phí để phá dỡ, xây dựng lại nhà chung cư thì được bồi thường giá trị quyền sử dụng đất theo tỷ lệ diện tích sử dụng chung, được xác định theo quy định của pháp luật đất đai tại thời điểm thực hiện bồi thường và phải bàn giao lại diện tích đất thuộc quyền sử dụng cho chủ đầu tư dự án.

Cùng với đó, thời hạn sở hữu nhà chung cư phải được ghi rõ trong hợp đồng mua bán, thuê mua căn hộ hoặc diện tích khác trong nhà chung cư. Trường hợp nhà chung cư hết thời hạn sở hữu nhưng vẫn còn đủ điều kiện tiếp tục được sử dụng theo kết luận kiểm định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thì chủ sở hữu đề nghị cơ quan cấp giấy chứng nhận gia hạn thời hạn sở hữu.

Dưới góc độ Hiệp hội bất động sản Việt Nam (VNREA), ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch VNREA cho rằng, cần phải quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư nhằm cải tạo dễ dàng hơn các chung cư cũ, chung cư hết giá trị sử dụng. Đồng thời, quy định này khi được thông qua sẽ góp phần làm giảm giá nhà chung cư.

Trong khi đó, cũng ủng hộ việc nên quy định thời hạn sở hữu đối với nhà chung cư, GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phân tích, chung cư cần thiết sở hữu có thời hạn, bởi việc xử lý các chung cư khi hết niên hạn sử dụng là vấn đề cực kỳ khó. Nếu sở hữu chung cư có thời hạn, lợi ích đầu tiên là việc cải tạo chung cư sẽ được giải quyết rất đơn giản vì hết hạn, người dân sẽ chuyển đi nơi khác.

“Tuy nhiên, khi thông qua Luật Nhà ở 2014, nhiều người phản đối quy định chung cư có thời hạn, nên vấn đề giải quyết như thế nào khi chung cư hết hạn sẽ rất nan giải”, ông Võ thừa nhận.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Tại sao cần quy định sở hữu chung cư có thời hạn?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO