“Tôi tin nếu mình sống với sự chân thành và những gì vốn có, mọi thứ sẽ nhẹ nhàng. Trong tiếng Anh có một câu rất hay: This too shall pass. Niềm vui hiện tại rồi cũng sẽ trôi qua và nỗi buồn cũng vậy”.
Thanh Bùi mở đầu cuộc nói chuyện với người viết về trạng thái của anh thời điểm hiện tại. Nếu bạn tìm kiếm từ khoá “Thanh Bùi” trên Google, 30 triệu kết quả sẽ lập tức xuất hiện. Công chúng biết đến và “đóng đinh” Thanh Bùi với vai trò là một nghệ sĩ âm nhạc đẳng cấp quốc tế. Vì thế, sẽ dễ hiểu nếu ai đó cảm thấy lạ lẫm với tên gọi “Nhà giáo dục Thanh Bùi”, hay “Doanh nhân Thanh Bùi”.
Người viết được sắp xếp phỏng vấn với Thanh Bùi tại văn phòng của Trường Tiểu học Việt Nam Tinh Hoa (NLCS HCMC), ngôi trường quốc tế mới đi vào hoạt động đầu năm 2022. NLCS HCMC là một mảnh ghép của hệ thống giáo dục Embassy Education (EE) do Thanh Bùi sáng lập. Cách đây ít tháng, EE ra mắt không gian giáo dục đặc biệt dành cho trẻ em tự kỷ Special Em’s Education Group (SEEG) tại TP HCM. Dự án đón nhận những phản ứng tích cực từ cộng đồng.
Vì sao anh mở ra một trung tâm giáo dục dành cho trẻ em tự kỷ, lĩnh vực đòi hỏi chuyên môn rất nặng?
Mọi thứ xuất phát từ câu chuyện của con tôi. Vân (Trương Huệ Vân - vợ Thanh Bùi) sinh đôi, sớm gần 2 tháng. Khi chào đời, hai đứa chỉ nặng 1,8 kg. Đến năm 2 tuổi, chúng vẫn chưa nói được gì. Khi xem một video về trẻ em tự kỷ, Vân phát hiện đôi mắt của đứa trẻ trong phim rất giống đôi mắt của con chúng tôi. “Có thể con mình tự kỷ không?”, Vân nói với tôi.
Tôi và Vân tìm hỏi những chuyên gia của Việt Nam trong lĩnh vực này, rất khó để tìm đúng người. Khi gặp hai bác sĩ nọ, họ kết luận con tôi tự kỷ sau 45 phút và muốn cho con uống thuốc. Thời điểm đó, tôi cảm thấy điều này quá sai.
Chúng tôi gặp thêm những chuyên gia khác trong lĩnh vực tự kỷ để hiểu hơn về con. May mắn, chúng tôi được giới thiệu một chuyên gia người Ý – cô Simona Bossoni, người được giới chuyên môn nước ngoài đánh giá cao. Cô ấy về nhà chúng tôi, quan sát hai đứa trẻ trong 3 tháng trời. Kết luận đưa ra là hai đứa không tự kỷ. Nhưng việc phát triển toàn diện của con đang chậm so với lứa tuổi vì sinh non.
Vị chuyên gia bắt đầu một chương trình giáo dục can thiệp sớm cho hai đứa nhỏ. Mỗi tuần, cô Simona dành từ 3 – 5 tiếng phát triển toàn diện cho các con. Đến bây giờ, các mặt phát triển của con đã rất ổn. Có những mặt phát triển của con đang vượt trội so với lứa tuổi.
Khi tôi ngồi lại với Vân, cô ấy nói: “Nếu anh có đủ sức và đam mê, hãy nghĩ về trường hợp của những đứa trẻ khác”. Bốn năm sau, tôi mới đủ hiểu biết, nhân sự và chiều sâu để mở ra Special Em, hệ thống dành cho trẻ em tự kỷ. Tôi cần rất nhiều thời gian để hiểu biết về lĩnh vực này.
Anh chuẩn bị những gì trong 4 năm?
Việt Nam có khoảng 1 triệu người tự kỷ (số liệu của Tổng cục Thống kê), và ngày càng tăng lên. Trong 4 năm qua, thứ tôi chuẩn bị nhiều nhất là chuyên môn. Việt Nam không có đủ người chuyên môn để phục vụ cho cộng đồng tự kỷ. Ngành nghề này quá khó. Chúng ta cần những người vừa có chuyên môn, vừa đi một hướng mới, và chấp nhận làm cùng trong cộng đồng. Tôi đã tạo được các mối quan hệ trong ngành, đồng thời thuyết phục được họ đi cùng tôi.
Việc đào tạo cũng rất quan trọng. Tôi muốn một sản phẩm đậm chất giáo dục, đậm chất chuyên môn, nhưng khách hàng bước vào cũng phải cảm nhận được dịch vụ tuyệt vời. Đào tạo nhân sự cần thời gian. Việc tư vấn cho một gia đình rất nhạy cảm. Nhiều gia đình không muốn chấp nhận chuyện con mình tự kỷ.
Nhưng tôi tin chắc chắn tiếp theo chúng tôi sẽ đi nhanh hơn. Chúng tôi đã mô hình hoá và có một bộ khung để dễ dàng nhân rộng. Cách tôi đi là từng bước chắc chắn. Tôi không làm giáo dục để vài năm sau bán cho người khác. Tôi xác định sẽ làm giáo dục suốt đời. Vì thế, tôi không bao giờ có cảm giác mình làm việc. Giáo dục là đam mê, thú vui, và cho tôi cảm giác nổi da gà mỗi ngày.
Điều gì sẽ đến sau trung tâm cho trẻ tự kỷ đầu tiên?
Trung tâm đầu tiên mới mở được vài tháng. Tôi sẽ đi từng bước để phát triển thành một hệ thống. Tiếp đó, tôi muốn có một trung tâm đào tạo cho các giáo viên.
Khi ngồi ở Special Em’s, tôi thấy phụ huynh quá cực để lo cho con tự kỷ. Họ không có một cộng đồng có thể giúp được mình. Nhiều gia đình tan vỡ vì không chịu được áp lực. Bởi nếu không có chuyên môn, phụ huynh sẽ không thể giúp đỡ được các con.
Phổ tự kỷ rất rộng, có những con nhạy cảm với âm thanh, ánh sáng. Có con muốn nói nhưng không thể nói ra. Có trường hợp nặng hơn, con sẽ đụng đầu vào đâu đó cho đến chảy máu. Không chỉ cần chuyên môn, bạn cần tình thương cho các con khủng khiếp.
Tôi rất thương các giáo viên chọn đi theo con đường này, vì nó vô cùng khó khăn. Những người làm nghề giáo viên tự kỷ xứng đáng được gọi là siêu nhân. Việc họ làm hàng ngày giúp thay đổi cuộc sống của các gia đình có con mắc tự kỷ. Tôi nghĩ đó là những đóng góp cho xã hội. Vì thế, tôi sẽ tiếp tục đi sâu. Tôi muốn các giáo viên tự kỷ có thể tốt nghiệp hệ thống đào tạo. Tôi muốn tạo điều kiện để các bạn vừa làm như công việc kiếm sống, vừa có cộng đồng để hoạt động.
Tại Việt Nam, ngành nghề giáo dục tự kỷ rất rời rạc. Một phần lớn bởi vì ai cũng có cái tôi quá cao. Lợi thế của tôi là không phải người làm chuyên môn. Khi ngồi với các chuyên gia khác, tôi không cần phải đối đầu ai hơn ai. Tôi sẽ như một cây cầu nối và thiên về mô hình. Bởi gốc rễ của tôi là dân tài chính, nhìn thấy cái gì sẽ mô hình hoá cái đó.
Khi ai đó hỏi tôi là kiểu doanh nhân thế nào, tôi sẽ nói mình là doanh nhân xã hội. Tôi muốn kiếm tiền để có thể làm những điều tốt nhất cho xã hội. Tôi kinh doanh bằng trái tim, hơn là kiếm tiền về cho bản thân.
Điều gì hình thành ở anh niềm đam mê to lớn với giáo dục?
Là một nghệ sĩ, bạn phải rất hiểu bản thân mình. Một điều quan trọng nữa là những thứ bạn nói ra phải xuất phát từ kinh nghiệm và trải nghiệm trong cuộc sống.
Tôi thuộc thế hệ người Việt đầu tiên tị nạn tại Úc. Ba má tôi không được đi học. Tôi là người đầu tiên trong lịch sử đại gia đình học đại học. Khi tôi 5 tuổi, một gia đình người Úc đồng ý tài trợ học bổng cho tôi đến khi học đại học. Mà tôi không học trường bình thường, nơi tôi học là ngôi trường tinh hoa, có hai vị thủ tướng nước Úc theo học. Cuộc đời tôi thay đổi nhờ có giáo dục. Người từng cho tôi học bổng, trước khi qua đời có dặn: Nếu tôi có cơ hội, hãy trao học bổng cho người khác như cách mà ông ấy đã cho tôi. Đến lúc này, tôi đang làm được điều đó.
Càng trưởng thành, tôi càng hiểu câu chuyện của tôi giống như một vòng tròn. Công việc tôi đang làm, hệ thống tôi đang xây y chang hệ thống mà tôi được sống từ khi 5 tuổi. Tôi muốn điều đó xảy ra dành cho các con ở Việt Nam.
Khi trở về Việt Nam năm 28 tuổi, anh bắt đầu bằng con đường âm nhạc và đã rất thành công. Thời điểm nào anh phát hiện ra giáo dục sẽ là thứ mình làm đến cuối cuộc đời?
Đó là khi con của chúng tôi được sinh ra. Tôi và Vân không định có con. Cống hiến cho xã hội là cách sống mà tôi cảm thấy thoải mái nhất. Tôi chưa bao giờ thấy tiền đồ hoặc vật chất quan trọng.
Nhưng khi hai đứa bé sinh đôi chào đời, tôi cảm thấy đó là điều kỳ diệu. Con là tài sản vô giá duy nhất của tôi trong cuộc đời này. Chúng dễ thương, ngây thơ, tình cảm, đời thường. Chúng thương yêu nhau và mọi người xung quanh.
Người ta nói, đứa bé sinh ra như một tờ giấy trắng. Tôi không nghĩ vậy, bản thân nó đã có tính cách riêng. Mình không thể thay đổi được chúng, mình chỉ hỗ trợ để con tìm được chúng là ai thôi. Tôi nói với con: “Ba không biết con là ai. Ba chỉ biết ba và con sẽ tìm hiểu nhau mỗi ngày, yêu thương nhau mỗi ngày”. Khi có mối quan hệ như vậy, tôi không bao giờ có cảm giác nặng nề với con. Tôi không có cảm giác mình sở hữu chúng mà rất nhẹ nhàng.
Thật khó tin là anh đã làm giáo dục 10 năm. Hãy chia sẻ về những thứ mà anh đã gây dựng được?
Hai điều quan trọng nhất đã đạt được là nền tảng và triết lý. Trong 10 năm qua, 100% lợi nhuận tôi đều đem tái đầu tư, không có đồng nào vào túi cá nhân. Vì chỉ khi không vì lợi nhuận, chất lượng giáo dục mới được đảm bảo.
Hệ thống của chúng tôi hiện nay có hơn chục trường mầm non, trường âm nhạc, tiểu học, học viện về nghệ thuật, thể thao… Công ty thiết kế công trình và công ty thiết bị đều thuộc sở hữu của chúng tôi. Tôi đã suy nghĩ những cách thức có thể, mô hình kinh doanh ra sao để hệ thống phát triển một cách bền vững. Trong ngành giáo dục, chi phí lớn nhất thuộc về con người. Người càng giỏi chi phí càng cao.
Kế hoạch phát triển của của anh với hệ thống giáo dục Embassy Education trong tương lai như thế nào?
Cần 1 – 2 năm để mô hình giáo dục đặc biệt được thực tế hoá 100%, từ đó tôi mới bắt đầu triển khai thêm. Mục tiêu của tôi là đi xa nhất có thể. Mô hình sẽ được nhân rộng tới các em ở nhiều tỉnh thành khác nhau. Tôi sẽ giúp các giáo viên tự kỷ có đủ năng lực để khởi nghiệp. Tôi sẽ đào tạo cho họ cách lập kế hoạch kinh doanh và cân bằng mọi thứ.
Nhưng sức tôi không thể ôm hết. Tôi sẽ nhân rộng bằng cách để cho những người khác thấy được giá trị của mô hình. Nếu không có một mô hình tốt, cộng đồng tự kỷ sẽ không thể phát triển hơn được. Thà có một phần của miếng bánh lớn, còn hơn là ôm khư khư những miếng bánh nhỏ. Đó là cách tôi suy nghĩ.
Cách giáo dục của tôi không phải chỉ về chuyên môn, mà cả cách làm người, cách hợp tác cùng nhau. Tôi cần thời gian để ngồi với những người lãnh đạo khác. Nếu chúng ta đi cùng nhau, xây dựng cùng nhau, chúng ta sẽ cùng thắng.
Ngoài ra, Embassy Education còn có hệ thống trường mầm non ở các phân khúc khác nhau: Little Em’s, Em Maison và Wisdomland. Trường của chúng tôi không chỉ chăm lo cho các con chuyện ăn ngủ, giao con cho phụ huynh đúng giờ. Hơn hết, chúng tôi cho các con tiếp xúc với thế giới để hiểu con là ai, dạy các con nói được tiếng Việt - tiếng Anh, và chuẩn bị tốt nhất cho con vào tiểu học.
Với giáo dục tiểu học, chúng tôi tiếp tục phát triển NLCS HCMC. Tôi mong 20 năm nữa, học trò của tôi có thể thắng giải Grammy hay đạt giải Nobel.
Mong muốn của tôi là tạo ra hệ sinh thái mạnh về giá trị, đào tạo ra các tinh hoa, đưa các em ra thế giới để các em quay trở lại đóng góp cho Việt Nam. Hiện nay, những đứa trẻ học trường quốc tế đang ra nước ngoài làm việc. Những đứa trẻ của chúng ta đang phục vụ cho những nền kinh tế khác. Vậy có phải Việt Nam đang thiệt thòi không?
Dường như cách anh làm với giáo dục sẽ không thể mở rộng một cách nhanh chóng?
Không thể được. Tôi không chọn đi con đường mở rộng nhanh chóng. Tôi hiểu nếu muốn chất lượng sẽ không thể được cả số lượng. Cách tôi đi là từng bước một.
Khi tôi mở trường Soul, nhiều người cho rằng đó là trường âm nhạc dành cho người giàu. Bạn sẽ thấy người giàu ở trong đó, nhưng thực tế 50% học sinh đến từ các trường công. Điều đó khiến tôi tự hào. Vì phụ huynh đã hiểu được giá trị của âm nhạc. Nhiều người sẵn sàng bỏ 500 nghìn cho con học tiếng Anh, nhưng không muốn bỏ 500 nghìn cho con học nhạc. Vì họ không thấy được giá trị giống nhau. Nhưng khi 100 đứa trẻ đều nói tiếng Anh, khác biệt của mỗi đứa sẽ là gì?
Phải sau 8 năm mở trường Soul, tôi mới mở thêm Arts Nation, cũng là trường dạy âm nhạc nhưng với mức học phí chỉ rẻ bằng một nửa. Đương nhiên, cơ sở vật chất sẽ không bằng trường Soul, nhưng các con sẽ có cơ hội được tiếp xúc với năng lượng của âm nhạc.
Điều gì anh cho là quan trọng nhất khi giáo dục trẻ thơ?
Giáo dục thông qua đôi mắt của con, chứ không phải qua đôi mắt bố mẹ.
Thật không dễ dàng gì để điều hành công ty bước vào hành trình mới, cùng lúc đối mặt với biến cố gia đình?
Tôi không bị tác động nhiều bởi những chuyện đã xảy ra. Việc bị tác động hay không hoàn toàn nằm ở tôi, chứ không phải do ai hết. Tôi biết bên ngoài sẽ có người nói này nói nọ, nhưng tôi không quan tâm. Tôi chỉ quan tâm đến những người quan trọng trong cuộc đời mình và tôi có thể đếm họ trên bàn tay.
Đương nhiên có những khó khăn. Nhưng tới ngày hôm nay tôi chưa mất một học trò, chỉ có hơn. Những kế hoạch phải chạy tôi đã hoàn thành. Từ tháng 10 năm ngoái cho tới nay, hệ thống tiếp tục phát triển chứ không dừng lại.
Nhiều người hỏi vì sao tôi làm được như vậy? Bản chất là tôi không gặp vấn đề gì. Những thứ tôi đang làm hoàn toàn độc lập. Tôi chỉ tiếp tục làm việc mà tôi phải làm. Nếu những ai không hiểu, tôi có một câu rất hay: “Những người thấy phiền lòng chẳng có ý nghĩa, và những người có ý nghĩa sẽ không thấy phiền lòng”. Triết lý sống của tôi đơn giản vậy thôi.
Mình cứ nói sự thật. Vì chỉ có sự thật mới cứu được mình lúc này. Không phải thứ gì khác.
Bài: Bạch Mộc
Ảnh: NVCC & Tín Phùng
Thiết kế: Vũ Nhật