Tài sản an toàn hàng đầu thế giới trải qua chuỗi bán tháo mạnh, gióng hồi chuông cảnh báo nghiêm trọng hơn cú sập của TTCK: Chuyện gì đang xảy ra?

Anh Dũng | 12:17 10/04/2025

Điều gì khiến lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng vọt và nó có ý nghĩa như thế nào?

Tài sản an toàn hàng đầu thế giới trải qua chuỗi bán tháo mạnh, gióng hồi chuông cảnh báo nghiêm trọng hơn cú sập của TTCK: Chuyện gì đang xảy ra?

Theo Wall Street Journal (WSJ), trong vòng 4 ngày, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng từ 4,20% lên 4,43%. Đây là mức tăng mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Lợi suất tăng đồng nghĩa giá trái phiếu giảm. Điều này khiến nhiều nhà đầu tư và nhà phân tích lo lắng hơn so với cú sập của thị trường chứng khoán.

Tại sao đợt bán tháo trái phiếu lại là tín hiệu đáng báo động?

Kể từ thông báo áp thuế của Tổng thống Trump ngày 2/4, giá cổ phiếu niêm yết tại Mỹ đã giảm tổng cộng 7,7 nghìn tỷ USD. Thông thường, trái phiếu kho bạc tăng giá trong giai đoạn cổ phiếu bị bán tháo mạnh. Vì Mỹ lâu nay là thị trường an toàn và dễ giao dịch trái phiếu nhất. Tuy nhiên, lần này đã khác.

Đợt bán tháo trái phiếu kho bạc tệ đến mức nào?

Các nhà đầu tư thường theo dõi trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm, loại trái phiếu nhiều người nắm giữ nhất. Giá trái phiếu này đã giảm đáng kể. Ngoài ra, trái phiếu kho bạc kỳ hạn 30 năm bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng khi lợi suất tăng gần 0,5% trong ba ngày qua, mức tăng lớn nhất kể từ năm 1982.

Rủi ro lớn nhất của đợt bán tháo trái phiếu kho bạc là gì?

Trong nhiều năm, tiền liên tục đổ vào Mỹ vì nền kinh tế mạnh, cởi mở và lợi suất đầu tư hấp dẫn. Rủi ro lớn nhất hiện nay là xu hướng này có thể thay đổi.

Nhà quản lý danh mục đầu tư cấp cao Robert Dishner tại Neuberger Berman nhận định: “Số tiền được đầu tư vào Mỹ, cả cổ phiếu lẫn trái phiếu, giờ đang bị đặt câu hỏi: Liệu dòng vốn này có quay trở lại quốc gia của họ?”

Các rủi ro khác là gì?

Với vai trò là tài sản an toàn hàng đầu thế giới, nếu trái phiếu kho bạc Mỹ tiếp tục mất giá, thị trường toàn cầu có thể đối mặt với nhiều hệ lụy khó lường. Nhà đầu tư thường sử dụng trái phiếu kho bạc làm tài sản thế chấp để hỗ trợ cho các giao dịch đòn bẩy khác. Nên khi giá trái phiếu giảm, họ có thể buộc phải bán thêm tài sản để đáp ứng các yêu cầu.

“Trái phiếu kho bạc là tài sản thế chấp cho mọi sàn giao dịch. Điều này có ảnh hưởng toàn cầu”, ông Dishner nói.

Vì sao trái phiếu Mỹ bị bán mạnh?

Giới phân tích cho biết có nhiều yếu tố cùng lúc tác động đến thị trường trái phiếu chính phủ Mỹ. Gần đây, lợi suất trái phiếu toàn cầu tăng do lo ngại lạm phát, song song với các sự kiện cụ thể như Đức tăng chi tiêu quốc phòng, hay bất ổn chính trị tại Pháp.

Đặc biệt, trái phiếu Mỹ bị giám sát kỹ hơn vì chúng được nắm giữ phổ biến trong và ngoài nước. Một số quốc gia bị Mỹ áp thuế cao cũng là chủ nợ lớn của Mỹ, khiến lo ngại về “lựa chọn hạt nhân” (tức là bán đứt trái phiếu Mỹ) tái xuất hiện.

Ảnh: Zuma Press

Nước ngoài đang nắm giữ bao nhiêu trái phiếu Mỹ?

Theo số liệu của Bộ Tài chính Mỹ, tính đến tháng 1, nhà đầu tư nước ngoài sở hữu hơn 8,5 nghìn tỷ USD trái phiếu kho bạc Mỹ. Hai trái chủ lớn nhất là Nhật Bản - đồng minh thân cận dù vừa bị áp thuế 24% và Trung Quốc - nước chịu ảnh hưởng lớn nhất từ chính sách thuế mới. Tuy nhiên, việc xác định chính xác chủ sở hữu rất khó vì nhiều giao dịch được thực hiện qua các trung tâm tài chính như London hay Quần đảo Cayman.

Đợt bán tháo này bắt đầu từ khi nào?

Tuần trước, lợi suất trái phiếu vẫn giảm cùng với thị trường chứng khoán, đúng với với vai trò truyền thống là tài sản an toàn. Tuy nhiên, kể từ cuối thứ Sáu ngày 4/4, xu hướng đã đảo ngược và đà bán tháo gia tăng trong tuần này.

Nguyên nhân nào dẫn đến đà bán tháo?

Giới phân tích cho rằng các quỹ đầu cơ sử dụng đòn bẩy có thể là “nghi phạm” chính. Hai chiến lược giao dịch phổ biến nhưng phức tạp “SLR trade” và “basis trade” đang bị nghi ngờ góp phần khuấy đảo thị trường.

SLR trade là gì?

SLR trade là giao dịch cược rằng chính quyền Tổng thống Trump sẽ nới lỏng quy định về tỷ lệ đòn bẩy bổ sung (SLR). Quy định này yêu cầu các ngân hàng nắm giữ một mức vốn tối thiểu tương ứng với tổng tài sản, bao gồm cả tài sản không có rủi ro như trái phiếu kho bạc Mỹ.

Nhà đầu tư kỳ vọng nếu SLR được nới lỏng, nhu cầu mua trái phiếu sẽ tăng, khiến lợi suất giảm. Để đặt cược, họ mua trái phiếu kho bạc trong khi trả lãi suất cố định thông qua các hợp đồng hoán đổi lãi suất (interest-rate swaps).

Vì sao chiến lược này thất bại?

Khi thị trường trái phiếu Mỹ biến động, giá trái phiếu sụt giảm, khiến các vị thế mua bị lỗ. Nhiều nhà đầu tư có thể call margin hoặc buộc phải bán sớm. Điều này càng khiến thị trường biến động

Basis trade là gì?

Đây là chiến lược đầu cơ chênh lệch giá giữa trái phiếu kho bạc Mỹ giao ngay (cash Treasurys) và hợp đồng tương lai trái phiếu kho bạc (Treasury futures) với mục tiêu ăn chênh lệch khi giá cash và futures hội tụ lại gần nhau vào ngày đáo hạn của hợp đồng tương lai. Dù chênh lệch giá nhỏ, nhà đầu tư dùng đòn bẩy để khuếch đại lợi nhuận.

Tuy nhiên, khi thị trường biến động mạnh như những ngày qua, chiến lược tưởng chừng chắc thắng này lại trở thành con dao hai lưỡi. Nhà đầu tư có thể bị call margin, buộc phải cắt lỗ, gây ra hiệu ứng bán tháo.

Rủi ro đã được cảnh báo từ trước?

Các cơ quan quản lý trên thế giới đã nhiều lần cảnh báo về nguy cơ từ các giao dịch basis trade sử dụng đòn bẩy cao. Theo Apollo Global Management, các quỹ đầu cơ đang nắm giữ khoảng 800 tỷ USD vị thế bán khống hợp đồng tương lai trái phiếu kho bạc, mặc dù một số nghiên cứu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cho thấy con số thực tế có thể thấp hơn.

Theo WSJ


(0) Bình luận
Tài sản an toàn hàng đầu thế giới trải qua chuỗi bán tháo mạnh, gióng hồi chuông cảnh báo nghiêm trọng hơn cú sập của TTCK: Chuyện gì đang xảy ra?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO