Vietcombank và MB sẽ được hưởng những ưu đãi gì khi nhận chuyển giao ngân hàng 0 đồng?
Trong báo cáo gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Chính phủ cho biết đã hoàn thiện phương án chuyển giao đối với hai ngân hàng mua lại bắt buộc là Ngân hàng TNHH MTV Xây dựng (CBBank) và Ngân hàng TNHH MTV Đại dương (OceanBank).
Đến thời điểm hiện tại, dù chưa công bố chính thức, nhưng các thông tin trên thị trường cho thấy Vietcombank sẽ nhận chuyển giao CBBank, còn MB sẽ tiếp nhận OceanBank. Trước đó, cổ đông của hai ngân hàng này đều đã thông qua phương án nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 vừa qua, ban lãnh đạo Vietcombank tiếp tục nhấn mạnh lại những lợi ích khi tiếp nhận ngân hàng yếu kém.
Theo ông Đỗ Việt Hùng - Thành viên HĐQT, nếu nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém, Vietcombank sẽ được cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn, đã được Luật TCTD 2024 quy định. Ngoài ra, tổ chức nhận chuyển giao sẽ có quyền định đoạt, xử lý tổ chức chuyển giao bắt buộc: nếu tìm được tổ chức nước ngoài phù hợp, có thể bán tổ chức nhận chuyển giao, duy trì hoặc có phương án khác như chuyển đổi, cải cách (chẳng hạn như chuyển sang ngân hàng số).
"Tiến độ chuyển giao tùy thuộc vào quyết định Chính phủ, NHNN. Dự kiến việc chuyển giao sẽ được thực hiện trong năm 2024 này", ông Hùng thông tin.
Với MB, Chủ tịch Lưu Trung Thái cho biết tại ĐHĐCĐ 2024 rằng: "Nếu được phê duyệt phương án nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng 0 đồng thì mức tăng trưởng của ngân hàng sẽ cao hơn".
Xem thêm tại đây
NHNN: Rà soát các ngân hàng có tỷ lệ tái ký bảo hiểm năm thứ 2 thấp
Cử tri kiến nghị Ngân hàng Nhà nước tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc người vay vốn bị "cưỡng ép" mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm cháy nổ,...
Trả lời cử tri, Ngân hàng Nhà nước cho biết, pháp luật hiện hành đã có quy định nghiêm cấm hành vi “ép” khách hàng mua, giao kết hợp đồng bảo hiểm.
Hiện nay, Bộ Tài chính là cơ quan có trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo hiểm. Đối với các TCTD có hoạt động đại lý bảo hiểm, Luật các tổ chức tín dụng năm 2024 cũng có quy định về vấn đề này.
Về phía ngành Ngân hàng, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và đối tượng quản lý, liên quan đến vấn đề này, trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có văn bản chỉ đạo, cảnh báo, chấn chỉnh hoạt động đại lý bảo hiểm của các TCTD.
Ngoài ra, NHNN cũng yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, kiểm toán nội bộ đối với hoạt động đại lý bảo hiểm, chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định đối với các hành vi vi phạm pháp luật nhằm đảm bảo tính răn đe. Đồng thời, tăng cường rà soát, giám sát chặt chẽ hoạt động đại lý bảo hiểm của các chi nhánh TCTD có tỷ lệ tái ký bảo hiểm năm thứ 2 thấp, ...
Xem thêm tại đây
Nhiều ngân hàng chuẩn bị họp cổ đông bất thường
Theo kế hoạch đã được công bố, có 5 ngân hàng chuẩn bị tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường gồm: VietinBank, LPBank, Eximbank, Saigonbank và SeABank.
Xem chi tiết tại đây
Thông tin lịch sử nợ xấu thẻ tín dụng trên CIC bao lâu thì được xóa?
Nợ xấu là khoản nợ mà người vay không thể hoặc không có khả năng trả theo thỏa thuận ban đầu. Đây là một trong các thông tin tiêu cực về khách hàng vay bên cạnh thông tin về việc vi phạm nghĩa vụ thanh toán, hành vi vi phạm pháp luật, bị khởi kiện, khởi tố…, có thể ảnh hưởng đến tình hình tài chính cá nhân và khả năng vay mượn trong tương lai của khách hàng vay. Hiện nay, nhiều ngân hàng sẽ từ chối xét duyệt hồ sơ cho vay đối với khách hàng có các khoản nợ xấu được lưu trữ trên hệ thống tính điểm tín dụng CIC.
Căn cứ Điều 10 Thông tư 11/2021/TT-NHNN, nợ được phân loại thành 05 nhóm gồm:
Nợ Nhóm 1 (Nợ đủ tiêu chuẩn),
Nợ Nhóm 2 (Nợ cần chú ý),
Nợ Nhóm 3 (Nợ dưới tiêu chuẩn),
Nợ Nhóm 4 (Nợ nghi ngờ),
Nợ Nhóm 5 (Nợ có khả năng mất vốn) .
Đồng thời, khoản 8 Điều 3 Thông tư 11/2021/TT-NHNN quy định: Nợ xấu (NPL) là nợ thuộc các nhóm 3, 4 và 5. Thông tin về nợ xấu sẽ được cập nhật, lưu giữ và bảo mật để khai thác, sử dụng trên Trung Tâm Thông Tin Tín Dụng Quốc Gia (CIC).
Báo cáo thông tin tín dụng khách hàng vay cá nhân sẽ bao gồm thông tin quan hệ tín dụng (các khoản vay tại TCTD hiện thời), thông tin lịch sử nợ xấu, thông tin về bảo đảm tiền vay, thông tin điểm tín dụng,...
Về thời gian lưu trữ thông tin lịch sử nợ xấu. Theo mẫu cáo cáo cập nhật gần đây của CIC, thông tin lịch sử nợ cần chú ý sẽ xuất hiện trong vòng 12 tháng. Lịch sử nợ xấu về dư nợ cho vay trong vòng 5 năm gần nhất. Với riêng nợ xấu thẻ tín dụng, sẽ hiện trong 3 năm gần nhất.
Xem thêm tại đây
Quy định mới về rút tiền gửi trước hạn
Mới đây, ngày 30/9/2024, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư 47/2024/TT-NHNN sửa đổi Khoản 3 Điều 3 Thông tư 04/2022/TT-NHNN quy định về áp dụng lãi suất rút trước hạn tiền gửi tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Cụ thể, Điều 1 Thông tư 47/2024/TT-NHNN sửa đổi khoản 3 Điều 3 Thông tư 04/2022/TT-NHNN liên quan đến hình thức tiền gửi rút trước hạn như sau: “3. Chứng chỉ tiền gửi do tổ chức tín dụng phát hành”.
Theo đó, các hình thức tiền gửi rút trước hạn gồm có:
1. Tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn
2. Tiền gửi có kỳ hạn
3. Chứng chỉ tiền gửi do tổ chức tín dụng phát hành.
4. Các hình thức nhận tiền gửi có kỳ hạn khác theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng.
Trước đó, theo quy định của Thông tư số 04/2022/TT-NHNN, khoản 3 Điều 3 về hình thức áp dụng quy định lãi suất rút trước hạn của của tổ chức (không bao gồm tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài), cá nhân gửi tiền tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, gồm “Chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và trái phiếu do tổ chức tín dụng phát hành.”
Thông tư 47 có hiệu lực kể từ ngày 20 tháng 11 năm 2024. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này.
Xem thêm tại đây