Sức mạnh của Trung Quốc: Làm thay đổi ngành điện của một quốc gia châu Á bằng loại sản phẩm được người dân ví như ‘món quà từ Thượng Đế’

Băng Băng | 10:40 19/09/2024

Trong nửa đầu năm nay, quốc gia châu Á này đã nhập khẩu 1,4 tỷ USD tấm năng lượng mặt trời từ Trung Quốc sau khi tiền điện tăng 100%, đồng thời chính phủ cũng phải vay hàng tỷ USD từ xứ sở tỷ dân để nâng cấp hệ thống điện.

Sức mạnh của Trung Quốc: Làm thay đổi ngành điện của một quốc gia châu Á bằng loại sản phẩm được người dân ví như ‘món quà từ Thượng Đế’

Tờ Financial Times (FT) cho hay người dân và doanh nghiệp ở Pakistan đang chạy đua phủ kín mái nhà bằng các tấm pin năng lượng mặt trời giá rẻ của Trung Quốc sau khi tiền điện tăng gấp đôi, biến nơi đây thành một trong những nền kinh tế có tiền điện đắt nhất Châu Á.

Món quà từ Thượng Đế

"Tôi phủ kín mọi không gian trống dù chỉ vài mét bằng các tấm pin năng lượng mặt trời", CEO Khawaja Masood Akhtar của Forward Sports, một trong những nhà máy sản xuất bóng đá lớn nhất thế giới tại Ấn Độ cho hay.

Công ty của Akhtar đã tăng gấp đôi tỷ lệ sử dụng năng lượng mặt trời trong nhà máy lên 50% trong 2 năm qua.

Một phần nguyên nhân đến từ áp lực tiêu chuẩn "xanh hóa" từ Adidas, khách hàng hợp đồng lớn của Forward trong việc sản xuất bóng đá. Ngoài ra, việc giá điện quá cao cũng khiến CEO Akhtar buộc phải lựa chọn năng lượng mặt trời.

Thậm chí vào năm 2023, CEO Akhtar đã phải trích một phần lợi nhuận để nhập khẩu một lô tấm pin năng lượng mặt trời từ Trung Quốc nhằm nâng tỷ lệ sử dụng điện xanh của nhà máy lên 80% vào năm 2025, qua đó giảm phụ thuộc vào nguồn điện đắt đỏ của chính phủ.

"Đây là cách duy nhất chúng tôi có thể đánh bại các đối thủ cạnh tranh. Thượng đế đã ban cho chúng tôi món quà này để thoát khỏi mớ hỗn độn tiền điện", CEO Akhtar thừa nhận.

Trên thực tế, Trung Quốc đã tham gia vào "mớ hỗn độn" này của Pakistan từ cách đây 10 năm. Chính phủ Pakistan đã vay hàng tỷ USD từ Trung Quốc và các chủ nợ khác để đầu tư cho ngành điện với lời cam kết lợi nhuận được bảo lãnh từ chính phủ. Thậm chí Pakistan còn đồng ý thanh toán tiền vay ngay cả khi các dự án điện chưa được đưa vào sử dụng.

Nguồn tiền vay của chính phủ đổ vào nhà máy nhiệt điện than tại Pakistan đã tăng gấp đôi trong 3 năm qua, thế nhưng giá điện cũng đi lên 100% cùng kỳ. Nguyên nhân chính là vì chính phủ thiếu tiền mặt trả nợ nên buộc phải cắt giảm trợ cấp giá điện, chuyển các khoản nợ công sang cho người dân gánh chịu thông qua hóa đơn tiền điện hàng tháng.

Đáp lại, người dân Pakistan đã tăng cường sử dụng điện mặt trời với 1,4 tỷ USD kim ngạch nhập khẩu tấm pin năng lượng mặt trời Trung Quốc trong nửa đầu năm nay, qua đó trở thành đối tác thương mại nhập khẩu lớn thứ 3 thế giới của xứ sở tỷ dân.

Theo FT, "mớ hỗn độn" tiền điện tại Pakistan đang khiến các tấm pin năng lượng mặt trời giá rẻ của Trung Quốc tràn ngập mái nhà công xưởng, hộ gia đình, bệnh viện và thậm chí là cả nhà thờ.

Giám đốc điều hành (CEO) Irteza Ubaid của Shams Power, một hãng chuyên nhập khẩu tại Pakistan cho biết rất nhiều tên tuổi lớn, từ Coca-Cola, Mondelez cho đến Hyundai tại đây đã mua hết các tấm pin năng lượng mặt trời nhập từ Trung Quốc của hãng vì nhằm cố gắng tiết kiệm 70% hóa đơn tiền điện.

Số liệu của Bloomberg NEF cho thấy chi phí các tấm pin năng lượng mặt trời đã giảm từ 24 cent mỗi Watt năm 2023 xuống còn 10 cent hiện nay.

Ngay cả chính phủ Pakistan cũng đồng tình khi cho rằng việc chuyển đổi sang năng lượng mặt trời là có ích cho môi trường khi biến đổi khí hậu đang gây ra nhiều hiện tượng thời tiết khắc nghiệt hơn, bao gồm cả đợt nắng nóng và lũ lụt chết người khiến hơn 1.500 người tử vong vào năm 2022.

Thách thức

Tuy nhiên theo Bộ trưởng năng lượng Awais Leghari, việc áp dụng rộng rãi các tấm pin mặt trời của người dân đang khiến ngành điện nước này lao đao vì khó bán. Nhu cầu sụt giảm khiến ngành điện mất doanh thu và điều này càng khiến tình hình trở nên khó khăn hơn khi chính phủ không đủ tiền để cải thiện cơ sở hạ tầng ngành điện.

Đầu năm 2024, Bộ năng lượng Pakistan đã cảnh báo rằng năng lượng mặt trời đang phát triển quá nhanh khiến nguồn điện truyền thống trở nên quá đắt đỏ không ai muốn mua.

Thêm vào đó, chính sách mua lại điện mặt trời dư thừa từ người dân với mức giá cao hơn thị trường dù kích thích "xanh hóa" nhưng lại làm thâm hụt ngân sách và tổn thương ngành điện truyền thống.

"Nhu cầu đang giảm dần khỏi lưới điện truyền thống. Đây là mối lo ngại lớn của chúng tôi", Bộ trưởng Leghari phàn nàn.

Bên cạnh đó, việc 30 triệu người thu nhập thấp tại Pakistan không có đủ tiền lắp tấm pin năng lượng mặt trời hoặc không có không gian trên mái nhà đang phải đối mặt với giá điện tăng vọt vì chính phủ trợ giá điện mặt trời.

Chính phủ Pakistan trả tiền cho 40.000 MW công suất điện mặt trời hiện nay nhưng người dân chỉ tiêu thụ được một nửa số đó hàng năm. Bởi vậy Pakistan cố gắng thu hồi chi phí bằng cách chuyển giao số điện dư thừa này vào hóa đơn của những gia đình khác.

Tuy nhiên do trợ giá mua cao hơn thị trường nên số tiền chuyển giao vào hóa đơn này lại tăng cao, đồng thời khiến chính phủ thâm hụt ngân sách.

Hiện nhiều nhóm công nghiệp địa phương tại Pakistan đang phàn nàn rằng chi phí điện cao gấp đôi so với Ấn Độ và Bangladesh đã khiến nhiều nhà máy phải đóng cửa.

Vậy là Pakistan đang lâm vào vòng luẩn quẩn khi thiếu điện nên muốn dùng năng lượng mặt trời, nhưng việc trợ giá càng khiến tiền điện truyền thống tăng, còn làm giảm nhu cầu dùng điện thường trong khi chính phủ cần trả nợ.

Hiện Pakistan phải gánh hơn 9 tỷ USD nợ vay nước ngoài cho việc nâng cấp, xây dựng cơ sở hạ tầng ngành điện và rất cần người dân trả hóa đơn tiền điện để thanh toán.

Về phía người dân, giá điện tăng cao càng khiến họ chuyển sang dùng năng lượng mặt trời và càng giảm phụ thuộc vào điện truyền thống.

"Việc nhập khẩu tấm pin năng lượng mặt trời của Trung Quốc đang góp phần gây khó khăn cho việc trả nợ, bao gồm các khoản vay từ nhà đầu tư Trung Quốc", chuyên gia nghiên cứu Asha Amirali tại Trung tâm Nghiên cứu Phát triển thuộc Đại học Bath nhận định.

Tờ FT cho hay lượng điện tiêu thụ từ lưới điện truyền thống ở Pakistan đã giảm 9% vào năm 2023.

Bất chấp điều đó, chính phủ Pakistan vẫn đang nỗ lực đàm phán với các nhà đầu tư Trung Quốc về những khoản nợ để giữ mức trợ giá cho ngành điện mặt trời

"Chính giá điện đang đẩy mọi người ra khỏi lưới điện. Tôi không trách họ mà chính chúng tôi cần phải tự cải thiện hơn", Bộ trưởng Leghari nói.

*Nguồn: FT

Bài liên quan

(0) Bình luận
Có thể bạn quan tâm
Sức mạnh của Trung Quốc: Làm thay đổi ngành điện của một quốc gia châu Á bằng loại sản phẩm được người dân ví như ‘món quà từ Thượng Đế’
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO