Sửa Luật Giá phải giữ nguyên tắc “tôn trọng quyền tự định giá”

Hoàng Đàn | 00:19 20/11/2021

Nguyên tắc quản lý giá thể hiện trong Luật Giá 2012 là “Nhà nước thực hiện quản lý giá theo cơ chế thị trường; tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật”.

Sửa Luật Giá phải giữ nguyên tắc “tôn trọng quyền tự định giá”
Nhà nước được thực hiện các biện pháp quản lý giá trong một số trường hợp theo quy định của pháp luật nhằm hướng tới bảo vệ các lợi ích công cộng.

Đó là các nguyên tắc quản lý giá hợp lý và cần được giữ trong các mục tiêu soạn chính sách sắp tới.

Hiện Bộ Tài chính đang hoàn thiện Báo cáo “Đánh giá tác động các chính sách đề nghị xây dựng Luật Giá sửa đổi”. Đây là bước quan trọng trước khi chính thức bắt tay vào xây dựng dự thảo Luật Giá sửa đổi.

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), dự thảo Báo cáo “Đánh giá tác động các chính sách đề nghị xây dựng Luật Giá sửa đổi” đã được xây dựng công phu, nêu bật được những vấn đề bất cập, vướng mắc trong quá trình thực thi Luật Giá 2012, qua đó đưa ra các đề xuất chính sách để khắc phục.

Qua các đề xuất chính sách nêu ra trong dự thảo có thể thấy Luật Giá sẽ được sửa đổi một cách toàn diện.

Doanh nghiệp “quan ngại” về quyền tự định giá của mình

Trong góp ý của mình VCCI nhấn mạnh, Luật Giá là văn bản quy phạm pháp luật quan trọng trong hệ thống pháp luật về kinh doanh, có tác động lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp. Đây cũng là văn bản thể hiện rõ nét quan điểm của Nhà nước trong các chính sách quản lý giá.

Nguyên tắc quản lý giá thể hiện trong Luật Giá 2012 là “Nhà nước thực hiện quản lý giá theo cơ chế thị trường; tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật” và “Nhà nước thực hiện điều tiết giá theo quy định của Luật này để bình ổn giá, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng và lợi ích của Nhà nước”.

Như vậy, nguyên tắc quản lý giá theo pháp luật giá hiện hành đã thể hiện rất rõ: tôn trọng quyền tự định giá của các chủ thể kinh doanh; Nhà nước thực hiện các biện pháp quản lý giá trong một số trường hợp theo quy định của pháp luật nhằm hướng tới bảo vệ các lợi ích công cộng.

Đây là các nguyên tắc quản lý giá hợp lý và cần được giữ trong các mục tiêu soạn chính sách sắp tới.

Theo VCCI, Dự thảo Báo cáo cần thể hiện rõ là các chính sách được đề xuất có đảm bảo quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh nữa hay không?.

Thực tế là các mục tiêu chính sách thể hiện trong Dự thảo Báo cáo phần lớn hướng đến sự quản lý về giá của Nhà nước, các yếu tố liên quan đến quyền tự định giá của doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường vẫn còn thể hiện khá mờ nhạt.

Chính điều này đưa đến sự quan ngại cho cộng đồng doanh nghiệp về chính sách quản lý giá của Nhà nước trong các chính sách đề xuất sắp tới.

Chính phủ có nên được tự định giá?

Liên quan đến danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, VCCI cho biết, theo quy định hiện hành thì Luật quy định về nguyên tắc xác định các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá và quy định cụ thể Danh mục hàng hóa, dịch vụ này.

Trong trường hợp phải điều chỉnh Danh mục thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Tuy nhiên Dự thảo Báo cáo đang đề xuất giao thẩm quyền quy định Danh mục chi tiết cho Chính phủ và Luật chỉ quy định nguyên tắc xây dựng danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.

Ban soan thảo cho rằng phương án này sẽ “tăng cường tính linh hoạt, chủ động của Chính phủ khi thực hiện các giải pháp điều hành”.

Theo góp ý của VCCI, việc Nhà nước định giá các loại hàng hóa, dịch vụ là biện pháp can thiệp trực tiếp vào thị trường và ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Do đó, việc xác định các loại hàng hóa, dịch vụ chịu cơ chế quản lý giá này phải hết sức thận trọng, tránh việc xác định không chính xác các loại hàng hóa, dịch vụ và đặc biệt tránh việc lạm dụng bổ sung thêm hàng hóa, dịch vụ vào Danh mục, từ đó làm “méo mó” thị trường.

Việc Danh mục được ban hành tại Luật và điều chỉnh Danh mục phải thông qua Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cơ chế kiểm soát chặt chẽ để nhằm tránh việc lạm dụng việc điều chỉnh Danh mục và giảm thiểu tác động đến thị trường bởi biện pháp quản lý giá này.

Bảo góp ý của VCCI thẳng thắng cho rằng, đề xuất giao cho Chính phủ quy định Danh mục sẽ dẫn đến nguy cơ về “lạm dụng chính sách”.

Nếu quy định như vậy thì sẽ xảy ra tình trạng các Luật chuyên ngành, thậm chí là Nghị định, thông tư quy định thêm các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá không có trong Danh mục quy định tại Luật Giá. Điều này khiến cho việc gia tăng Danh mục khó kiểm soát.

VCCI cho rằng, nếu danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá được quy định tại Luật Giá sẽ hạn chế được tình trạng các văn bản quy phạm pháp luật khác ban hành thêm các hàng hóa, dịch vụ không nằm trong Danh mục.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Sửa Luật Giá phải giữ nguyên tắc “tôn trọng quyền tự định giá”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO