Lợi nhuận sụt giảm
Theo báo cáo tài chính quý II/2022, Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) ghi nhận tổng doanh thu hoạt động đạt gần 1.350 tỷ đồng, tăng nhẹ 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi lỗ (FVTPL) đạt 326,3 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ. Doanh thu từ cho vay và phải thu hạch toán 402,7 tỷ đồng, tăng 118% so quý II/2021.
Mặc dù sụt giảm về thanh khoản trên thị trường cổ phiếu và hoạt động trái phiếu của thị trường chững lại, nhưng doanh thu mảng môi giới chứng khoán của TCBS vẫn tăng 8,7% so với cùng kỳ lên 219,5 tỷ đồng. Mặt khác, thu từ bảo lãnh, đại lý phát hành chứng khoán lại giảm 14,7% so với cùng kỳ xuống 334,5 tỷ đồng.
Trong kỳ, chi phí hoạt động tăng mạnh đến gần 62% so với cùng kỳ lên 221,2 triệu đồng. Kết quả, TCBS lãi trước thuế 831 tỷ đồng, giảm gần 17% so với quý II/2021. Lũy kế nửa đầu năm, TCBS ghi nhận doanh thu hoạt động 3.043 tỷ đồng, tăng 31,9% so với cùng kỳ, lợi nhuận trước thuế cũng tăng 8,9% lên 2.008 tỷ đồng.
Tại ngày 30/6, tổng tài sản của TCBS là 28.028 tỷ đồng, tăng 3.481 tỷ đồng so với đầu năm. Tuy vậy, công ty cũng giống như nhiều đơn vị khác trên thị trường khi thu hẹp hoạt động cho vay ký quỹ (margin).
Theo đó, dư nợ cho vay margin của TCBS tại thời điểm 30/6 vào khoảng 13.900 tỷ đồng, giảm đáng kể so với đỉnh hơn 16.000 tỷ đồng đạt được vào cuối quý I. Với dư nợ giảm hơn 2.100 tỷ đồng trong quý II, TCBS là một trong những công ty có sự sụt giảm quy mô cho vay mạnh nhất thị trường.
Sống nhờ trái phiếu
Thực tế, hoạt động kinh doanh của TCBS những năm qua phụ thuộc rất lớn vào sự sôi động trên thị trường trái phiếu. Giai đoạn 2016-2021, chưa khi nào thị phần giao dịch trái phiếu của TCBS rời khỏi vị trí top 1 trên HoSE. Dẫn đầu về thị phần, TCBS là một trong những công ty chứng khoán hưởng lợi lớn khi thị trường trái phiếu “bùng nổ”.
Năm 2021, có 382 doanh nghiệp phát hành trái phiếu, với tổng giá trị đạt gần 714.000 tỷ đồng, tăng 64% so với năm 2020. Trong đó, riêng TCBS đã tư vấn phát hành hơn 92.800 tỷ đồng trái phiếu, chiếm 13% thị phần.
Năm 2021, TCBS đã phân phối 41.400 tỷ đồng TPDN iBond – sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp dành riêng cho khách hàng cá nhân với mức đầu tư ban đầu chỉ từ 1 triệu đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước và 22.235 tỷ đồng chứng chỉ quỹ trái phiếu Techcom (TCBF).
Ngoài ra, trong giai đoạn 2018 - 2021, TCBS còn nắm giữ lượng lớn trái phiếu dưới dạng tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS). Tính đến cuối năm 2021, TCBS nắm giữ tới 5.920 tỷ đồng trái phiếu, tăng gấp 3 lần so với thời điểm cuối năm 2020. Trong đó, lượng trái phiếu chưa niêm yết chiếm tới 75,9%, đạt mức gần 4.500 tỷ đồng.
Tuy nhiên, những khó khăn đã bắt đầu xuất hiện sau khi cơ quan quản lý siết chặt các hoạt động phát hành trái phiếu, đặc biệt là TPDN riêng lẻ. Trong 6 tháng đầu năm nay, giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng và giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ đã giảm lần lượt 6% và 33% so với cùng kỳ năm 2021.
Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định 153/2020/NĐ-CP về chào bán trái phiếu riêng lẻ đã được ban hành vào ngày 16/09/2022 được dự báo sẽ có tác động mạnh đến thị trường trái phiếu. Nghị định mới đề cập nhiều về trách nhiệm chi tiết về các bên liên quan trong quá trình tư vấn và phát hành trái phiếu. Qua đó đòi hỏi cả đơn vị phát hành và đơn vị tư vấn đảm bảo tính trung thực, minh bạch và an toàn trong việc phát hành trái phiếu.
Đối với công ty chứng khoán, các nguồn thu từ hoạt động tư vấn phát hành trái phiếu có nguy cơ bị thu hẹp về nguồn thu tại mảng này do sự thắt chặt trong chính sách quản lý. Triển vọng tăng trưởng doanh thu đến từ việc phân phối lại trái phiếu doanh nghiệp sẽ là một điểm chưa chắc chắn sau Nghị định 65.
Vai trò của đơn vị tư vấn, công ty chứng khoán hoặc Ngân hàng thương mại, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài được phép cung cấp dịch vụ tư vấn hồ sơ chào bán chứng khoán, sẽ trở nên quan trọng hơn đi cùng những yêu cầu chuyên môn cao hơn để có thể cung cấp nghiệp vụ này. Trong ngắn hạn, những doanh nghiệp chưa có thể mạnh về mảng tư vấn trái phiếu có thể sẽ gặp khó khăn trong khi các doanh nghiệp với đội ngũ IB dày dạn kinh nghiệm sẽ ít bị ảnh hưởng hơn.
Trong ngắn hạn, Nghị định 65 sẽ làm giảm lực cầu trái phiếu đến từ nhà đầu tư cá nhân, song song đó cải thiện tình trạng thiếu cung trái phiếu so với 2 quý gần đây khi đã có văn bản chính thức giúp các doanh nghiệp phát hành có thể tiến hành các kế hoạch phát hành trái phiếu đang bị hoãn lại.
Về dài hạn, giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp có thể sẽ bị chững lại hơn so với mặt bằng các năm trước do điều kiện phát hành trở nên chặt chẽ hơn.
Không chỉ là nhà môi giới trái phiếu hàng đầu thị trường, TCBS cũng là doanh nghiệp có quy mô phát hành trái phiếu đáng nể, với giá trị lên tới gần 4.300 tỷ đồng tính đến cuối năm 2021. Số trái phiếu này có kỳ hạn từ 2 - 5 năm, không có tài sản đảm bảo, với lãi suất trái phiếu cố định kỳ đầu, trả lãi sau vào ngày tròn 6 tháng hoặc 12 tháng kể từ ngày phát hành và ngày đáo hạn, gốc được trả cuối năm.