Nội dung chính:
- Bamboo Airways vừa công bố sẽ dừng hợp tác với SAGS - Công ty cổ phần Phục vụ Mặt đất Sài Gòn từ năm 2024.
- Tính đến cuối quý III/2023, Bamboo Airways nợ SAGS 109 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi sau 9 tháng đầu năm.
- Bamboo Airways còn nợ ACV hơn 2.000 tỷ đồng, trong đó hơn 1.800 tỷ đồng bị cho vào danh sách nợ xấu.
Bamboo Airways vừa công bố sẽ dừng hợp tác với Công ty cổ phần Phục vụ Mặt đất Sài Gòn (SAGS - HoSE: SGN) từ năm 2024. Nguyên nhân có thể đến từ các khoản nợ quá hạn của Bamboo Airways với SAGS.
Khoản Bamboo Airways nợ SAGS đã tăng vọt trong 9 tháng đầu năm 2023, đạt gần 109 tỷ đồng vào cuối quý III/2023, bằng 2,7 lần số dư đầu năm. Đây cũng là số dư nợ lớn nhất của hãng bay với SAGS kể từ khi hai bên hợp tác.
SAGS bắt đầu ghi nhận khoản nợ của Bamboo Airways trong báo cáo tài chính từ năm 2019 với số dư 47 tỷ đồng. Trước đó, khoản nợ của hãng bay có thể nhỏ nên không được liệt kê trong báo cáo tài chính của SAGS.
Nợ của Bamboo Airways với SAGS (tỷ đồng)
SAGS là công ty liên kết của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (UPCoM: ACV) - doanh nghiệp đang khai thác các dịch vụ sân bay trên khắp cả nước. SAGS phụ trách các dịch vụ mặt đất tại sân bay Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng và Cam Ranh (Khánh Hòa). Khách hàng của SAGS là các hãng hàng không cất/hạ cánh tại đây.
Mặc dù nợ lớn và tăng nhanh trong 9 tháng đầu năm, các khoản nợ của Bamboo Airways tại SAGS vẫn không bị ghi nhận là nợ xấu.
Thực tế, SAGS không phải là đơn vị cung cấp mà Bamboo Airways nợ nhiều nhất.
Chia sẻ tại tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 của Cục Hàng không, ông Lương Hoài Nam, CEO Bamboo Airways thừa nhận hãng đang nợ rất nhiều đơn vị như ACV, các đơn vị cung ứng xăng dầu, phục vụ mặt đất, suất ăn…
Tính đến cuối quý III/2023, Bamboo Airways nợ ACV hơn 2.000 tỷ đồng, trong đó hơn 1.800 tỷ đồng là nợ xấu, tức đã quá hạn thanh toán. ACV đã phải trích lập dự phòng 1.027 tỷ đồng cho khoản nợ của Bamboo Airways.