Sở hữu cảng biển nước sâu loại 1 quốc gia, tỉnh này muốn phát triển hai ngành công nghiệp chủ lực

Dy Khoa | 11:28 02/10/2024

Tỉnh có bờ biển dài 130 km.

Sở hữu cảng biển nước sâu loại 1 quốc gia, tỉnh này muốn phát triển hai ngành công nghiệp chủ lực

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Hoàng Giang, Quảng Ngãi đang đứng trước những cơ hội phát triển mới trong bối cảnh Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ; Quy hoạch ngành và hơn nữa là Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được cấp thẩm quyền phê duyệt là căn cứ, tiền đề để tỉnh tiếp tục khai thác thế mạnh và tiềm năng sẵn có, đưa nền kinh tế Quảng Ngãi phát triển bứt phá, trở thành cực tăng trưởng của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.

Với lợi thế bờ biển dài 130 km, hạ tầng giao thông kết nối phát triển đa phương thức cả về đường bộ, đường sắt, đường thủy và hàng không, tỉnh Quảng Ngãi còn nhiều tiềm năng, dư địa to lớn để phát triển kinh tế, khai thác hiệu quả thế mạnh về biển, nhất là phát triển công nghiệp nặng với hai ngành chủ lực là lọc hóa dầu và luyện cán thép; phát triển năng lượng và các ngành thương mại, dịch vụ logistics, du lịch biển.

anh-2-12.jpg
Quảng Ngãi có lợi thế về hạ tầng giao thông kết nối.

Ngoài lợi thế về kết nối giao thông, Quảng Ngãi sở hữu hệ thống cảng biển nước sâu Dung Quất, là cảng tổng hợp quốc gia có các bến chuyên dùng đầu mối quy mô lớn gắn với Khu kinh tế Dung Quất, có thể tiếp nhận tàu có trọng tải lên đến 250.000 DWT.

Cảng Dung Quất là cảng biển loại 1 quốc gia, có diện tích hơn 1.000ha, độ sâu 21m và không phụ thuộc vào thủy triều, đây là lợi thế lớn so với các cảng biển khác trong khu vực.

Thời gian tới, chiến lược phát triển cảng biển Dung Quất sẽ tiếp tục được mở rộng, đủ sức đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp trong tỉnh và cả khu vực, góp phần phát triển hợp tác ngành hàng hải, đóng tàu, các hoạt động phụ trợ vận tải biển, khai thác cảng.

Với diện tích quy hoạch hơn 45.000 ha, Khu kinh tế Dung Quất - một trong năm khu kinh tế ven biển của đất nước có nhiều lợi thế, tiềm năng được Chính phủ ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng và có chính sách ưu đãi cao nhất Việt Nam.

nmld-dung-quat-tac-dong-the-nao-den-giao-thong-mien-trung-20230912094156-5390.jpg.png
Khu kinh tế Dung Quất được Chính phủ ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng.

Theo đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Dung Quất đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, sẽ phát triển khu kinh tế này thành một trong những trung tâm kinh tế biển năng động, với nền kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực quan trọng của quốc gia.

Trọng tâm phát triển hiện tại của Khu kinh tế Dung Quất là tổ hợp lọc hóa dầu mà hạt nhân là Nhà máy lọc dầu Dung Quất hiện đang được đầu tư mở rộng công suất lên 7,6 triệu tấn dầu thô/năm và Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 1, công suất sáu triệu tấn/năm đã đi vào hoạt động.

Đang triển khai xây dựng dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 công suất thiết kế 5,6 triệu tấn thép cuộn cán nóng chất lượng cao/năm, tổng mức đầu tư 85.000 tỷ đồng.

Quảng Ngãi phát triển công nghiệp lọc hoá dầu, luyện kim thép

Theo Cổng thông tin Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi, mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Quảng Ngãi phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước, là tỉnh phát triển công nghiệp với hai ngành công nghiệp chủ lực: Lọc hóa dầu và luyện kim thép.

Với các mục tiêu cụ thể đến năm 2030: Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt 7,25-8,25% giai đoạn 2021-2030, tỷ trọng của khu vực Công nghiệp và Dịch vụ trong cơ cấu GRDP đến 2030 đạt 72-73%.

GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt trong khoảng 7.700-7.900 USD. Năng suất lao động tăng trưởng bình quân 6,5-7,5% cả giai đoạn 2021-2030.

Tỷ lệ đô thị hóa ngang bằng với bình quân của cả nước. Chỉ số phát triển con người HDI thuộc nhóm có chỉ số HDI cao (nhóm 2) theo phân loại của UNDP.

Tiếp tục cải thiện, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo của tỉnh góp phần đưa chỉ số GII của Việt Nam thuộc 40 nước dẫn đầu thế giới.

11-1454.jpg
Đến năm 2045, Quảng Ngãi là tỉnh phát triển bền vững và đa dạng với các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp công nghệ cao.

Tầm nhìn đến năm 2045, Quảng Ngãi là tỉnh phát triển bền vững và đa dạng với các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp công nghệ cao.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Ngãi, 6 tháng đầu năm, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 28.300 tỷ đồng (giá so sánh 2010), tăng 3,71% so với cùng kỳ năm 2023. Cùng với đó, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm ước đạt 1.355 triệu USD, tăng 12,6% so với cùng kỳ, đạt 54% kế hoạch năm.

Kim ngạch nhập khẩu 6 tháng đầu năm ước đạt 2.322 triệu USD, tăng 29,5% so với cùng kỳ, đạt 62,8% kế hoạch năm. Bên cạnh đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm ước đạt 38.477 tỷ đồng, tăng 9,1% so với cùng kỳ và đạt 50% kế hoạch năm.

Đặc biệt, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2024 của Quảng Ngãi đã đạt 59,8% dự toán năm, ước đạt 15.279 tỷ đồng, tăng 21,1% so với cùng kỳ năm trước. Về du lịch, tổng lượt khách trong 6 tháng đầu năm ước đạt 801.000 lượt khách, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước.


(0) Bình luận
Sở hữu cảng biển nước sâu loại 1 quốc gia, tỉnh này muốn phát triển hai ngành công nghiệp chủ lực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO