Theo báo cáo của Alphabet, doanh thu bán lẻ hàng hóa xuyên biên giới của Việt Nam được ước tính tăng trưởng trên 20% mỗi năm, đạt 75.400 tỷ đồng trong năm 2021 và ước đạt 256.100 tỷ đồng vào 2026.
Báo cáo còn đánh giá nếu coi thương mại điện tử (TMĐT) B2C như một ngành hàng xuất khẩu, thì đây sẽ là ngành xuất khẩu thế mạnh đứng thứ 5 tại Việt Nam trong vòng 5 năm tới.
Tại tọa đàm “Mở đường, Tiếp sức cho doanh nghiệp Việt nhập cuộc TMĐT xuyên biên giới”, ông Trịnh Khắc Toàn - Giám đốc khu vực miền Bắc của Amazon Global Selling Việt Nam đã đưa ra những con số “biết nói” thể hiện sự phát triển ấn tượng của Việt Nam trong lĩnh vực này.
Trong vòng 12 tháng tính đến ngày 31/8/2022, 10 triệu sản phẩm từ các đối tác bán hàng Việt Nam đã được bán trên Amazon. So với cùng kỳ năm trước, số lượng các nhà bán hàng Việt Nam trên Amazon tăng hơn 80%, bất chấp ảnh hưởng của Covid-19. Bên cạnh đó, giá trị xuất khẩu của các đối tác bán hàng Việt Nam trên Amazon đã tăng hơn 45%.
Ông Phạm Xuân Tùng - Founder & CEO Anneco Group, chuyên gia tư vấn chiến lược & hỗ trợ doanh nghiệp Việt tham gia TMĐT xuyên biên giới, cũng cho biết số doanh nghiệp mà Anneco hỗ trợ tư vấn đã tăng 400%, bao gồm từ các nhà sản xuất tên tuổi đến các startup mới thành lập, đa dạng từ các ngành hàng lông mi giả, thủ công mỹ nghệ đến nội thất.
Một doanh nghiệp lông mi giả giảm được thời gian lên Amazon từ 1 năm xuống 3 tháng
Ông Toàn cho biết 3 năm qua, Amazon Global Selling đã chọn lọc và hợp tác với nhiều đối tác, từ đó chọn sẵn cho các doanh nghiệp muốn kinh doanh trên Amazon một danh mục gồm nhiều nhà cung cấp hàng đầu tại Việt Nam cũng như quốc tế, trong những lĩnh vực như nghiên cứu thị trường, lựa chọn sản phẩm, bảo vệ thương hiệu hay vận hành nhân sự.
“Nếu doanh nghiệp đang trong giai đoạn tìm hiểu, chưa tham gia TMĐT xuyên biên giới, tôi khuyên hãy tự tin vào năng lực sản xuất. Với sự phát triển mạnh mẽ của hệ sinh thái các nhà cung cấp dịch vụ, cái gì mạnh thì chúng ta tập trung vào, cái gì chưa mạnh thì đi thuê”.
“Chúng ta có thể sử dụng dịch vụ của các đối tác để thực hiện nhanh những bước đầu tiên trên hành trình. Đó là nghiên cứu thị trường mục tiêu, khách hàng mục tiêu, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh. Quan trọng nhất là xây dựng kế hoạch kinh doanh lâu dài để thấy được hiệu quả đầu tư”, ông Toàn đưa ra lời khuyên.
Với những doanh nghiệp đã tham gia TMĐT xuyên biên giới, lãnh đạo Amazon Global Selling cho biết hành trình sẽ có rất nhiều cơ hội, nhưng cũng đi kèm thử thách. Bên cạnh phương án tự làm tất cả nếu đủ năng lực, việc sử dụng dịch vụ từ các đối tác có thể giúp thực hiện 3 mục tiêu: tăng doanh thu, tối ưu hóa chi phí, xây dựng thương hiệu toàn cầu.
Lấy ví dụ cụ thể về một doanh nghiệp bán lông mi giả, ông Toàn cho hay đây là mặt hàng các doanh nghiệp Việt Nam có thế mạnh rất lớn trên thị trường xuất khẩu B2B toàn cầu, nhờ lợi thế về nguyên liệu và sự khéo léo của những người thợ Việt Nam.
“Tuy nhiên, khi doanh nghiệp bắt đầu bán hàng trên Amazon lại gặp phải vấn đề là làm sao xây dựng thương hiệu mạnh tại thị trường Mỹ. Công ty Anneco ngay từ đầu đã hỗ trợ doanh nghiệp chọn thương hiệu và đăng ký, cũng như cách tối ưu hóa quảng cáo để xây dựng thương hiệu đó”.
“Đây là hành trình mà ban đầu chúng tôi dự kiến để lên được Amazon mất 1 năm, nhưng cuối cùng kéo ngắn lại chỉ còn 3 tháng. Quan trọng là đội ngũ của Anneco đã giúp doanh nghiệp giảm được chi phí quảng cáo từ mức rất cao xuống còn dưới 30%/doanh thu”, ông Toàn kể lại.
Ví dụ thứ hai ông đưa ra liên quan đến logistics – vấn đề rất lớn trong TMĐT xuyên biên giới, vì phải đưa hàng hóa sang kho Amazon của Mỹ.
“Có một doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ ban đầu bán những mặt hàng rất gọn và nhẹ. Sau đó do việc kinh doanh trên Amazon đạt hiệu quả, họ muốn đưa ra những sản phẩm kích thước lớn hơn. Vấn đề đầu tiên họ gặp phải là làm thế nào để vận chuyển với chi phí logistics hiệu quả nhất”.
“Đội ngũ DPExpress đã xuống tận xưởng để đóng gói từng sản phẩm, đảm bảo làm sao vận chuyển được quãng đường dài từ Việt Nam sang Mỹ mà không bị hư hỏng. Quan trọng hơn là đưa ra phương án vận chuyển kết hợp giữa đường hàng không, đường biển, tư vấn thông quan, cũng như tối ưu hóa chi phí lưu kho Amazon. Nếu không giải quyết được bài toán trên thì không mở rộng được danh mục sản phẩm”, ông Toàn cho hay.
Dù còn nhiều khó khăn trong hành trình xuất khẩu TMĐT xuyên biên giới, các diễn giả của tọa đàm vẫn khuyến khích các doanh nghiệp Việt “hãy tự tin”, “dám mơ lớn”, “hãy bắt đầu”.