Sau sự cố Cocobay, bất động sản nghỉ dưỡng "lịm dần"

Tuấn Minh | 07:50 15/09/2022

Chuyên gia cho rằng, phân khúc bất động sản du lịch nghỉ dưỡng và phân khúc bất động sản nhà ở cần phải xem xét sao cho nó có hiệu quả như mong đợi.

Sau sự cố Cocobay, bất động sản nghỉ dưỡng "lịm dần"

Phát biểu tại diễn đàn: “Tháo gỡ điểm nghẽn về chính sách và nguồn vốn để nâng cao hiệu quả thị trường bất động sản”, tổ chức mới đây, ông Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, loại hình bất động sản du lịch nghỉ dưỡng bắt đầu phát triển mạnh từ 2014. Lúc đó, các nhà đầu tư đẩy mạnh phân khúc nhà ở giá cao và tập trung vào phân khúc bất động sản du lịch nghỉ dưỡng. Tuy nhiên đến năm 2018 sự cố Cocobay Đà Nẵng, dự án này phải bỏ dở, họ tuyên bố cam kết của mình với các nhà đầu tư là không hoàn tất … kể từ đó phân khúc bất động sản du lịch nghỉ dưỡng cứ lịm dần.

“Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu xây dựng khung pháp luật cho bất động sản du lịch nghỉ dưỡng nhưng không ai làm. Cho đến khi phân khúc này rơi vào Covid-19 chúng ta có thời gian nghỉ, đến bây giờ độ nóng của nó đã quay lại. Hiện, Luật Đất đai đang sửa, vậy đến lúc nào có khung pháp lý cho bất động sản du lịch nghỉ dưỡng?”, ông Võ đặt ra vấn đề.

Theo ông Võ, Bộ Văn hóa –Thể thao và Du lịch phải có tác động đề xuất, quản lý bất động sản nghỉ dưỡng. “Tuy nhiên, tại một hội thảo tôi thấy Bộ này nói ra làm gì có bất động sản du lịch mà chỉ có bất động dịch vụ”, ông Võ cho biết.

Vị chuyên gia này cho rằng, quan điểm đó chưa đúng. Lúc này rất cần một khung chính sách để phát triển được bất động sản du lịch nghỉ dưỡng. Bởi vì phân khúc bất động sản du lịch nghỉ dưỡng tiềm năng rất lớn.

Sau sự cố Cocobay, bất động sản nghỉ dưỡng lịm dần?  - Ảnh 1.

Ông Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

 Theo Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến nay phân khúc bất động sản này đang thấp đi. Lý do trước đây nhiều nhà đầu tư thứ cấp đầu tư vào đây vì nghĩ có lợi và được chủ đầu tư, địa phương hứa được sử dụng đất dài hạn. Tuy nhiên, đến nay cho thấy không phải, sử dụng đất cũng chỉ được 50 năm.

“Thời gian hiện nay chúng ta nên có tính toán đối với khung pháp luật về bất động sản du lịch nghỉ dưỡng. Tôi cho rằng nó quan trọng không khác gì như nhà ở, khi mà hiện nay bất động sản nhà ở Chính phủ tập trung vào phân khúc khung giá thấp, phải chăng chứ không phải giá cao… Trong đó phân khúc bất động sản du lịch nghỉ dưỡng và phân khúc bất động sản nhà ở chúng ta phải xem xét sao cho nó có hiệu quả như mong đợi”, ông Võ nói.

PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho hay, trong thời buổi hiện nay, lịch sử câu chuyện Condotel mấy năm dịch Covid-19 nén lại, bao nhiêu vốn của đất nước bị chôn ở đây, không giải tỏa được và nay tưng bừng trở lại. Người dân góp vốn 2- 3 tỷ USD, mấy năm không lấy lại được, câu chuyện lãi suất, thu nhập là hết sức vất vả.

Theo ông Thiên, nguyên nhân do, hệ thống luận pháp bao giờ cũng chậm hơn, trong khi đó cuộc sống chúng ta biến đổi rất nhanh. “Hệ thống luật với vấn đề này sẽ có sự xung đột. Mặc dù chúng ta đã nỗ lực thay đổi rất nhiều. Bản chất của chúng ta ở đây chính là từ nền kinh tế, đặc biệt là bất động sản du lịch, bất động sản nghỉ dưỡng, Condotel biến đổi nhanh, dẫn đến xung đột cao và biến đổi mạnh. Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận vấn đề này là bình thường và thực tế đây là vấn đề bình thường để chúng ta bình tĩnh tìm cách tháo gỡ, chứ không nên bức xúc quá”, vị chuyên gia nêu ý kiến.

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, hệ thống luật có vấn đề nghiêm trọng, đó là chồng chéo, xung đột, các sửa đổi luật của chúng ta mang tính tháo gỡ, tức là bổ sung, dẫn đến tính xung đột, tranh chấp trong hệ thống luật, giải quyết được điểm này lại dẫn đến xung đột với điểm khác. “Chúng ta có một rừng luật cho nên cần phải giải quyết bằng luật rừng”, ông Trần Đình Thiên ví von.
Sau sự cố Cocobay, bất động sản nghỉ dưỡng lịm dần?  - Ảnh 2.

PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.

Bên cạnh đó, ông Thiên cho rằng, cần làm rõ khái niệm bất động sản, bất động sản du lịch, bất động sản nghỉ dưỡng. Ví dụ, khách sạn nói chung khác với Condotel, cần giới hạn rõ ràng và tìm cách giải quyết, chứ không sẽ nhìn nhận vấn đề sẽ rất phức tạp.

“Điểm nghẽn pháp lý có lẽ chúng ta đang muốn tập trung vào Condotel. Việc này liên quan đến quyền tài sản giữa người đầu tư vào các chủ đầu tư, tổ chức thực hiện dự án này. Loại hình Condotel chưa từng có ở Việt Nam, giống như đứa con lai, giữa nhà ở và khách sạn, đây lại là hình thức đầu tư tài chính. Câu chuyện tài sản này được vận động như thế nào, được chuyển nhượng, góp vốn để không gây ra xung đột. Việc này gắn đến với hệ thống luật”, vị chuyên gia nói.

Theo ông Thiên, việc này không quá khó, và không phải không thể giải quyết. Tuy nhiên, nhiều khi vướng vào câu chuyện đầu cơ, việc này sẽ rất rắc rối, hay việc sở hữu 50 năm.

“Gốc rễ vấn đề nằm ở các quan điểm về tài sản, sau đó là các luật lệ liên quan đến tài sản, chúng ta đang có những biển chuyển rất nhanh, nhanh hơn so với biến chuyển của bộ máy, có lẽ cần phải học thêm kinh nghiệm từ nước ngoài.

Việt Nam đang bùng nổ, người dân nhanh nhạy đón bắt đầu cơ về bùng nổ du lịch. Muốn bùng nổ du lịch cần có vốn, huy động nguồn vốn từ xã hội vô cùng nhiều, việc huy động nguồn vốn này cũng như chia sẻ lợi ích của người dân. Nếu hệ thống pháp luật ổn định thì nhiều nhà đầu tư chia sẻ lợi ích sẽ rất tốt cho người dân”, ông Thiên nêu ý kiến.

Theo ông Thiên, cần tiếp cận giải quyết vấn đề Luật phải trên nền tảng như vậy chứ không phải trên nền tảng về kỹ thuật. Tuy nhiên, cách tiếp cận hiện nay chưa đứng trên tổng thể lợi ích tốt như vậy mà còn cân đo, căn ke và xem như đối trọng của nhau. Tóm lại, vấn đề cần xử lý ở đây sao cho không chồng chéo và cần xây dựng luật nền tảng, luật cơ bản.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Sau sự cố Cocobay, bất động sản nghỉ dưỡng "lịm dần"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO