Sau mở rộng địa giới, TP HCM có thể sở hữu bao nhiêu sân bay?

Dy Khoa | 13:00 14/04/2025

Địa phương mới được hình thành trên cơ sở ba đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Sau mở rộng địa giới, TP HCM có thể sở hữu bao nhiêu sân bay?

Theo Nghị quyết 60 của Hội nghị lần thứ 11 Ban chấp hành Trung ương khóa 13, Trung ương đồng ý số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, thành phố (28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương).

Theo đó, dự kiến hợp nhất tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh Bình Dương và TP HCM; lấy tên là TP HCM, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại TP HCM hiện nay.

Theo Vietnamnet, UBND các phường tại TP Thủ Đức, TP HCM đã bắt đầu lấy ý kiến người dân về phương án sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của tỉnh Bình Dương và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vào TP HCM, thành lập TP HCM (mới).

TP HCM được đánh giá là nền kinh tế “đầu tàu” của cả nước, cùng hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông cơ bản hiện đại. Trong đó có cảng hàng không lớn nhất Việt Nam hiện nay, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Sắp tới, Nhà ga mới T3, tổng mức đầu tư gần 11.000 tỷ đồng, của Tân Sơn Nhất đi vào hoạt động sẽ giúp sân bay này có thêm công suất đón tiễn khách. Cụ thể, từ ngày 28/4 đến 4/5, nhà ga T3 Tân Sơn Nhất sẽ thử nghiệm thêm đường bay TP HCM - Hà Nội, một trong những tuyến bay nội địa nhộn nhịp nhất cả nước.

Đến ngày 5/5, Vietnam Airlines và Vietjet sẽ chính thức chuyển toàn bộ hoạt động bay nội địa sang nhà ga T3, trong khi các hãng Bamboo Airways, Pacific Airlines, Vasco và Vietravel Airlines tiếp tục hoạt động tại nhà ga T1.

Với công suất thiết kế 20 triệu lượt khách/năm, nhà ga T3 Tân Sơn Nhất sẽ đảm nhận khoảng 80% lượng khách nội địa, giúp "chia lửa" cho nhà ga T1 vốn đã quá tải nghiêm trọng trong nhiều năm. Hiện tại sân bay Tân Sơn Nhất chỉ có hai nhà ga T1 (nội địa) và T2 (quốc tế) với công suất thiết kế ban đầu từ 28-30 triệu lượt khách/năm. 

a3-9878-6165.jpg.jpg
Với công suất thiết kế 20 triệu lượt khách/năm, nhà ga T3 sẽ đảm nhận khoảng 80% lượng khách nội địa của Tân Sơn Nhất.

Tuy nhiên, thực tế lượng khách qua đây liên tục vượt ngưỡng 40 triệu lượt mỗi năm, đặc biệt vào các dịp lễ, Tết, gây áp lực lớn lên hạ tầng. Khi nhà ga T3 Tân Sơn Nhất chính thức hoạt động, tổng công suất của sân bay sẽ được nâng lên 50 triệu lượt khách/năm, hứa hẹn mang lại sự thông thoáng và thuận tiện hơn cho hành khách, theo Báo Tuổi Trẻ.

Số lượng sân bay của TP HCM có thể tăng lên

Sắp tới, khi mở rộng địa giới, số lượng sân bay, cảng hàng không của TP HCM có thể sẽ tăng lên. Hiện tại, Bà Rịa - Vũng Tàu có sân bay Vũng Tàu nhưng chủ yếu được dùng cho hoạt động của ngành dầu khí, không có các chuyến bay thường lệ đi và đến.

Sân bay Côn Đảo, đặt tại huyện Côn Đảo thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đang được dự kiến được đầu tư, nâng cấp mở rộng theo hình thức PPP. Hồi tháng 12/2024, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu quy hoạch, đầu tư nâng cấp, mở rộng sân bay Côn Đảo tiêu chuẩn cảng hàng không quốc tế theo phương thức này và đã được Bộ thống nhất.

Dự án nâng cấp tổng thể bao gồm các công trình khu bay, hoạt động bay, công trình thiết yếu, khu hàng không dân dụng, công trình dịch vụ hàng không để có thể tiếp nhận các loại máy bay cỡ lớn, thân rộng như A320, A321, Airbus A350, Boeing 787.

Hồi tháng 3, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu kiến nghị cho phép địa phương tổ chức điều chỉnh, cập nhật tuyến đường cao tốc kết nối khu vực Hồ Tràm, huyện Xuyên Mộc đến Cảng hàng không quốc tế Long Thành và quanh khu vực mà tuyến đường đi qua vào quy hoạch tỉnh; đưa sân bay Gò Găng ra khỏi Quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo trình tự thủ tục, rút gọn để có thể kịp thời đưa vào khai thác khi Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành hoàn thành. 

Với tỉnh Bình Dương, hồi 2024,  theo quy hoạch tỉnh này thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, yêu cầu địa phương bố trí quỹ đất dự trữ để nghiên cứu xem xét đầu tư xây dựng cảng hàng không tại huyện Dầu Tiếng (sân bay Dầu Tiếng). Trước đó, tỉnh Bình Dương cũng đã có chủ trương quy hoạch khu đất sân bay quốc phòng tại xã Định An, huyện Dầu Tiếng với diện tích khoảng 50ha.

Việc quy hoạch này cũng đã có trong danh mục công trình thu hồi đất năm 2023 của huyện Dầu Tiếng, tỉnh cũng đã quy hoạch sân bay lưỡng dụng và bổ sung diện tích sử dụng đất lên đến 200ha. Xã Định An của huyện Dầu Tiếng sẽ là nơi bố trí đất cho kế hoạch làm sân bay lưỡng dụng.

Sân bay này sẽ được sử dụng để phục vụ các hoạt động của không quân Việt Nam, đảm bảo khả năng triển khai nhanh chóng lực lượng quân đội trong tình huống cần thiết.

Ngoài ra, nếu được thông qua, đây sẽ là sân bay dự phòng cho sân bay Tân Sơn Nhất khi quá tải, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế khu vực Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước và các tỉnh lân cận.


(0) Bình luận
Sau mở rộng địa giới, TP HCM có thể sở hữu bao nhiêu sân bay?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO