Sau khi cân nhắc, Việt Nam sẽ chưa xây hầm vượt sông thứ hai

Dy Khoa | 10:23 01/01/2025

Chi phí hầm dìm có thể lên đến 33.000 tỷ đồng.

Sau khi cân nhắc, Việt Nam sẽ chưa xây hầm vượt sông thứ hai

Đã có 3 phương án được đưa ra nhằm thay thế phà Cát Lái, gồm xây cầu, hầm dìm và hầm khoan vượt sông. 

Một số ý kiến từ địa phương và chuyên gia gần đây cho rằng, làm hầm là phương án phù hợp nhất với điều kiện logistic trong khu vực. Tuy nhiên cân nhắc và xem xét mọi yếu tố, cho thấy hầm vượt sông có chi phí xây dựng lớn, sau này việc vận hành, bảo dưỡng hầm rất tốn kém.

Trên cơ sở đó, tỉnh Đồng Nai đã chọn phương án xây dựng cầu Cát Lái, việc làm cầu giúp tiết kiệm chi phí, trong khi vẫn đảm bảo các yếu tố kỹ thuật. Đồng thời, hướng tuyến điều chỉnh về phía Tây của tuyến quy hoạch là hợp lý, hướng tuyến này không ảnh hưởng đến các di tích lịch sử.

Bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, giao Sở Giao thông vận tải Đồng Nai và đơn vị tư vấn làm việc với ngành chức năng Thành phố Hồ Chí Minh để thống nhất phương án xây dựng cầu Cát Lái. Các đơn vị xem xét, hoàn thiện hướng tuyến dẫn lên cầu Cát Lái, hạn chế tối đa tuyến đường đi qua các công trình tôn giáo, chồng lấn với các quy hoạch khác.

cau-my-thuan-9-12291493.jpg
Đồng Nai chọn phương án xây cầu, thay vì làm hầm vượt sông như trước đó. Ảnh minh hoạ.

Dự án có vận tốc thiết kế từ 80-100 km/h, gồm 6 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ; chiều dài dự án hơn 11km, điểm đầu của tuyến tại đường Nguyễn Thị Định (thành phố Thủ Đức-Thành phố Hồ Chí Minh), điểm cuối kết nối với cao tốc Bến Lức-Long Thành (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai).

Trở lại 3 phương án được cân nhắc ban đầu, dự án xây cầu có tổng chi phí đầu tư hơn 19.000 tỷ đồng, làm hầm dìm chi phí trên 24.500 tỷ đồng, hầm khoan chi phí trên 33.000 tỷ đồng.

Với phương án hầm dìm, hầm sẽ được xây dựng ở độ sâu khoảng 3 m so với mặt đất hiện hữu, chiều dài hầm qua sông 800m (gấp đôi so với hầm Thủ Thiêm-Thành phố Hồ Chí Minh, hầm vượt sông duy nhất ở Việt Nam hiện nay). Do hầm dài nên quá trình xây dựng có nhiều thách thức.

Về hầm khoan, đây là loại hầm được xây dựng ở độ sâu hàng chục mét so với mặt đất hiện hữu mới đảm bảo an toàn (trong khi độ sâu nước sông đoạn làm hầm chỉ khoảng 18 m), quá trình thi công hầm khoan rất phức tạp, chỉ phù hợp khi phải làm hầm dài nhiều km.

Theo đơn tư vấn, hầm vượt sông khi hoàn thành mỗi năm cần khoảng 100 tỷ đồng để vận hành, bảo dưỡng, trong khi chi phí vận hành, bảo dưỡng cầu khoảng 10 tỷ đồng/năm.

Đơn vị tư vấn cho rằng, nếu làm cầu Cát Lái, cầu sẽ có chiều dài hơn 3.000m, rộng 33 m. Việc xây cầu Cát Lái có nhiều thuận lợi, giúp tiết kiệm chi phí nhưng vẫn đảm bảo các yếu tố kỹ thuật.

Đồng Nai từng đề xuất xây hầm vượt sông

Trước đó, hồi giữa tháng 12/2024, phương án xây hầm vượt sông thay vì xây cầu Cát Lái đã được ông Võ Tấn Đức, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đề xuất. Việc có đề xuất này do nhiều nguyên nhân.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng, vị trí dự kiến làm cầu Cát Lái gần các cụm cảng Cát Lái, Đồng Nai, Bình Dương nên cầu Cát Lái cần xây dựng tĩnh không cầu cao, đảm bảo lưu thông của các tàu hàng lớn ra vào các cảng. 

thu-thiem-tunnel.jpg
Hầm vượt sông Sài Gòn (hầm Thủ Thiêm) là hầm vượt sông đầu tiên và duy nhất đến thời điểm tại Việt Nam.

Khi thiết kế tĩnh không cao, cầu Cát Lái cần đường dẫn cầu dài, từ đó diện tích thu hồi, giải phóng mặt bằng cả 2 phía Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai khá lớn, tăng kinh phí đầu tư lên cao.

Việc Đồng Nai đề xuất xây hầm vượt sông nối Thành phố Hồ Chí Minh thay phương án cầu nhằm hạn chế giải phóng mặt bằng, đồng nghĩa việc sẽ tiết kiệm được chi phí đầu tư cho dự án. 

Những ý kiến ủng hộ phương án làm hầm cho rằng, hầm vượt sông sẽ đảm bảo tính mỹ quan hai bờ sông Đồng Nai, không ảnh hưởng hoạt động cảng Cát Lái.

Gần 10 năm trước, Dự án cầu Cát Lái, nối thành phố Thủ Đức-Thành phố Hồ Chí Minh và huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai được Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào quy hoạch. Đến nay, Dự án cầu Cát Lái dù đã nhiều lần được bàn bạc nhưng các bên liên quan vẫn chưa thống nhất phương án triển khai.

Dự án cầu Cát Lái có ý nghĩa rất quan trọng trong kết nối giao thông trực tiếp giữa thành phố Thủ Đức-Thành phố Hồ Chí Minh và huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.

Huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) chỉ cách TP Thủ Đức (TP HCM) bởi con sông Đồng Nai. Hiện nay, con đường ngắn nhất đi từ TP Thủ Đức qua huyện Nhơn Trạch là phà Cát Lái. Bên phía Đồng Nai, con đường nối vào bến phà thuộc xã Phú Hữu, huyện Nhơn Trạch rất nhỏ hẹp, thường xuyên xảy ra kẹt xe vào các dịp nghỉ lễ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Sau khi cân nhắc, Việt Nam sẽ chưa xây hầm vượt sông thứ hai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO