Nổi tiếng với hình ảnh một “hot mom” vô cùng tích cực từ 2016 khi nguồn thông tin chính thống về cách nuôi dạy trẻ còn thiếu thốn, MC Minh Trang đã tạo dựng cộng đồng Mầm Nhỏ và chia sẻ kiến thức cho hơn 250.000 phụ huynh. Cách đây 1 năm, Hộp Háo Hức - dịch vụ giao sách định kỳ cho trẻ nhỏ - tiếp tục là một "cú nổ" trong giới kinh doanh giáo dục với cú chốt deal 8 tỷ đồng trên chương trình Shark Tank.
Dự án giáo dục mới nhất của cô MC tiếp tục mang một cái tên rất vui nhộn: Làng Háo Hức. Liên tục lên ý tưởng mới và phát triển hệ sinh thái giáo dục của mình, Minh Trang ngày càng chứng minh sự nghiêm túc “làm cho tới” giấc mơ với mong mỏi mang tới những điều tốt đẹp nhất cho trẻ em.
Là một người sáng tạo nên nhiều sản phẩm giáo dục tiên phong, tại sao lại là concept “làng” mà không phải thứ gì hiện đại, xu hướng hơn?
Nó xuất phát từ chính trải nghiệm tuổi thơ của tôi: những ngày hè được lang thang ở quê cùng gia đình và ông bà, có những buổi trưa trốn ngủ, đầu trần dãi nắng để đi bứt nhụy hoa mút nước mật ngọt ấm, nấu cơm trong ống lon, chơi chuyền, nhảy dây, ô ăn quan, đồ cứu, “xì tốp”.
Làng là nơi lưu giữ những giá trị văn hoá đậm nét nhất của nông thôn Việt Nam, cũng là khái niệm quê hương sớm nhất trong nhận thức của mỗi đứa trẻ ngoài gia đình, bố mẹ. Mong muốn lớn nhất của tôi khi xây dựng Làng Háo Hức là thông qua việc các bạn trở lại tuổi thơ của bố mẹ đầu 8x, 9x - được lang thang, ngắm nghía và tương tác với thiên nhiên để từ đó cảm thấy biết ơn những gì mình đang được hưởng.
Bản thân tôi cũng như nhiều phụ huynh mà tôi biết của thời đại 4.0, dễ bị cuốn theo các phương pháp giáo dục nghe rất hoành tráng, rất “kêu”, thích thú với chương trình học dày đặc hay những điểm số lấp lánh mà không nhận ra rằng bọn trẻ của chúng ta đã quá xa rời thiên nhiên và rằng các trò chơi của tuổi thơ với thiên nhiên thực chất ẩn sau đó lại mang tính giáo dục rất cao, có STEAM, STEM đủ cả.
Concept “làng” thậm chí không phải là mô phỏng nữa, mà thứ tôi xây dựng chính xác là nông thôn Bắc Bộ, có nhà tranh vách đất thực thụ chứ không hề “giả cầy” - khung tre với tường là đất bùn, trộn rơm, mái lợp lá cọ. Có vườn cây ăn quả, có ao, có vườn, có chó, có gà, nó chính là những hình ảnh xuất hiện trong các tác phẩm văn học rất hay như Cái tết của mèo con, Dế mèn phiêu lưu ký - cả một thế giới tuổi thơ đẹp như thế nhưng quá phí khi mà các bé thành phố sống trong các tòa chung cư không cảm ra được.
Tại sao chị có dũng khí trở thành một trong số rất ít các đơn vị “dám” xây dựng cả một “khu biệt lập” 14ha dành riêng cho trại hè, có cả rừng ngay gần Hồ Núi Cốc?
Ở cương vị phụ huynh lẫn một người tổ chức, tôi phải khẳng định rằng nếu đi thuê đia điểm ở các khu sinh thái (như cách không ít đơn vị đang lựa chọn) thì sẽ không thể tránh khỏi cảnh bên này nhóm học sinh đang đốt lửa trại, bên kia có nhóm khách đang uống rượu bia, hát karaoke, thậm chí phì phèo khói thuốc. Đó không thể nào là bối cảnh và không gian để con trẻ hòa mình vào thiên nhiên.
Trong một lần rất tình cờ về quê chồng vào năm 2019, được người quen giới thiệu khu đất này mà nếu không phải tôi thì chắc ông bà chủ chẳng bán được cho ai. Vì 12ha trong số tổng 14ha đều là rừng, có cô cậu thành phố nào chịu mua cả cánh rừng vậy chỉ để xây nhà nghỉ dưỡng cuối tuần cho gia đình đâu! Thận trọng thăm thú cả 4 mùa của vùng đất này, đến tận tháng 03/2020, tôi mới quyết định mua. Đất ở đây vì dùng để trồng chè nên đúng nghĩa là cày lên sỏi đá.
Tôi vẫn còn giữ tấm ảnh kỉ niệm giữa trưa hè nắng năm 2021, tôi và mẹ chồng mỗi người cầm một thùng sơn nhựa, thêm mỗi người chiếc bồ cào. Rồi cả hai ngồi cào hết đá ra đá, đất ra đất, như nàng Tấm ấy. Tất nhiên là có thêm người khác trợ giúp, nhưng quá trình tự làm ấy cũng khiến tôi nhận ra nhiều điều về giáo dục con trẻ.
Sự táo bạo trong việc sở hữu không gian trại hè riêng tư và nội bộ hóa quy trình vận hành đã giúp chị điều gì?
Tôi từng cho con tham gia 1 số khoá trại hè, có nơi thuê địa điểm ở các khu sinh thái đắt tiền với nhiều cây cảnh, hoa cảnh, nhưng tất cả những thứ đó chỉ mang ý nghĩa về cảnh quan, trang trí, còn mục đích giáo dục ẩn sâu trong mỗi set-up cảnh quan đó thì không có. Làng Háo Hức có các bãi ở trên rừng dành riêng cho việc học tập, trải nghiệm giáo dục đa dạng: 50 loại cây ăn quả khác nhau, có cây rau, cây dược liệu, và cả những cây gỗ lâu năm, kéo theo lượng động vật nhỏ, côn trùng, bò sát đa dạng, đúng nghĩa là một khu vực nông thôn bao la mà khép kín riêng tư.
Sự chuyên biệt hóa của không gian giúp chúng tôi đảm bảo an ninh, không có sự xuất hiện của người lạ và chủ động được mọi thứ về địa điểm. Tôi nắm rõ được Làng sử dụng loại thuốc muỗi sinh học gì để phun. Phân bón cây cũng là phân chuồng ủ hoai đi gom từ các hộ chăn nuôi trong xã, nước giặt nước rửa bát đều lên men từ bồ hòn và vỏ dứa. Thậm chí tôi còn có thể lắp đặt và quan sát được mọi không gian với hệ thống camera vừa ở khu sinh hoạt chính và cả trên rừng.
Hơn nữa, việc áp dụng tất cả các tiêu chuẩn vận hành của Mỹ khiến Làng đảm bảo kiểm soát được các yếu tố rủi ro một cách có hệ thống mà không làm ảnh hưởng đến tự nhiên quá nhiều. Chương trình cũng có thể linh hoạt được xây dựng và thay đổi cho phù hợp với từng đối tượng, từng mùa trong năm mà không phải “xin phép” người khác như rất nhiều đơn vị giáo dục khác đang gặp phải.
Làm việc với đối tượng là trẻ em tại không gian đồi núi như vậy, lại là đơn vị đi tiên phong triển khai mô hình trại hè thiên nhiên thực thụ, chị có tự tin không?
Nhiều người có kinh nghiệm dày dặn hơn tôi, tiềm lực tài chính cũng mạnh hơn tôi, nhưng khi tôi ngỏ ý đồng hành cùng xây dựng mô hình này thì hầu hết đều ngại. Khu vực của Làng rất xa trung tâm, mật độ dân cư cũng rất thưa, xung quanh chủ yếu là đồi núi, người dân làm nông nghiệp thuần tuý, địa hình đa dạng, việc vận hành đã vất vả hơn nhiều, đảm bảo an toàn, phòng tránh rủi ro cho trại sinh càng không hề đơn giản.
Về riêng tôi, nó phụ thuộc vào cách mình nhìn nhận như thế nào là rủi ro và các cơ sở vững chắc giúp tôi đối mặt và phòng tránh được rủi ro. Thứ nhất, quan điểm của tôi khi dạy trẻ nhỏ là không bao giờ kỳ vọng có thể đưa cho con một môi trường không hề có chút rủi ro nào, vì khi đó tước đi cơ hội thích nghi và học cách chung sống của con. Trẻ bắt buộc phải đối mặt với một số rủi ro chấp nhận được và học cách thích nghi, xử trí và bảo vệ bản thân.
Nhiệm vụ của tôi là hạn chế tối đa những rủi ro không chấp nhận được như: đuối nước, mất an ninh, an toàn thực phẩm, xâm hại quyền trẻ em,... Kinh nghiệm làm việc các dự án với UNICEF trong nhiều năm qua cũng giúp tôi nhận thức sâu sắc về các thực hành về quyền trẻ em. Tôi cũng được hỗ trợ rất nhiều từ một đơn vị tổ chức trại hè của Mỹ, hoạt động hơn 100 năm nay, trải qua hơn 3 thế hệ. Tôi thậm chí trực tiếp qua Mỹ để gặp gỡ, quan sát, và trao đổi với họ, học hỏi về chương trình hoạt động, cách vận hành và đảm bảo an toàn cho trẻ
Sau một thời gian làm giáo dục, nhiều người còn nhận xét chị đã thay đổi nhiều so với hình tượng trước đây của cô MC-BTV Hà Thành. Chị có thấy mình đang tự dấn thân vào “cái khổ” để đi trên con đường giáo dục này?
Tôi đã “lớn hơn” rất nhiều chứ. Từ một cô gái thành phố chính hiệu giờ thậm chí nhảy vào chuồng gà để xúc phân đem về ủ, bón cho cây. Nhờ đam mê nông nghiệp hữu cơ, không ngại xắn tay tự làm, mà sau hơn hai năm, Làng Háo Hức từ chỗ đất cằn toàn sỏi đá, giờ màu mỡ, cho ra những lứa rau xanh mướt mắt, trái ngọt lịm, phục vụ trực tiếp cho các bạn học sinh trại hè.
Quá trình khá cật lực ấy cũng khiến tôi nhận ra rằng thiên nhiên phải mất một khoảng thời gian thì mới biến chất, bạc màu - cũng như một em bé phải mất thời gian để từ trắng trẻo, xinh xắn, bé bỏng bỗng trở thành trẻ có vấn đề tiêu cực về nhận thức, tâm lý. Nên làm sao mà cha mẹ có thể kì vọng con thay đổi trong ngày một ngày hai được, hãy chấp nhận dần dần từng ngày đồng hành để cùng con tốt lên.
Ngoài ra, cũng là triết lý “tự làm” này khiến tôi quyết tâm Làng phải là nơi có đủ điều kiện và cơ hội để các bé được “tự làm”. Và thông qua việc được “tự làm” thì chính các bạn sẽ rút ra được bài học tôi nên đối xử với bạn bè, gia đình, thiên nhiên như thế nào khi quay trở lại cuộc sống hàng ngày.
Hiện nay “thị trường trại hè” đang vô cùng sôi nổi, nhiều nơi lợi dụng để “treo đầu dê bán thịt chó”. Chị nghĩ gì khi cha mẹ đang dần từ bỏ việc cho con đi trại hè vì lí do này?
5 năm trở lại đây, tôi thấy số đơn vị lẫn số lượng các trại hè đúng là “trăm hoa đua nở”. Nhưng thứ gì mới cũng sẽ phát triển nhanh về số lượng trước, rồi sau đó cần thêm thời gian để đi vào chiều sâu, hoàn thiện mọi khía cạnh. Tôi tin là dần rồi phụ huynh, học sinh sẽ có thêm kinh nghiệm để chọn lọc được những trại hè có chất lượng tốt và thực hiện đúng những cam kết của mình.
Thứ mà Việt Nam mình còn thiếu so với trại hè của nhiều nước khác không phải là cơ sở vật chất, hay chương trình hoạt động, mà là sự sẵn sàng về tâm lí của phụ huynh. Không ít phụ huynh Việt Nam không hề tin tưởng vào khả năng tự lập, đối mặt với rủi ro và thích nghi, hòa nhập của con. Một số khác lại thích các chương trình trại hè phải có gì đó học thuật, phải bù đắp thêm những gì ở trên lớp, phải tranh thủ học trước, học đuổi để vào năm học có xuất phát tốt hơn so với những bạn khác.
Trẻ “về quê” có phải là một bước tụt lùi hay không, trong khi có rất nhiều kĩ năng “thời thượng” khác mà Gen Alpha cần học như tiếng Anh, lập trình, tranh biện?
Mặc dù triển khai trại hè nhấn mạnh vào thiên nhiên & yếu tố truyền thống nhưng tôi không hề phủ nhận các trại hè hoặc những kiến thức, kĩ năng khác. Chính con tôi cũng vẫn đi các trại hè khác, vẫn học tranh biện, âm nhạc, lập trình, vẫn cần phải sống một cuộc sống của công dân hiện đại, công dân toàn cầu. Nhưng đó không phải là tất cả.
Làng là nơi có thể giới thiệu, truyền cảm hứng cho các bạn về sự cân bằng, sự đa dạng về trải nghiệm ở thời thơ ấu. Việc cho các bạn ở thành phố là để thụ hưởng nền giáo dục phát triển nhất của xã hội hiện đại, nhưng đồng thời vẫn cần “về Làng” để không quên biết ơn về gốc gác là những gì được hưởng từ thiên nhiên. Khi đó sẽ là “best of both worlds” - đạt được những gì tuyệt vời nhất của cả 2 thế giới tự nhiên và thế giới hiện đại. Đó mới là hành trang vững vàng, nền tảng cho công dân toàn cầu vừa có tầm, vừa có tâm.
Ngoài ra, hóa ra các bé đang sống ở các vùng “quê” vẫn cần được bố mẹ gửi đến Làng để thực sự được “về quê”. Tỷ lệ đô thị hóa ở các vùng nông thôn và cận nông thôn cũng rất cao. Các con bị nhốt suốt trong những căn nhà bê tông sát mặt đường quốc lộ, nông nghiệp thuần túy cũng không còn, sân vườn bị bán đi, đó đây chỉ còn nông nghiệp chuyên canh, thiên về sản xuất thì lại không hề thân thiện với trẻ em.
Dấu ấn của một doanh nghiệp tạo tác động xã hội ngày càng hiện rõ thông qua mỗi sản phẩm giáo dục của chị. Nhưng điều hành cả một khu rộng lớn với hàng trăm trẻ nhỏ, nhân viên, chị nghĩ Làng thực sự có thể thực hiện được mục tiêu “không rác thải nhựa” hay chỉ là lời nói?
“Vận hành xanh” làm cho chi phí đội lên và phức tạp hơn rất nhiều. Nhưng khi chứng kiến nước thải đổ ra sông suối, tôm cá vẫn sống bình thường, bác lao công đem nước thải giặt bồ hòn trực tiếp đi tưới cây được khiến tôi thấy không bao giờ đánh đổi được bằng cái giá nào.
Không bim bim, nước uống đóng chai, không đồ ăn chế biến sẵn, đồ ăn nhẹ hoàn toàn bỏng tự nổ, hạt kê, chè đỗ đen, nước sấu, nước mơ, nước mận. Các cọng rau thừa đều được cắt nhỏ ra để ủ thành men để làm phân bón. Đồ ăn thừa thì dành cho các bạn chó, mèo ở Làng, còn lại chẳng còn gì mấy để mà vứt đi, không hề có “rác chết”. Điều thú vị khi các bé được sinh hoạt, ăn uống, trải nghiệm trong môi trường hoàn toàn là nhờ vào thiên nhiên như vậy thì tinh thần biết ơn thể hiện rất rõ. Các bé chủ động tìm cách tiết kiệm điện nước, tiết kiệm thực phẩm. Phải từ trải nghiệm thực tế, kết hợp với thông tin kiến thức đã học từ trước, thì mới chuyển biến thành ý thức tự thân và hành động thực sự.
Cùng với những triết lý giáo dục vô cùng cởi mở và sâu sắc ẩn trong mỗi không gian khuôn viên và hoạt động, Làng Háo Hức tiếp tục là một sản phẩm giáo dục hết sức tiên tiến tại Việt Nam để công cuộc làm cha làm mẹ được hạnh phúc hơn, để tuổi thơ của các con thực sự được “sống như những đứa trẻ”. Bước sang năm thứ 4 của Làng, Founder Minh Trang vẫn rất tự tin rằng mình không cần mở rộng thêm sản phẩm gì mới, mà chỉ cần “đẩy mạnh làm thật sự những gì đang làm bây giờ vì những giá trị mà Làng hướng tới không hề nhất thời và thời sự”. Cô MC-BTV ngày nào đã thực sự đã khẳng định được chỗ đứng với vai trò là một doanh nhân giáo dục đích thực tạo tác động bền vững đến cho xã hội!