Trung Quốc đẩy mạnh thương mại điện tử "tức thời", ship thần tốc, người mua muốn là có ngay không cần chờ đợi!

Nhã Mi | 21:54 19/07/2025

Hiện nay, thương mại điện tử tầm gần (near-field e-commerce), hay còn gọi là bán lẻ tức thời ở Trung Quốc đang thu hút sự chú ý rộng rãi.

Trung Quốc đẩy mạnh thương mại điện tử "tức thời", ship thần tốc, người mua muốn là có ngay không cần chờ đợi!

Thương mại điện tử gần, hay còn gọi là bán lẻ tức thời (instant retail), khác với thương mại điện tử truyền thống ở chỗ người tiêu dùng có thể đặt hàng trên nền tảng địa phương, được giao từ cửa hàng gần đó và nhận hàng trong vài giờ. Đây là mô hình bán lẻ mới kết hợp lợi thế tiếp cận trực tiếp của bán lẻ truyền thống và sự tiện lợi của thương mại điện tử trực tuyến. Từ đầu năm nay, các nền tảng thương mại điện tử hàng đầu đã đẩy nhanh việc triển khai thương mại điện tử tầm gần.

“Đổi mới, tích hợp và hệ sinh thái là những từ khóa của thương mại điện tử tầm gần”, “Đổi mới công nghệ thúc đẩy sự phát triển lâu dài của bán lẻ tức thời” là những nội dung đang được đề cập nhiều nhất.

Tại hội thảo chuyên đề “Nửa sau của thương mại điện tử: Nền tảng tiêu dùng tích hợp xa-gần và tạo ra giá trị gia tăng cho tiêu dùng” do Hội Nghiên cứu Thị trường Trung Quốc tổ chức và Viện Chiến lược Tài chính, Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc chủ trì, các chuyên gia tham dự cho biết mô hình kinh doanh mới tích hợp xa-gần (chỉ sự kết hợp giữa thương mại điện tử truyền thống -xa - và bán lẻ tức thời -gần) đã mang lại động lực mới cho thị trường tiêu dùng Trung Quốc, đồng thời đặt ra yêu cầu cao hơn đối với việc nâng cấp ngành công nghiệp.

Hà Đức Húc, Viện trưởng Viện Chiến lược Tài chính, Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho biết khi xu hướng tiêu dùng chuyển sang trải nghiệm và cảm xúc, các hình thái tiêu dùng mới hướng đến đáp ứng sở thích và cảm xúc đang trở thành xu hướng chủ đạo. Các nền tảng thương mại điện tử lớn đang tham gia vào cuộc đua tiêu dùng tổng hợp, triển khai bán lẻ tức thời, kết hợp lợi thế trực tuyến và ngoại tuyến để tạo ra các kịch bản tiêu dùng mới.

“Sự ‘tiện lợi’ trong lĩnh vực tiêu dùng đồng nghĩa với việc tạo ra giá trị, mang lại cơ hội việc làm mới. Đây cũng là ý nghĩa quan trọng của việc thương mại điện tử chuyển từ mô hình xa (thương mại điện tử truyền thống) sang bán lẻ tức thời”, Hạ Kiệt Trường, Chủ tịch Hội Nghiên cứu Thị trường Trung Quốc kiêm nhà nghiên cứu tại Viện Chiến lược Tài chính, Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nhận định.

Các mô hình kinh doanh mới trong lĩnh vực tiêu dùng lấy việc làm làm định hướng quan trọng, thúc đẩy việc làm trong ngành dịch vụ, đạt được lợi ích đôi bên.

Các chuyên gia trong ngành cho biết, trước đây, thương mại điện tử tầm gần sẽ không tối ưu, lợi nhuận vận hành thấp và khả năng nhân rộng mô hình yếu. Ví dụ, dù người dùng đặt mua một đơn hàng ở ngay cùng một quận, nhưng hàng vẫn được chuyển về các bưu cục để giao số lượng lớn thay vì giao trực tiếp từng đơn ở khoảng cách gần.

Tuy nhiên, nhờ cạnh tranh giành thị trường gia tăng, sự hỗ trợ của đổi mới công nghệ và thói quen tiêu dùng dần hình thành, thương mại điện tử tầm gần đã trở thành “miếng bánh hấp dẫn”.

Vương Huệ Mẫn, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Tín dụng, Viện Hợp tác Kinh tế và Thương mại Quốc tế thuộc Bộ Thương mại, cho biết sự phát triển của bán lẻ tức thời được thúc đẩy bởi sự thay đổi thói quen tiêu dùng của thế hệ Z, với đặc điểm “cần là mua, mua là có ngay”. Thói quen này đòi hỏi một chuỗi cung ứng mạnh mẽ và hoàn thiện, một mặt cần các sản phẩm đa dạng, giá cả cạnh tranh, và mặt khác không thể thiếu mạng lưới logistics hiệu quả.

Hồ Kì Mục, Phó Tổng Thư ký Diễn đàn 50 người về Tích hợp Số-Thực Trung Quốc, cho biết khác với các sự kiện khuyến mãi truyền thống như “6.18” hay “11.11” vốn tập trung vào hàng hóa tiêu dùng hàng ngày, bán lẻ tức thời hiện nay tập trung vào các nhu cầu tiêu dùng tức thời, tần suất cao như thực phẩm tươi sống và hàng tiêu dùng nhanh. Những sản phẩm này không có tính chất tích trữ hay tiêu dùng tập trung, do đó dễ chuyển đổi nhu cầu tiềm năng thành hành vi tiêu dùng ổn định và liên tục.

“Cạnh tranh trong bán lẻ tức thời không nằm ở lưu lượng truy cập mà là ở chi phí và công nghệ. Công nghệ là đấu trường cuối cùng của bán lẻ tức thời”, Lý Dũng Kiên, nhà nghiên cứu tại Viện Chiến lược Tài chính, Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nhận định. Các nền tảng thương mại điện tử cần sử dụng công nghệ để nâng cao độ chính xác của dịch vụ giao hàng tận nơi, hiệu quả logistics và xây dựng một mạng lưới cung ứng mạnh mẽ.

Sự phát triển nhanh chóng của các mô hình mới như bán lẻ tức thời và mua sắm nhanh (flash purchase) là kết quả của sự tiến bộ công nghệ số và sự nâng cấp nhu cầu tiêu dùng.

Khúc Sáng, Giáo sư tại Trường Kinh tế, Đại học Sơn Đông kiêm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Cạnh tranh Nền tảng và Kinh tế Số, cho biết bán lẻ tức thời là ngành công nghiệp sử dụng nhiều thuật toán và năng lực tính toán, đòi hỏi công nghệ cao. Ông lấy ví dụ, tại Bắc Kinh trong giờ cao điểm dùng bữa, lộ trình giao hàng của mỗi nhân viên giao hàng được tính toán tối ưu dựa trên các biến số như tình trạng giao thông và thời tiết cục bộ. Ngoài ra, sau khi các cửa hàng ngoại tuyến kết nối với nền tảng thương mại điện tử, dữ liệu thông tin sản phẩm được trực quan hóa, giúp các cửa hàng thực tế xây dựng chiến lược bán hàng.

“Trợ giá không phải là mục tiêu cuối cùng”, Âu Dương Nhật Huy, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Internet Trung Quốc, Đại học Tài chính Trung ương, cho rằng bên cạnh việc hỗ trợ nhu cầu, cần tập trung vào hỗ trợ nguồn cung và cải thiện trải nghiệm. Về lâu dài, các nền tảng có nguồn cung phong phú và khả năng thực hiện đơn hàng ổn định mới có thể giữ chân lưu lượng truy cập thu hút được qua trợ giá vào hệ sinh thái của mình. Ông đề xuất các cơ quan chức năng cần giám sát các nền tảng hoàn thiện cơ chế trợ giá và giữ vững ranh giới rủi ro.

“Trong quá trình này, cần ngăn chặn cạnh tranh không lành mạnh, tuân thủ các ranh giới chính sách, tăng cường giám sát các quy tắc trợ giá của nền tảng để bảo vệ lợi ích thiết thực của các nhà bán hàng vừa và nhỏ cũng như những nhà bán hàng không tham gia trợ giá”, Lý Minh Đào, chuyên gia trưởng về thương mại điện tử tại Trung tâm Thương mại Điện tử Quốc tế Trung Quốc thuộc Bộ Thương mại, nhấn mạnh.


(0) Bình luận
Trung Quốc đẩy mạnh thương mại điện tử "tức thời", ship thần tốc, người mua muốn là có ngay không cần chờ đợi!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO