TS Chử Đức Hoàng: Ngành bán dẫn cần cấu trúc như mô hình "kim tự tháp" để phát triển bền vững

Bảo Châu | 16:01 19/07/2025

Khát vọng đưa Việt Nam trở thành một trung tâm quan trọng trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu được cụ thể hóa bằng mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư vào năm 2030 và các chính sách hỗ trợ ở cấp cao nhất. Tuy nhiên, con đường từ khát vọng đến hiện thực vẫn còn đầy rẫy thách thức.

TS Chử Đức Hoàng: Ngành bán dẫn cần cấu trúc như mô hình "kim tự tháp" để phát triển bền vững
TS Chử Đức Hoàng, Chánh văn phòng Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ

TS Chử Đức Hoàng, Chánh văn phòng Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, nếu không có nền tảng "con voi" đủ mạnh, những chiếc "ngà voi" dù quý giá đến đâu cũng sẽ trở nên lạc lõng, không có đất dụng võ và sớm muộn cũng bỏ đi.

Ngành bán dẫn đang bị đặt trong góc nhìn nóng vội và phiến diện

Điểm sáng lớn nhất của chúng ta là khát vọng và sự quyết tâm chính trị ở cấp cao nhất, thể hiện qua các chủ trương quyết liệt như tinh thần của Nghị quyết 57-NQ/TW về phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Chúng ta có một lực lượng lao động trẻ, ham học hỏi và một vị thế địa chính trị thuận lợi.

Tuy nhiên, thách thức cốt lõi và lớn nhất lại nằm ở chính tư duy tiếp cận. Chúng ta đang nhìn vào ngành bán dẫn với một sự hào hứng, nhưng có phần nóng vội và phiến diện.

Bức tranh thực tế cho thấy chúng ta đang dành quá nhiều sự chú ý và nguồn lực để theo đuổi những gì tôi gọi là “ngà voi”, mà có nguy cơ lãng quên việc phải nuôi dưỡng cả “con voi” – một nền tảng khổng lồ và đa tầng đang âm thầm quyết định sự thành bại của cả ngành.

Tôi xin ví von, "ngà voi" chính là phần hào nhoáng, tinh hoa nhất mà chúng ta đang thấy và theo đuổi, ví dụ vài trăm chuyên gia thiết kế chip hàng đầu được săn đón từ nước ngoài, vài chục "thần đồng" AI và thiết kế chip tốt nghiệp các trường tốp đầu thế giới, những người có khả năng tạo ra tài sản trí tuệ (IP) trị giá hàng triệu USD. Đây là phần nổi, thu hút truyền thông, nhưng chỉ chiếm khoảng 5 - 10% hệ sinh thái.

phat-trien-cong-nghiep-ban-dan-tai-viet-nam-1727748632377414635551.jpg

Việt Nam đặt mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn đến 2030
"Con voi" là toàn bộ phần còn lại, một hệ sinh thái nhân lực khổng lồ, đa tầng nhưng lại âm thầm hơn. Nhưng đây mới là nền tảng vững chắc để những chiếc "ngà voi" kia có thể tồn tại và phát huy giá trị.

Họ là kỹ sư thực thi như kỹ sư quy trình, sản xuất, kiểm thử, đóng gói, kỹ thuật viên… để biến một bản thiết kế trên máy tính thành một con chip vật lý có thể hoạt động được; luật sư chuyên về sở hữu trí tuệ, chuyên gia chuỗi cung ứng và vật liệu, chuyên gia thương mại hóa sản phẩm và tài chính công nghệ… để thương mại hóa, bảo hộ sở hữu…

Ví dụ có một nhóm nghiên cứu ở trường đại học phát triển thành công một công nghệ chip cảm biến mới. Nhưng để đưa nó ra thị trường, họ cần kỹ sư kiểm thử để xác nhận độ tin cậy, cần chuyên gia chuỗi cung ứng để tìm nguồn sản xuất, cần luật sư sở hữu trí tuệ để đăng ký bằng sáng chế và cần chuyên gia thương mại hóa để viết dự án kinh doanh trình bày với Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia hay các quỹ đầu tư khác. Thiếu bất kỳ mắt xích nào trong số này, phát minh đó sẽ mãi chỉ nằm trong phòng lab.

Việc dành quá nhiều nguồn lực để đi tìm "ngà voi" mà chưa đầu tư nuôi dưỡng cả "con voi" không khác gì việc chúng ta muốn có tướng giỏi, nhưng lại thiếu một đội quân tinh nhuệ. Nếu không có nền tảng "con voi" đủ mạnh, những chiếc "ngà voi" dù quý giá đến đâu cũng sẽ trở nên lạc lõng, không có đất dụng võ và sớm muộn cũng bỏ.

Chuyển từ tư duy hỗ trợ "dự án" sang xây dựng "hệ sinh thái"


Để có sự thay đổi toàn diện cho ngành bán đẫn, tôi cho rằng cần cóp sự thay đổi phải đến từ tất cả các bên, một cách đồng bộ.

Với nhà hoạch định chính sách, cần chuyển từ tư duy hỗ trợ "dự án" và "mục tiêu số lượng" sang tư duy xây dựng "hệ sinh thái". Các chính sách như tinh thần của Nghị quyết 57 hay Luật Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo cần được cụ thể hóa thành cơ chế đầu tư cho toàn bộ chuỗi giá trị nhân lực, không chỉ tập trung vào ưu đãi cho các "ngôi sao".

Nhà nước phải giữ vai trò “nhạc trưởng”, kiến tạo luật chơi minh bạch và đầu tư “mồi” vào các hạ tầng nghiên cứu dùng chung mang tầm quốc gia.

Một đề xuất táo bạo là thành lập một “Viện Công nghiệp bán dẫn Việt Nam - VSIRI” theo mô hình ITRI của Đài Loan. Đây không phải cơ quan hành chính mà là một công ty công nghệ của quốc gia, nhận nhiệm vụ từ Chính phủ để nghiên cứu, chuyển giao các công nghệ lõi cho doanh nghiệp.

Doanh nghiệp (cả FDI và nội địa) phải là người “đặt hàng” và cùng tham gia vào quá trình đào tạo. Sự tham gia này phải được ràng buộc bằng các hợp đồng kinh tế. Doanh nghiệp đầu tư vào phòng lab của trường sẽ có quyền ưu tiên tuyển dụng, quyền đồng sở hữu các bằng sáng chế phát sinh.

dhqghn.jpg

Với trường đại học, tôi cho rằng đây là nơi cần thay đổi mạnh mẽ nhất. Phải thoát khỏi tư duy "đào tạo theo những gì mình có" sang "đào tạo theo những gì ngành cần". Viện/trường phải được “cởi trói” hoàn toàn về cơ chế tự chủ, được phép liên doanh, thành lập công ty spin-off từ kết quả nghiên cứu và có cơ chế chia sẻ lợi nhuận rõ ràng để tái đầu tư; phải trở thành những "Talent Hub" thực sự năng động.

Với xã hội, phụ huynh và sinh viên, họ cần một cái nhìn thực tế hơn. Ngành bán dẫn không chỉ có thiết kế chip lương chục ngàn đô. Nó cần cả những kỹ sư vận hành nhà máy, kỹ sư kiểm thử... với mức thu nhập hợp lý và lộ trình phát triển rõ ràng. Đừng tạo ra một làn sóng đổ xô vào một vài vị trí "hot" mà bỏ trống cả một nền tảng rộng lớn phía sau.

Tôi cho rằng, việc thiếu hệ sinh thái hoàn chỉnh đang gây ra hai hạn chế chí mạng: Với đào tạo: Các trường đào tạo “chay”, sinh viên ra trường thiếu kỹ năng thực chiến, doanh nghiệp phải đào tạo lại rất tốn kém. Không có hệ sinh thái, doanh nghiệp không có lý do và cơ chế để tham gia sâu vào việc xây dựng chương trình, gửi chuyên gia đến giảng dạy hay mở cửa phòng lab.

Với đổi mới công nghệ: Các ý tưởng sáng tạo, các kết quả nghiên cứu bị “chết yểu” vì không có con đường để đi từ phòng lab ra thị trường. Không có các quỹ đầu tư mạo hiểm, không có các chuyên gia thương mại hóa, không có các doanh nghiệp sẵn sàng hợp tác đặt hàng thì đổi mới sáng tạo không thể cất cánh.

Do đó, việc chuyển từ tư duy hỗ trợ "dự án" và "mục tiêu số lượng" sang tư duy xây dựng "hệ sinh thái" là một điểm chuyển đổi mang tính sống còn.

z6794556974306_78f0f88dfb94f3850f2eb9036c71240a.jpg
TS Chử Đức Hoàng, Chánh văn phòng Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia

Tư duy hỗ trợ “dự án” là chúng ta rót tiền cho một vài nhóm nghiên cứu mạnh, hay chạy theo chỉ tiêu đào tạo đủ 50.000 kỹ sư. Cách làm này có thể tạo ra những điểm sáng đơn lẻ nhưng không tạo ra sức mạnh tổng hợp.

Còn tư duy xây dựng “hệ sinh thái” là kiến tạo một môi trường với các cơ chế, chính sách để các chủ thể (trường, viện, doanh nghiệp, quỹ đầu tư, chính phủ) có thể tự do liên kết, tương tác, và cùng nhau phát triển một cách hữu cơ.

Tinh thần của Luật KH-CN và đổi mới sáng tạo hay Nghị quyết 57 chính là để tạo ra “luật chơi” cho một hệ sinh thái. Các luật này mở đường cho cơ chế tự chủ đại học, cho phép thành lập công ty spin-off, cho phép doanh nghiệp khấu trừ chi phí R&D và đào tạo ở mức cao…

Kinh nghiệp quốc tế và cảnh báo "nóng" về sự mắc kẹt ở khâu giá trị thấp


Nói rõ hơn về mô hình ITRI của Đài Loan, TS Chử Đức Hoàng chia sẻ: Chính quyền Đài Loan đầu tư chiến lược 8 - 10% GDP vào R&D từ thập niên 1970, với ITRI là trung tâm của hệ sinh thái nhân lực toàn diện. Mô hình "Triple Helix" (nhà nước - đại học - doanh nghiệp) tạo chu trình phát triển nhân tài bền vững từ tích lũy công nghệ và nhân lực nền tảng đến phát triển công nghiệp nội địa và hiện nay họ đã dẫn đầu toàn cầu.

Họ cũng xây dựng hệ thống đại học hàng đầu với chương trình đào tạo được thiết kế với 35% thời lượng thực hành tại phòng lab, 25% dự án thực tế từ doanh nghiệp, và được ITRI cử 120 giáo sư thỉnh giảng hằng năm.

Ví dụ là TSMC thành lập năm 1978 với 145 kỹ sư từ ITRI và khoản đầu tư ban đầu 100 triệu USD. TSMC hiện tuyển dụng trên 70.000 kỹ sư (trong đó 35% tốt nghiệp thạc sĩ, 10% tiến sĩ), chiếm 54% thị phần gia công bán dẫn toàn cầu với trình độ công nghệ 3nm.

Đây là minh chứng cho tầm quan trọng của việc chính phủ cần tạo ra các cơ sở nghiên cứu ban đầu để thúc đẩy ngành. Kinh nghiệm từ Đài Loan cho thấy họ đã đầu tư tới 8 - 10% GDP cho R&D từ những năm 1970 để xây dựng "con voi". Việt Nam rõ ràng không thể sao chép y nguyên, bởi không thể đủ nguồn lực. Vậy đâu là cơ chế tài chính thực tế và bền vững để huy động 1 - 1.5 tỉ USD/năm như ông đề xuất?

Chúng ta cần một cơ chế tài chính "3 chân" thực tế

Nói về tư duy kiềng 3 chân cho ngành bán dẫn, TS Chử Đức Hoàng đánh giá:

Chân kiềng 1 là Ngân sách nhà nước. Tức là Nhà nước phải giữ vai trò kiến tạo, đầu tư mồi thông qua các quỹ như Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ Phát triển KH-CN quốc gia. Ngân sách sẽ không bao cấp toàn bộ mà tập trung vào các hạng mục có tính nền tảng: đầu tư cho một vài phòng lab trọng điểm quốc gia, cấp học bổng cho "luồng tinh hoa", và đặc biệt là thực thi các chính sách ưu đãi thuế đột phá.

Ví dụ, cho phép doanh nghiệp khấu trừ 150 - 200% chi phí dành cho hoạt động đào tạo và R&D trong ngành bán dẫn. Điều này đã được gợi mở trong tinh thần của Luật KH-CN và đổi mới sáng tạo.

Chân kiềng 2: Doanh nghiệp. Phải có cơ chế để doanh nghiệp thấy được lợi ích trực tiếp khi đầu tư. Ngoài ưu đãi thuế, đó là quyền được "đặt hàng" chương trình đào tạo, quyền ưu tiên tuyển dụng lứa sinh viên do mình tài trợ, quyền đồng sở hữu các bằng sáng chế phát sinh từ các dự án hợp tác với nhà trường.

Các doanh nghiệp nên đầu tư 5 - 10% lợi nhuận vào đào tạo, đây không phải là chi phí mà là khoản đầu tư sinh lời nhất cho tương lai của chính họ.

Chân kiềng 3: Xã hội hóa và hợp tác quốc tế. Huy động nguồn vốn từ các tổ chức quốc tế, các quỹ đầu tư mạo hiểm quan tâm đến công nghệ, và khuyến khích các trường đại học tự chủ tài chính, thương mại hóa các kết quả nghiên cứu để tái đầu tư.

ban-dan_66ef9965bde2a.jpg

Chúng ta phải thực hiện quyết liệt các giải pháp này để tránh rơi vào tình trạng như Malaysia, khi không thể dịch chuyển từ OSAT giá trị thấp lên cao hơn, dù sau 5 lần nỗ lực quốc gia. 85% hoạt động của họ vẫn tập trung ở tầng đáy của chuỗi giá trị, giá trị gia tăng chỉ đạt 15 - 20% so với 45 - 60% tại thiết kế chip.

Cảnh báo về "cái bẫy Malaysia" – 50 năm mắc kẹt ở khâu OSAT giá trị thấp mà ông vừa nêu ra là rất xác đáng. Theo ông, đâu là những dấu hiệu cảnh báo sớm trong 2 - 3 năm tới mà chúng ta cần đặc biệt theo dõi để không đi vào "vết xe đổ" đó?

Tuy nhiên, TS Chử Đức Hoàng cũng có ba "cảnh báo đỏ" mà chúng ta phải theo dõi sát sao. Cụ thể:

Thứ nhất, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp làm việc đúng ngành nhưng cần đào tạo lại vẫn ở mức cao (trên 30 - 40%). Nếu sau 3 năm nữa, các doanh nghiệp lớn vẫn phải than phiền rằng họ mất 6 - 12 tháng để đào tạo lại kỹ sư mới ra trường, đó là dấu hiệu cho thấy chương trình đào tạo của chúng ta vẫn xa rời thực tế.

Thứ hai, số lượng công ty thiết kế chip "Make in Vietnam" và các spin-off từ trường đại học không tăng trưởng. Nếu chúng ta chỉ thấy các trung tâm R&D của những ông lớn FDI mà không thấy sự trỗi dậy của các công ty nội địa, dù là nhỏ, điều đó có nghĩa chúng ta vẫn đang làm gia công và chưa thể làm chủ.

Thứ 3, tỷ lệ "chảy máu chất xám" ở tầng kỹ sư bắt đầu tăng: Hiện tại chúng ta đang lo mất "đại bàng", nhưng nguy hiểm hơn là khi các kỹ sư có 3 - 5 năm kinh nghiệm bắt đầu di chuyển ồ ạt sang Singapore hay Malaysia vì ở đó có cơ hội phát triển và mức lương tốt hơn. Đây là dấu hiệu cho thấy "con voi" của chúng ta đang bị suy dinh dưỡng.

Nguyên nhân không có gì khác ngoài việc hệ sinh thái trong nước chưa đủ hấp dẫn. Họ ra đi vì ở Singapore hay Mỹ có cơ hội phát triển sự nghiệp tốt hơn, có những dự án thách thức hơn và mức đãi ngộ tương xứng.

Hệ lụy của điều này sẽ khiến chúng ta sẽ mãi mãi ở trong vòng luẩn quẩn: đào tạo nhân sự, họ tích lũy kinh nghiệm rồi lại rời đi, doanh nghiệp lại phải tuyển người mới và đào tạo lại. Chúng ta mất đi tầng lớp kỹ sư nòng cốt có khả năng dẫn dắt R&D, đào tạo lớp kế cận và khởi xướng các đổi mới sáng tạo.

chip-tuong-lai-nao-cho-vn-ky-1-anh-cover.png

Giải pháp căn cơ và duy nhất chính là quyết liệt xây dựng một hệ sinh thái cộng sinh, cạnh tranh và hấp dẫn ngay tại Việt Nam. Khi các doanh nghiệp nội địa trỗi dậy, khi các viện/trường trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo thực thụ, khi có sự hợp tác thực chất và sòng phẳng giữa ba nhà, thì các kỹ sư sẽ thấy được lộ trình phát triển rõ ràng.

Nếu thất bại, nguyên nhân cốt lõi nhất sẽ nằm ở chỗ chúng ta thất bại trong việc xây dựng văn hóa tin tưởng và hợp tác thực chất giữa ba nhà: Nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp.

Chúng ta có thể có chiến lược hay, có tiền, có nhân tài ban đầu, nhưng nếu doanh nghiệp vẫn chỉ xem trường đại học là nơi cung cấp lao động rẻ, trường đại học xem doanh nghiệp là "nhà tài trợ" và nhà nước quản lý cả hai bằng cơ chế hành chính cứng nhắc, thì chúng ta sẽ thua.

Thất bại sẽ không đến từ việc thiếu tiền hay thiếu người, mà đến từ việc thiếu một cơ chế phối hợp hiệu quả để biến tiềm năng thành sức mạnh tổng hợp.

"Con voi" nhân lực chỉ có thể lớn mạnh khi được nuôi dưỡng trong một hệ sinh thái cộng sinh, chứ không phải trong những mảnh vườn riêng lẻ. Điều chúng ta tuyệt đối không được phép làm sai chính là xây dựng và duy trì niềm tin chiến lược giữa các bên.

Ngành bán dẫn cần cấu trúc như mô hình "kim tự tháp"

Để phát triển ngành bán dẫn bền vững, theo TS Chử Đức Hoàng, chúng ta cần xây dựng một cấu trúc từ thấp đến cao, với mô hình “kim tự tháp”.

Cụ thể, khoảng 5% nhân lực là những “tinh hoa” - các tổng công trình sư, chuyên gia đầu ngành, và nhà quản lý có khả năng dẫn dắt và định hướng. Nhóm này cần được hỗ trợ bởi chính sách vượt trội và mức lương cạnh tranh với quốc tế, có thể lên đến 10.000 - 18.000 USD/tháng.

Nhóm thứ hai, khoảng 35%, là các kỹ sư thiết kế, sản xuất, phần mềm nhúng, vật liệu, và kiểm thử, với yêu cầu trình độ từ thạc sĩ trở lên hoặc kinh nghiệm từ 3 đến 8 năm. Nhóm này cũng cần mức lương cạnh tranh, tương đương với chuẩn quốc tế.

Nhóm thứ ba, chiếm khoảng 60%, là các kỹ thuật viên, bao gồm kỹ thuật viên phòng sạch, kỹ thuật viên kiểm định chất lượng, và nhân viên đóng gói/kiểm tra, với trình độ từ cao đẳng đến đại học. Mức lương cho nhóm này dao động từ 1.000 đến 2.500 USD/tháng.

Tuy nhiên, với mặt bằng lương hiện nay, chúng ta chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu, tức là khoảng 2.000 USD/tháng, và việc nâng lên mức 18.000–20.000 USD cho các chuyên gia đầu ngành là một bài toán khó.

Bài liên quan

(0) Bình luận
TS Chử Đức Hoàng: Ngành bán dẫn cần cấu trúc như mô hình "kim tự tháp" để phát triển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO