Từ iPhone 16 Pro Max, Galaxy S24 Ultra hay Pixel 9 Pro XL những mẫu điện thoại ngày nay thường có tên gọi kết hợp với thương hiệu và những cụm từ hầm hố phía sau như để nhấn mạnh rằng đây chính là thiết bị cao cấp nhất, mạnh mẽ nhất.
Nhưng cây bút Sebastian Pier của Phone Arena cho rằng đã đến lúc các nhà sản xuất nên dừng việc biến sản phẩm của mình trở nên dài dòng, khó nhớ và phức tạp.
Dưới đây là quan điểm của anh
Samsung nên bỏ cái tên Galaxy
Những người tối giản như tôi thường thích những biệt danh ngắn gọn, ấn tượng và hài hòa. Ví dụ: iPhone 14. Hoặc: OnePlus 12. Cụm từ đó phát ra từ miệng dễ hơn nhiều so với thứ dài dòng như "Oppo Find X7 Ultra".
Tôi là một người thích cái cách Samsung đặt tên cho các flagship dòng S của mình trong những năm gần đây. Năm 2024, đó là S24, năm sau (2025), đó sẽ là S25.
Tuy nhiên, có một điều tôi thấy cực kỳ không cần thiết là phần "Galaxy". Không mấy ai gọi Galaxy S24 Ultra là "Galaxy S24 Ultra", ít nhất là những người tôi biết. Thực tế chúng ta chỉ gọi nó là "S24 Ultra". Giống như "S20" hoặc "S23 Plus".
Đó là lý do tại sao tôi khá vui mừng khi có thông tin Samsung có thể bỏ tên gọi "Galaxy":
Samsung được cho là đang khám phá một chiến lược xây dựng thương hiệu mới có thể đặt lại tên cho dòng điện thoại Android cao cấp, từ bỏ nhãn hiệu "Galaxy" (nhàm chán) đã ra mắt vào năm 2009.
Sự thay đổi này có thể xảy ra đố với các mẫu S-line tiên tiến nhất của Samsung bằng cách phân biệt chúng với nhiều loại thiết bị Galaxy của hãng, trải dài từ phân khúc giá rẻ đến phân khúc cao cấp.
Báo cáo cho rằng việc tách các điện thoại cao cấp thành một thương hiệu độc đáo có thể giúp Samsung cạnh tranh trực tiếp hơn với iPhone.
Với quan điểm của tôi, hãng chỉ đươn giản là cắt bỏ "Galaxy" và sử dụng công thức "S + năm phát hành". Trông sẽ phong cách và dễ hiểu hơn nhiều.
Tuy nhiên, Samsung có thể sẽ nghĩ ra một từ khác cho "Galaxy". Đặt tên sản phẩm không chỉ mang tính thẩm mỹ; nó ảnh hưởng đến nhận thức của người tiêu dùng và lòng trung thành với thương hiệu. Về mặt tâm lý, một cái tên có thể gợi lên cảm xúc, tạo ra sự liên tưởng và thậm chí định hình kỳ vọng. Khi một cái tên hấp dẫn, dễ nhớ hoặc gợi lên sự sang trọng (ví dụ: "iPhone"), nó sẽ thu hút người tiêu dùng bằng cách xây dựng mối liên hệ tiềm thức với sản phẩm.
Đây là vấn đề liên quan đến tiếp thị: các quy ước đặt tên rõ ràng và đơn giản hỗ trợ nhận diện thương hiệu và dễ lựa chọn, trong khi những cái tên phức tạp có thể khiến người mua tiềm năng mất hứng thú, khiến họ cảm thấy sản phẩm quá phức tạp hoặc khó hiểu.
Với mỗi sản phẩm mới bổ sung vào dòng sản phẩm thương hiệu, một chiến lược đặt tên mạnh mẽ, mạch lạc giúp duy trì cảm giác về dòng dõi thương hiệu. Ví dụ, trình tự đặt tên iPhone của Apple rất đơn giản, tạo cảm giác dễ đoán và đáng tin cậy.
Tên điện thoại thế nào là hay?
Hãy lấy ví dụ về Nokia 3310. Bạn có cảm thấy cái tên này nghe hay không? Có thực sự cái tên "Nokia 3310" nghe ổn, hay chúng ta tự thuyết phục mình rằng nó như vậy chỉ vì chiếc điện thoại này vốn dĩ từng rất nổi tiếng.
Dù lý do thế nào đi nữa thì trong đầu tôi có thể nghĩ ngay đến những cái tên như "Motorola Razr", hay "Siemens C55", hay "LG Chocolate", hay "Sony Ericsson T610". Không chiếc nào trong số đó có thể chụp ảnh 50 MP, nhưng tôi sẽ luôn nhớ cách gọi tên chúng.
Những chiếc điện thoại có tên gọi đặc biệt như vậy đã in trong đầu rất nhiều người. Những thương hiệu cũ này nhận ra một cái tên được lựa chọn kỹ lưỡng có thể truyền tải được lời hứa hẹn hoặc khía cạnh độc đáo của chiếc điện thoại mà không cần giải thích thêm.
Trong khi đó, người tiêu dùng ngày nay có thể dễ dàng bị mất phương hướng với số lượng lớn các thương hiệu, kiểu máy và biến thể, đặc biệt là khi các công ty đưa ra các thuật ngữ như "Pro", "Max", "Ultra" và "XL".
Một người mua điện thoại thông minh mới có thể phân biệt được giữa iPhone 16 và Galaxy S24 , nhưng việc phân biệt giữa nhiều kiểu máy trong một dòng thương hiệu, mỗi kiểu máy có những thay đổi nhỏ, có thể dẫn đến tình trạng mệt mỏi khi đưa ra quyết định.
Không thể phủ nhận cách đặt tên này cũng có lợi phần nào đó cho thương hiệu trong việc tạo cảm giác tiếc nuối cho người dùng. Khi người dùng cảm thấy như thể họ không sở hữu phiên bản "hàng đầu", nhu cầu nâng cấp vẫn tồn tại. Bằng cách đặt tên cho các mẫu máy phức tạp, các thương hiệu đã lợi dụng sự nhầm lẫn của người tiêu dùng, tạo ra áp lực tinh tế để họ nâng cấp lên mẫu máy tiếp theo với hy vọng đạt được thứ "tốt nhất".
Cách tiếp cận của Apple khi đặt tên cho điện thoại của mình, iPhone, là hợp lý khi tạo nên sự đơn giản và nhất quán. Bằng cách tuân theo một trình tự đơn giản (iPhone 1, 3G, … 16), Apple đã tạo dựng được cảm giác ổn định và uy tín xung quanh thương hiệu.
Người tiêu dùng cảm thấy yên tâm rằng họ biết mình sẽ nhận được gì khi iPhone mới ra mắt mỗi năm, cho dù đó là Pro, tiêu chuẩn hay Mini (mặc dù hiện nay đó là chuyện của quá khứ).
Nhưng sự nhất quán này cũng có thể trở thành một hạn chế trong tương lai.
Nói gì thì nói, chúng ta sẽ khó nhịn được cười khi nghe đến "iPhone 45". Số càng to thì cái tên càng trở nên thiếu nghiêm túc.
Ngày nay, hầu hết các công ty đều bị mắc kẹt trong chu kỳ phát hành hàng năm, điều này đã thúc đẩy một loạt các mẫu máy mới. Người tiêu dùng cảm thấy choáng ngợp.
Mỗi năm, một chiếc điện thoại mới có thể nhanh hơn một chút, có camera tốt hơn hoặc một vài tính năng mới, nhưng liệu nó có thực sự định nghĩa lại trải nghiệm không? Đối với tôi, hoàn toàn không.
Nếu các công ty chuyển sang chu kỳ phát hành hai năm một lần, có khả năng chúng ta sẽ thấy nhiều tiến bộ đáng kể hơn với mỗi thế hệ mới.
Ngoài ra, chúng ta sẽ có cơ hội để thở và cuối cùng tìm thấy chỗ đứng của mình trong mớ hỗn độn "Ace-Pro-Magic-XL-Galaxy-Max-Pura".