Sacombank (STB): Nợ xấu “phình to”, có hơn 9.000 tỷ đồng là nợ có khả năng mất vốn

Mạnh Đại | 08:57 05/11/2024

Ngân hàng Sacombank (STB) ghi nhận nợ xấu nội bảng “phình to” lên gần 13.000 tỷ đồng, có đến hơn 9.000 tỷ đồng là nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5), tăng 84,58% so với đầu năm. Đáng chú ý, nhà băng này lại khá “tiết kiệm” cho việc trích lập dự phòng rủi ro tín dụng trong 9 tháng đầu năm, …

Sacombank (STB): Nợ xấu “phình to”, có hơn 9.000 tỷ đồng là nợ có khả năng mất vốn

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank; HoSE: STB) vừa công bố BCTC hợp nhất quý 3/2024 và lũy kế 9 tháng đầu năm.

Theo đó, trong quý 3, nhà băng này ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 2.201 tỷ đồng, tăng 34,66% so với cùng kỳ năm 2023.

Kết quả trên có được nhờ Thu nhập lãi thuần – mảng kinh doanh cốt lõi của Sacombank đem về 6.365 tỷ đồng, tăng 1.514 tỷ đồng so với cùng kỳ, tương ứng tăng 31,21%.

Trong khi, ngoài Thu nhập dịch vụ tăng trưởng 5,07% đem về 756 tỷ đồng, các nguồn thu khác như Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối, Lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư, Lãi thuần từ hoạt động khác đều ghi nhận sụt giảm mạnh, “bốc hơi” hàng trăm tỷ đồng.

Ngoài ra, Sacombank cũng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng số tiền 1.199 tỷ đồng, tăng 44,99%.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, Sacombank báo lãi sau thuế 6.489 tỷ đồng, tăng 18,86% so với cùng kỳ năm 2023.

Tính đến thời điểm 30/9/2024, tổng tài sản của Sacombank là 702.985 tỷ đồng, tăng 4,24% so với đầu năm. Tiền gửi khách hàng đạt 556.724 tỷ đồng, tăng 9%. Trong đó, tiền gửi không kỳ hạn là 98.489 tỷ đồng, tăng 5,31%. Cho vay khách hàng đạt 525.493 tỷ đồng, tăng 8,86%.

no-xau-sacombank-stb-.png
Nguồn: BCTC

Đáng chú ý, chất lượng tín dụng của Sacombank đi xuống rõ rệt so với thời điểm đầu năm, khi nợ xấu nội bảng “phình to” 18,35% lên gần 13.000 tỷ đồng.

Cụ thể, Nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) là 1.526 tỷ đồng, tăng 2,43%; Ngược lại, Nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) giảm 47,15% xuống 2.427 tỷ đồng; Tuy nhiên, Nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) lại tăng 84,58% lên 9.045 tỷ đồng (chiếm đến 69,58% tổng nợ xấu).

Do đó, tỷ lệ nợ xấu nội bảng cũng tăng từ 2,28% hồi đầu năm, lên 2,47% vào thời điểm cuối tháng 9/2024.

Ở một diễn biến khác, trái ngược với tình hình nợ xấu “phình to”, đặc biệt là nợ có khả năng mất vốn tăng 4.145 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm.

Tuy nhiên, Sacombank chỉ trích lập dự phòng rủi ro tín dụng số tiền 2.341 tỷ đồng, giảm 25,52% so với cùng kỳ.

Có thể thấy, việc giảm trích lập dự phòng rủi ro tín dụng trong 9 tháng đầu năm, đã góp phần đáng kể vào việc giúp nhà băng này “làm đẹp” con số lãi sau thuế lũy kế 9 tháng đầu năm.

Trên thị trường chứng khoán, dù ghi nhận chất lượng tín dụng đi xuống nhưng cổ phiếu STB liên tục được các nhà đầu tư gom mạnh trong thời gian vừa qua, lập đỉnh giá cao nhất lịch sử vào phiên 23/10, ở mức 35.800 đồng/cổ phiếu.

co-phieu-stb.png
Hiện, cổ phiếu STB đang ở vùng giá cao nhất lịch sử. (Nguồn: Cafef)

Kết phiên 04/11, giá cổ phiếu STB ở mức 34.900 đồng/cổ phiếu, khối lượng cổ phiếu giao dịch khớp lệnh đạt hơn 11,3 triệu cổ phiếu.

Sacombank có gần 1 tỷ USD lợi nhuận sau thuế chưa phân phối

Tính đến thời điểm 30/9/2024, Lợi nhuận lũy kế chưa phân phối của Sacombank là hơn 24.830 tỷ đồng (tương ứng gần 1 tỷ USD), tăng 21,8% so với đầu năm. Trong đó, bao gồm 18.340 tỷ đồng từ các năm trước.

Dù có khoản lãi khổng lồ, nhưng Sacombank chưa thể chia cổ tức suốt gần 10 năm qua.

Lý do được nhà băng này đưa ra trong nhiều năm qua là vì “còn vướng mắc liên quan đến đề án tái cơ cấu”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Sacombank (STB): Nợ xấu “phình to”, có hơn 9.000 tỷ đồng là nợ có khả năng mất vốn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO