Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank; HoSE: STB) vừa công bố kết quả BCTC quý 4/2023, ghi nhận thu nhập lãi thuần - mảng kinh doanh cốt lõi đem về 5.633 tỷ đồng, giảm 6,79% so với cùng kỳ năm 2022.
Mặc dù, thu nhập từ việc cho vay khách hàng đem về cho Sacombank hơn 13.694 tỷ đồng (tăng 13,77%). Thế nhưng, chi phí mà nhà băng này phải trả lãi tiền gửi khách hàng lại tăng 34,5% so với cùng kỳ lên 8.061 tỷ đồng, khiến thu nhập lãi thuần sụt giảm đáng kể.
Theo báo cáo, trong 3 tháng cuối năm 2023, hầu hết các hoạt động kinh doanh của Sacombank đều sụt giảm so với quý 4/2022.
Cụ thể, Hoạt động dịch vụ đem về 586 tỷ đồng (giảm 33,86%); Hoạt động kinh doanh ngoại hối và vàng đem về 296 tỷ đồng (giảm 2,21%); Lãi thuần từ hoạt động khác đem về 201 tỷ đồng (giảm 67,48%).
Điểm sáng hiếm hoi về kinh doanh trong 3 tháng cuối năm 2023 của nhà băng này là Lỗ thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư là lỗ 9,5 tỷ đồng, giảm lỗ gần 10 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Chi phí hoạt động trong quý 4/2023 là 3.409 tỷ đồng, tăng 28,87% so với cùng kỳ năm 2022 (2.645 tỷ đồng).
Đáng chú ý, trong quý này Sacombank chỉ trích lập dự phòng rủi ro tín dụng số tiền hơn 544 tỷ đồng, giảm 83,45% so với cùng kỳ năm 2022 (3.287 tỷ đồng).
Dù ghi tình hình kinh doanh bết bát trong 3 tháng cuối năm 2023, nhưng với việc trích lập dự phòng rủi ro tín dụng giảm mạnh (gần 2.750 tỷ đồng) đã giúp Sacombank ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt hơn 2.258 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2022.
Luỹ kế năm 2023, Sacombank ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt 22.072 tỷ đồng, tăng 28,72% so với cùng kỳ.
Trong khi, Hoạt động dịch vụ đem về 2.617 tỷ đồng (giảm 49,6%); Thu nhập từ hoạt động khác đem về 445 tỷ đồng (giảm 84,5%): Lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư đem về 33,8 tỷ đồng, năm 2022 báo lỗ 19,9 tỷ đồng.
Năm 2023, chi phí hoạt động của Sacombank là 12.889 tỷ đồng, tăng hơn 18% so với năm 2022.
Trích lập dự phòng rủi ro tín dụng trong năm 2023 của Sacombank tiếp tục gây chú ý cho các nhà đầu tư. Cụ thể, dù tổng nợ xấu trong năm tài chính 2023 tăng hơn 2,5 lần so với đầu năm, lên gần 11.000 tỷ đồng nhưng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng của nhà băng này là 3.688 tỷ đồng, giảm tới 58,47% so với năm trước (8.881 tỷ đồng).
Kết quả, luỹ kế năm tài chính 2023, Sacombank ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 7.718 tỷ đồng, tăng 53,13% so với năm trước. Đây là mức lợi nhuận sau thuế cao nhất của nhà băng này đạt được trong một năm tài chính kể từ trước tới nay.
Tính đến ngày 31/12/2023, tổng tài sản của Sacombank là 674.389 tỷ đồng, tăng 13,92% so với đầu năm. Trong đó, Tiền gửi của khách hàng là 510.744 tỷ đồng (tăng 12,32%). Cho vay khách hàng đạt 482.731 tỷ đồng (tăng 10%).
Tổng nợ xấu nội bảng của Sacombank tính đến cuối năm 2023 là 10.984 tỷ đồng, tăng hơn 2,5 lần so với đầu năm (4.298 tỷ đồng). Trong đó, Nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) là 1.490 tỷ đồng, tăng 165%; Nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) là 4.593 tỷ đồng, tăng gần 6,3 lần; Nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) là 4.900 tỷ đồng, tăng 63%.
Trong khi các nhóm nợ xấu đều tăng mạnh so với đầu năm, thì Nợ cần chú ý (nợ nhóm 2) của Sacombank lại giảm 36% xuống 3.505 tỷ đồng.
Tổng nợ xấu tăng mạnh, khiến tỷ lệ nợ xấu nội bảng của Sacombank tăng mạnh từ 0,98% hồi đầu năm lên 2,28% vào thời điểm cuối năm 2023.
Trên thị trường chứng khoán, kết phiên sáng 02/02, giá cổ phiếu STB ở mức 29.850 đồng/cổ phiếu, tăng nhẹ 0,17% so với phiên giao dịch trước đó, khối lượng cổ phiếu giao dịch khớp lệnh đạt hơn 4,7 triệu đơn vị.