Thế mạnh riêng có của doanh nghiệp Việt
Tại Việt Nam, sản xuất thủ công mỹ nghệ (TCMN) truyền thống không chỉ là một hoạt động nghệ thuật của sự sáng tạo, mà còn là một hoạt động kinh tế. Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam là quốc gia có nhiều tiềm năng xuất khẩu trong khi đây là một trong những mặt hàng luôn có nhu cầu nhập khẩu cao trên trường quốc tế.
Theo đó, Việt Nam sở hữu nền văn hóa đa màu đa sắc cùng nguồn lao động dồi dào, lành nghề. Với lợi thế đó, ngành hàng TCMN của Việt Nam đã phát triển với nhiều sản phẩm đa dạng.
Các mặt hàng TCMN xuất khẩu chính sang các quốc gia khác là ví, vali, túi, mũ, ô, dù; đồ chơi, dụng cụ thể thao; hàng gốm sứ; sản phẩm mây, tre, cói, thảm; gỗ mỹ nghệ. Trong đó mặt hàng đặc trưng nhất là các sản phẩm từ mây đan tre, gốm sứ và hàng thêu thủ công.
Những năm qua, TCMN liên tục thuộc top 10 mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này mang lại nhiều giá trị cho nền kinh tế và dự báo sẽ là ngành mũi nhọn để đẩy mạnh và mở rộng xuất khẩu trong vài năm tới.
Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu hàng TCMN đạt 2,35 tỷ đô la Mỹ. Bất chấp ảnh hưởng của đại dịch, ngành thủ công mỹ nghệ vẫn giữ vững mức tăng trưởng xuất khẩu bình quân khoảng 10%/năm.
Một số mặt hàng có giá trị kim ngạch xuất khẩu lớn có thể kể đến như: Các sản phẩm gốm sứ đạt 539 triệu USD, Sản phẩm mây tre cói thảm đạt 484 triệu USD; Sản phẩm thêu, dệt thủ công đạt 139 triệu USD;…
Hiện nay, Mỹ là thị trường tiêu thụ lớn nhất với doanh số chiếm 35% kim ngạch xuất khẩu hàng năm. Tiếp đó là những cái tên lớn quen thuộc như Nhật Bản, EU, Úc, Hàn Quốc. Ngoài ra, Thái Lan, Đài Loan, Ấn Độ, Nga, Chile, Nauy cũng là những thị trường mới nổi tiềm năng.
Cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu qua hình thức trực tuyến
Hiện nay, một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ là mở rộng hoạt động xuất khẩu các sản phẩm TCMN của Việt Nam. Nâng cao cải thiện giá trị thương mại của sản phẩm đồng thời phát triển thị trường xuất khẩu là hai giải pháp cơ bản để phát triển lâu dài và ổn định lĩnh vực này.
Theo Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam (VIETCRAFT), cứ 1 triệu USD xuất khẩu của ngành thủ công mỹ nghệ mang lại lợi nhuận gấp 5 đến 10 lần so với ngành khai thác. Vì vậy, mặt hàng này được dự báo có tăng trưởng xuất khẩu đạt trên 12%/năm, kim ngạch xuất khẩu có thể đạt 4 tỷ USD vào năm 2025.
Bên cạnh các phương thức bán hàng truyền thông, nhiều doanh nghiệp TCMN trong nước đã nhanh chóng tiếp cận cách thức bán hàng mới thông qua các nền tảng thương mại điện tử B2B như amazon, alibaba, ebay,..
Có thể dẫn chứng trường hợp Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển sáng tạo Đông Dương, với thương hiệu Viettime Craft là doanh nghiệp đã đạt được những thành công đáng kể trong việc xuất khẩu B2B trực tuyến trên nền tảng Alibaba.com.
Theo đó, nền tảng Alibaba.com hiện đánh giá Viettime Craft là Nhà cung cấp được xác minh thành công nổi bật trên nền tảng này.
Được biết, Viettime Craft là doanh nghiệp được thành lập từ năm 2007, chuyên sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ (sọt, rá, đồ sơn mài,..) tại Việt Nam, thông qua nền tảng thương mại điện tử B2B trực tuyến Alibaba.com, các sản phẩm của Viettime Craft đã được xuất khẩu và nhận được sự đón nhận của khách hàng từ Châu Âu, Hoa Kỳ, Úc, Châu Á… trong những năm qua.
Bà Hoàng Thanh Tâm - Giám Đốc Điều Hành Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển sáng tạo Đông Dương, chia sẻ: “Từ khi trở thành Nhà cung cấp được xác minh, số lượng khách đến cửa hàng Alibaba.com của chúng tôi mỗi tháng dao động từ 20.000 đến 30.000, với 300 đến 400 yêu cầu nhận hàng mỗi tháng, những chỉ số này đang gấp 6 lần trung bình ngành hàng trên Alibaba.com và giá trị giao dịch của chúng tôi đã đạt 5 triệu USD”.
Trước những cơ hội xuất khẩu mở ra cho các doanh nghiệp TCMN trong nước, trong một hội thảo mới đây, lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam hiện nay đang đặt ra nhiều cơ hội và thách thức cho các doanh nghiệp TCMN và bản thân các doanh nghiệp cần không ngừng nỗ lực hơn nữa trong việc tiếp cận những phương thức bán hàng mới.
Đối với câu chuyện này, bà Hoàng Thanh Tâm cho biết để tăng cường việc xuất khẩu nền tảng Alibaba.com, doanh nghiệp đã phải rất nỗ lực để trở thành Nhà cung cấp được xác minh.
“Viettime Craft đã phải trải quá trình đánh giá của một đơn vị kiểm định quốc tế, bao gồm việc xem xét đến 100 tiêu chí nằm trong 8 danh mục là: Đảm bảo hậu mãi, Hồ sơ công ty, Sản phẩm chính, Chất lượng quản lý, Khả năng sản xuất, Khả năng nghiên cứu và phát triển, Khả năng Dịch vụ và Khả năng của chuỗi cung ứng. Việc đánh giá này được thực hiện bởi một trong những tổ chức chứng nhận danh tiếng hàng đầu thế giới là SGS”, bà Hoàng Thanh Tâm chia sẻ kinh nghiệm.