Rạng Đông Group “lỡ hẹn” tại Dự án sân bay Phan Thiết

Đinh Tịnh - Quang Minh | 09:19 23/11/2023

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có Công văn số 9513/BKHĐT-QLĐT gửi UBND tỉnh Bình Thuận liên quan hình thức lựa chọn nhà đầu tư Dự án BOT Cảng hàng không Phan Thiết, hạng mục hàng không dân dụng (Dự án sân bay Phan Thiết). Qua đó, chấm dứt hợp đồng BOT với Công ty cổ phần (CTCP) Rạng Đông và đưa ra cơ chế lựa chọn nhà đầu tư mới cho Dự án Cảng hàng không Phan Thiết.

Rạng Đông Group “lỡ hẹn” tại Dự án sân bay Phan Thiết
Phối cảnh Dự án Cảng hàng không Phan Thiết.

Thời gian hoàn vốn tới 45 năm khiến dự án rủi ro cao

Theo Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT), tại hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án dự báo công suất của Cảng hàng không Phan Thiết giai đoạn đến năm 2030 dự kiến khoảng 2 triệu lượt hành khách/năm (tương đương khoảng 800 hành khách/giờ cao điểm), trong đó áp dụng phương pháp tỷ lệ dự báo quốc gia (quy mô GRDP, quy mô dân số) kết hợp xét đoán chuyên gia.

Tuy nhiên, hồ sơ chưa bao gồm các số liệu dự báo, lưu lượng vận tải hàng khách, hàng hóa chi tiết cho từng năm làm cơ sở tính toán phương án tài chính; chưa bao gồm các dự báo dẫn suất (hoạt động của máy bay theo lượt, năm, giờ cao điểm…).

“Đề nghị tư vấn rà soát các số liệu trong công tác dự báo. Phương pháp tính toán dự báo tỷ lệ tăng trưởng vận chuyển hành khách hàng không cần căn cứ trên quy mô, vị trí địa lý, tình hình phát triển kinh tế xã hội vùng và phải được xem xét tổng thể trong việc phát triển chung của các lĩnh vực vận tải khác và các quy hoạch có liên quan của các địa phương”, ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ GTVT đánh giá

Liên quan đến phần vốn tín dụng cho dự án, ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, nhu cầu vốn tín dụng của Dự án chiếm 85% nguồn vốn BOT. Như vậy, nguồn vốn thực hiện Dự án chủ yếu phụ thuộc vào vốn tín dụng trong khi công trình có thời gian hoàn vốn lên tới 45 năm khiến rủi ro cao, bởi theo hồ sơ, phương án trả nợ của Dự án chỉ bao gồm khấu hao và lợi nhuận ròng, trong khi nguồn trả nợ này không đủ khả năng trả nợ trong 8 năm đầu khai thác.

san-bay-phan-thiet-thang-6-202-3844-8388-1687775937(1).jpg
Toàn cảnh sân bay Phan Thiết

Về vấn đề chọn lại nhà đầu tư, đại diện Bộ Tài chính cho biết, khoản 4, Điều 101, Luật PPP quy định: “Hợp đồng dự án được ký kết trước ngày luật này có hiệu lực thi hành được tiếp tục thực hiện theo quy định của hợp đồng dự án”. Hợp đồng dự án đã được UBND tỉnh Bình Thuận ký kết với nhà đầu tư là Công ty cổ phần Rạng Đông, do đó, UBND tỉnh Bình Thuận và nhà đầu tư có trách nhiệm tiếp tục triển khai các nội dung hợp đồng đã ký.

Tuy nhiên, theo nội dung Văn bản số 6298/BKHĐT-GSTĐĐT ngày 7/8/2023 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) về việc lấy ý kiến đề xuất điều chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án, hồ sơ do UBND tỉnh Bình Thuận trình có đề cập đến việc kết thúc Hợp đồng dự án đã ký kết với nhà đầu tư.

Chấm dứt hợp đồng BOT sân bay Phan Thiết trước thời hạn theo luật PPP

Mới đây, KHĐT chính thức có Công văn số 9513/BKHĐT-QLĐT gửi UBND tỉnh Bình Thuận liên quan hình thức lựa chọn nhà đầu tư Dự án BOT Cảng hàng không Phan Thiết, hạng mục hàng không dân dụng (Dự án sân bay Phan Thiết) cho biết: Hợp đồng dự án được ký kết giữa UBND tỉnh Bình Thuận và Công ty cổ phần Rạng Đông ngày 20/9/2015, trước thời điểm Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) có hiệu lực thi hành.

Theo quy định tại khoản 4, Điều 101, Luật PPP, hợp đồng dự án được ký kết trước ngày luật này có hiệu lực thi hành được tiếp tục thực hiện theo quy định của hợp đồng Dự án.

Bên cạnh đó, khoản 1, Điều 52, Luật PPP quy định các trường hợp chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, trong đó, có trường hợp khác do hoàn cảnh thay đổi cơ bản theo quy định của pháp luật về dân sự. Khoản 2, Điều 422, Luật Dân sự năm 2015 quy định hợp đồng chấm dứt theo thoả thuận của các bên.

“Do vậy, đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận chỉ đạo rà soát các trường hợp và điều kiện, thủ tục chấm dứt hợp đồng dự án trước thời hạn theo quy định của hợp đồng và căn cứ các quy định nêu trên của Luật PPP, Bộ luật Dân sự để xem xét chấm dứt hợp đồng Dự án trước thời hạn”, Công văn số 9513 nêu rõ.

Về thẩm quyền quyết định việc chấm dứt hợp đồng Dự án, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tại điểm b, khoản 2, Điều 89, Luật PPP, đối với dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định chấm dứt hợp đồng dự án PPP.

Căn cứ quy định nêu trên, UBND tỉnh Bình Thuận cần bổ sung giải trình về nội dung này theo yêu cầu của Hội đồng Thẩm định liên ngành để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định đồng thời việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án và chấm dứt hợp đồng trước thời hạn đối với Công ty cổ phần Rạng Đông.

Trước đó, do thay đổi về quy mô đầu tư, làm ảnh hưởng đến phương án tài chính Dự án, nên vào giữa tháng 7/2023, UBND tỉnh Bình Thuận và Công ty cổ phần Rạng Đông đã ký văn bản thỏa thuận chấm dứt hợp đồng trước thời hạn theo quy định hợp đồng và Bộ luật Dân sự.

Hệ sinh thái khủng của ông chủ Tập đoàn Rạng Đông

Được biết, CTCP Rạng Đông (sau đổi tên là Tập đoàn Rạng Đông) của gia đình ông Nguyễn Văn Đông đã trúng thầu hợp đồng BOT xây dựng sân bay Phan Thiết từ năm 2016, có tổng mức đầu tư 1.548,6 tỷ đồng. Thời gian thu phí hoàn vốn là 70 năm. Thời gian xây dựng dự án 3 năm. Công trình đã được khởi công 2015, theo kế hoạch phải hoàn thành năm 2018.

Đến tháng 8/2020, Tập đoàn này đã khởi công xây dựng đoạn đường 1 km từ trung tâm sân bay Phan Thiết dự kiến kết nối với trục đường chính Võ Nguyên Giáp.

Tại Bình Thuận, Rạng Đông Group của doanh nhân Nguyễn Văn Đông (sinh năm 1962), là tập đoàn đa ngành lớn nhất tỉnh. Tiền thân Tập đoàn Rạng Đông là tổ hợp xây dựng số 4, được thành lập từ đầu năm 1991 với quy mô nhỏ chỉ 5 người và trụ sở đầu tiên được đặt tại xã Măng Tố, tỉnh Bình Thuận. Sau 4 năm sau, một phần của Tổ hợp được chuyển xuống thị xã Phan Thiết và đổi tên thành Xí nghiệp Xây lắp Rạng Đông với 120 lao động.

Đến năm 2007, CTCP Rạng Đông chính thức ra đời, đánh dấu cho quá trình đi lên và phát triển mới: Sở hữu 15 công ty thành viên, trên 3.000 lao động và hơn 300 dự án đã hoàn thành, tính đến thời điểm hiện tại.

Cuối tháng 8/2016, Rạng Đông Group có vốn điều lệ 1.100 tỉ đồng, do ông Nguyễn Văn Đông, Chủ tịch HĐQT Rạng Đông Group sở hữu 96% vốn, cổ đông Huỳnh Tịnh Túy nắm 2%, phần còn lại không rõ chủ sở hữu.

Đầu tháng 10/2019, Rạng Đông Group tăng vốn điều lệ lên gần 2.436 tỉ đồng, ông Nguyễn Văn Đông nắm 97%. Tổng Giám đốc và người đại diện pháp luật được biết đến là ông Nguyễn Ngọc Lân (trước đó vị trí này do ông Nguyễn Ngọc Đông đảm nhiệm).

Cập nhật tại ngày 24/6/2019, CTCP Rạng Đông có quy mô vốn điều lệ lên tới 1.804 tỷ đồng. Trong đó, Chủ tịch Nguyễn Văn Đông góp 1.749,8 tỷ đồng, sở hữu tới 97% vốn điều lệ. Đến tháng 10/2019, CTCP Rạng Đông tiếp tục nâng vốn điều lệ lên mức 2.435,65 tỷ đồng, người đại diện theo pháp luật được đổi sang cho Tổng giám đốc Nguyễn Ngọc Lân (SN 1977).

Đến ngày 30/6/2020, công ty này đã nâng vốn điều lệ lên tới 3.137,9 tỷ đồng. Tính đến tháng 8/2021, Tập đoàn Rạng Đông có vốn điều lệ 4.500 tỷ đồng.

Đến cuối năm 2021 bà Trịnh Thị Phương Hiền (SN 1981, TP Phan Thiết, Bình Thuận) là người đại diện theo pháp luật.

Trong lĩnh vực xây lắp, CTCP Rạng Đông là chủ đầu tư dự án BOT cầu Phú Hài, bắt đầu thu phí từ tháng 5/2004 và kéo dài tới tháng 10/2021. Tuy nhiên, công ty này đã xin dừng thu phí trước hạn 4 năm.

Bên cạnh đó, Công ty con thuộc hệ sinh thái Rạng Đông Group là Công ty TNHH MTV XDCB Rạng Đông cũng trúng gói thầu Xây lắp toàn bộ công trình (không bao gồm phần lắp đặt điều hòa) thuộc dự án “Xây dựng mới Trụ sở làm việc Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận” với giá trúng thầu là 100,36 tỷ đồng (giá gói thầu 100,52 tỷ đồng).

Ngoài ra, Rạng Đông Group còn thi công các dự án khác, góp phần chỉnh trang đô thị thành phố biển như Công viên Võ Văn Kiệt, Quốc lộ 55…

sealinks-1677851831.jpg
Khu phức hợp nghỉ dưỡng Sea Links City được coi là một khu nghỉ dưỡng xanh của Tp. Phan Thiết

Trong lĩnh vực bất động sản, Rạng Đông Group là chủ đầu tư một loạt dự án bất động sản đáng chú ý tại Bình Thuận như: Khu phức hợp nghỉ dưỡng Sea Links City rộng 167 ha tại địa chỉ Km 09 Nguyễn Thông, phường Phú Hài, TP.Phan Thiết (hay còn gọi là dự án Sân Golf Sea Link Phan Thiết); Dự án khu dân cư Rạng Đông rộng 8 ha thuộc địa bàn xã Hàm Liên, huyện Hàm Thuận Bắc; Dự án Khu công nghiệp Sông Bình quy mô 300ha, tại xã Sông Bình, huyện Bắc Bình.

Trong lĩnh vực khai khoáng, Rạng Đông Group là chủ đầu tư dự án Khai thác khoáng sản cát bồi nền Hàm Kiệm 4 (thôn Dân Bình, xã Hàm Kiệm, trữ lượng 101.768 m3); Khai thác khoảng sản mỏ đá xây dựng Tân Hà (xã Tân Hà, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận).

Ngoài ra, "hệ sinh thái" Rạng Đông Group còn nhiều cái tên khác đáng lưu ý như: Công ty TNHH MTV Sealinks City, Công ty Khu nghỉ mát Phan Thiết, CTCP Khoáng sản Sông Bình, Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Đại Phúc, Công ty TNHH Tư vấn tài chính và Bất động sản Toàn Cầu, Công ty TNHH BOT Cảng hàng không Phan Thiết, CTCP Đầu tư tổng hợp Long Sơn, CTCP Đầu tư Thương mại Quang Minh, Công ty TNHH Khoáng sản Rạng Đông, CTCP Tổng hợp Sunrise.

Không chỉ bành trướng về quy mô, kết quả kinh doanh của những công ty thành viên của Rạng Đông Group cũng rất tốt khi đều đặn thu về hàng nghìn tỷ doanh thu và báo lãi trăm tỷ đồng mỗi năm.

Cụ thể, năm 2019, công ty này ghi nhận doanh thu thuận đạt 1.831,75 tỷ đồng, đồng thời báo lãi thuần 311,98 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 29,1% và 131% so với năm 2018. Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của CTCP Rạng Đông đạt tới 6.151,11 tỷ đồng, quy mô vốn chủ sở hữu cũng lên tới 3.468,5 tỷ đồng.

Một cái tên khác cũng rất đáng chú ý trong hệ sinh thái Rạng Đông Group là Công ty Khu đô thị Du lịch biển Phan Thiết (Du lịch biển Phan Thiết). Năm 2019, công ty này ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.747 tỷ đồng và báo lãi thuần 319,19 tỷ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận thuần đạt tới 18,2%. Tính đến cuối năm 2019, quy mô tổng tài sản của Du lịch biển Phan Thiết đạt tới 3.636,26 tỷ đồng.

Không những vậy, doanh nhân Nguyễn Văn Đông và Rạng Đông Group cũng là ông chủ kín tiếng tại Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) khi từ cuối năm 2015, ông Đông đã mua 9,34% cổ phần và trở thành cổ đông lớn tại ngân hàng này.

Tuy nhiên, đến tháng 7/2021, Rạng Đông Group bất ngờ giảm sở hữu cổ phiếu VAB từ 32,69 triệu đơn vị, tương đương 7,35% vốn của VietABank xuống còn 21,72 triệu cổ phiếu, tương đương 4,88% vốn, qua đó không còn là cổ đông lớn của ngân hàng. Như vậy, sau khi Rạng Đông Group thoái vốn thì VietABank chỉ còn một cổ đông lớn là Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Việt Phương.

Những lùm xùm xung quanh bất động sản Tập đoàn Rạng Đông

Theo tìm hiểu, trước đó vào năm 2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã có văn bản số 3430/VPCQCSĐT gửi UBND TP.Phan Thiết về việc cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc thực hiện 9 dự án trên địa bàn thành phố, trong đó có 3 dự án của Tập đoàn Rạng Đông là Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết, dự án Sea Links Mũi Né và Khu du lịch Xuân Quỳnh.

Tại khu phức hợp Sea Links City được xây dựng trên tổng diện tích 154ha với mức đầu tư 2.000 tỷ đồng và được chính thức đưa vào hoạt động năm 2010. Đây là một khu nghỉ dưỡng xanh gồm nhiều tiểu khu như Sealink resort, Sealink villa, Ocean Vista, Ocean Dunes. Quy mô dự án gồm khách sạn 200 phòng cao cấp, 315 căn biệt thự, 557 căn hộ cao cấp Ocean Vista, 187 căn biệt thự Royal Hill, khu dân cư Đông Xuân An 957 nền đất...

Dự án Khu du lịch Xuân Quỳnh có diện tích 24.150m2. Dự án này được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư đã gần 20 năm nhưng đến nay việc tiến hành xây dựng rất chậm. UBND tỉnh Bình Thuận đã nhiều lần nhắc nhở dự án này.

Nhưng đáng chú ý hơn cả là dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết với quy mô hơn 60ha và những “lùm xùm” xung quanh dự án này. Đây là Khu đô thị có vị trí “đắc địa” bậc nhất của TP.Phan Thiết khi một mặt giáp bãi biển đồi dương, các mặt còn lại giáp khu dân cư và 2 trục đường lớn là Nguyễn Tất Thành, Tôn Đức Thắng.

khudulichphanthiet-1677851950(1).jpg
Dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết

Dự án có nguồn gốc từ sân golf Phan Thiết cũ. Vào năm 1994 tỷ phú Larry Hillblom đến Việt Nam và xin phép xây dựng một sân golf đạt tiêu chuẩn quốc tế tại đây. Sau khi ông Larry Hillblom qua đời, dự án sân golf Phan Thiết được bán lại cho 2 chủ đầu tư nước ngoài khác.

Tuy nhiên, sau đó Rạng Đông Group đã bất ngờ mua lại sân golf này để kinh doanh, đến năm 2013, Tập đoàn Rạng Đông đã được UBND tỉnh Bình Thuận chấp nhận chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất ở khu đô thị với lý do kinh doanh thua lỗ và dự án sân golf Phan Thiết làm hạn chế sự phát triển của Tp. Phan Thiết.

Vì thế, từ tháng 4/2015, Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết chính thức khởi công trên nền sân golf cũ hơn 62ha và trở thành một trong những dự án trọng điểm của tỉnh Bình Thuận. Theo thiết kế ban đầu, dự án gồm 7 cao ốc cao 20 - 40 tầng, nhiều dãy biệt thự, nhà phố sang trọng.

Tổng mức đầu tư cho dự án trên 2.600 tỷ đồng và dự kiến hoàn thành khoảng 6 năm, có thể phục vụ khoảng 10.000 người, bao gồm 6.000 người sinh sống ổn định và 4.000 khách du lịch.

Dự án này cũng vướng “lùm xùm” liên quan đến việc tính tiền sử dụng đất quá thấp so với giá thị trường, giá đất bình quân giá đất bình quân Rạng Đông nộp chỉ 2,5 triệu đồng/m2. Trong khi đó, giá đất khu vực quanh dự án thời điểm đó thấp nhất từ 10 triệu đồng/m2 đến 24 triệu đồng/m2.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Có thể bạn quan tâm
Sau tuần giá vàng giảm mạnh, giới phân tích và đầu tư bỗng 'chia rẽ' quan điểm
Thị trường vàng đã trải qua một tuần rớt thê thảm khi mất hơn 2%, đánh dấu tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 12/2023. Mặc dù vậy, nhìn lướt qua biểu đồ giá hàng tuần cho thấy hầu hết mức giảm rơi vào gần cuối tuần, khi các nhà giao dịch bán kiếm lời sau khi giá tăng vào đầu tuần, và tăng trở lại vào thứ Sáu, sau dữ liệu lạm phát của Mỹ.
Rạng Đông Group “lỡ hẹn” tại Dự án sân bay Phan Thiết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO