Mỹ phẩm của người Việt vang bóng một thời
Những năm cuối thập niên 50 của thế kỉ trước, khi thị trường trong nước tràn ngập các loại mỹ phẩm đến từ Pháp, một người phụ nữ tên Lan Hảo đã tạo ra các loại kem dưỡng da từ nguyên liệu tự nhiên sẵn có trong nước. Thời gian đầu, mỹ phẩm Lan Hảo không được người tiêu dùng đón nhận vì mùi hương giống với vị thuốc bắc, thiết kế bao bì kém bắt mắt so với các đối thủ từ Pháp.
Bà chủ Lan Hảo lúc này đã có bước đi đầy khôn ngoan, bà huy động con cháu, người thân,... ra các cửa hàng bách hóa tìm mua kem Lan Hảo. Điều này đã khiến các chủ cửa hàng phải để ý tới thương hiệu này và sau đó tìm mua kem về bán. Từ đó, mỹ phẩm Lan Hảo bắt đầu bước chân vào thị trường mỹ phẩm miền Nam.
Năm 1961, Công ty Lan Hảo chính thức được thành lập với các dòng sản phẩm mang thương hiệu Thorakao. Logo của thương hiệu này là một thiên thần được vẽ cách điệu, thể hiện thông điệp tác dụng sản phẩm đem lại làn da trắng mịn và trẻ đẹp như thiên thần.
Thời bấy giờ, 2 ưu điểm của Thorakao là chất lượng tốt và giá phải chăng, thị trường lại ít đối thủ cạnh tranh do đó các sản phẩm của hãng nhanh chóng trở nên có tiếng ở Sài thành.
Đến năm 1969, công ty đã mở 6 chi nhánh ở miền Nam và một chi nhánh ở Campuchia. Thời kỳ đỉnh cao, Thorakao là một trong những thương hiệu mỹ phẩm số một trong nước và có tầm ảnh hưởng ở thị trường bán đảo Đông Dương.
Thorakao định hướng ngay từ đầu là thương hiệu có nền tảng mạnh về nghiên cứu và chế tạo sản phẩm mới, ngay từ năm 1968, Thorakao đã có bằng sáng chế đầu tiên của mình.
"Ở Thorakao chúng tôi có hàng trăm phát minh, sáng chế", ông Huỳnh Kỳ Trân - con rể bà Lan Hảo, người kế nghiệp mỹ phẩm Thorakao từng tự hào chia sẻ với truyền thông.
Dần bị đánh bật khỏi các kệ hàng nhưng kiên quyết từ chối bán mình
Đến đầu những năm 1990, đất nước mở cửa, các thương hiệu mỹ phẩm ngoại ồ ạt tràn vào thị trường Việt Nam. Nhờ có nguồn lực tài chính cùng kinh nghiệm làm thị trường cũng như công nghệ sản xuất hiện đại, bao bì bắt mắt và chiến lược marketing chuyên nghiệp, các thương hiệu mỹ phẩm ngoại đã dễ dàng chiếm được thị phần trong nước.
Ở chiều ngược lại, Thorakao quan tâm tới việc phát triển sản phẩm nhưng bao bì, mẫu mã không bắt mắt đã từng bước bị đánh bật khỏi các gian hàng ở khu vực thành thị.
Sản phẩm Thorakao lùi về các vùng nông thôn vì giá rẻ phù hợp với thu nhập, mặc dù vậy cho đến nay vẫn không còn quá phổ biến và không được giới trẻ ưa chuộng.
Trên thực tế, như một số thương hiệu Việt vang bóng khác, nhiều tập đoàn đa quốc gia khi vào Việt Nam đã đến gặp ông Huỳnh Kỳ Trân đặt vấn đề mua lại hoặc mời Thorakao liên doanh. Ngay từ lúc đó, ông Trân đã một mực từ chối.
Người con rể của bà Lan Hảo giải thích với truyền thông: "Gia đình tôi luôn kiên định lập trường là dù thế nào đi nữa cũng phải cố gắng giữ gìn nghề gia truyền, xem đó là tài sản quý để lại cho các con thay vì bán đi để dành tiền cho chúng. Vì thế, chúng tôi đã từ chối mọi lời đề nghị mua lại Thorakao".
Năm 2013, một thương hiệu ngoại đã ngỏ lời mua Thorakao với giá 30 triệu USD và bị ông Trân từ chối. Theo ông, nếu chỉ nhìn vào những lợi nhuận trước mắt doanh nghiệp ngoại đưa ra để thuyết phục mà chấp thuận, thì vô tình mình đang bán chính mồ hôi, công sức của gia đình, bản thân với giá rẻ và sẽ phải nuối tiếc suốt đời.
Vẫn có con đường riêng
Mặc dù vậy, không như những thương hiệu Việt từng vang bóng rồi giờ biến mất hoặc bán mình cho DN ngoại, Thorakao vẫn có con đường riêng của mình.
Lợi thế lớn nhất của Thorakao hiện nay là tận dụng nguồn nguyên liệu tự nhiên sẵn có ở Việt Nam như bạc hà, sả, hồi, nghệ, bồ kết, gừng, chanh, bưởi, dưa leo, gấc, nha đam, chùm ngây… nhờ đó giúp giảm giá thành. Sản phẩm của Thorakao được bán với mức giá rất hợp lý so với các sản phẩm cùng loại trên thị trường.
Hiện nay công ty có gần 100 sản phẩm bao gồm các chủng loại dùng chăm sóc da, chăm sóc tóc, chăm sóc cơ thể.... Trong khi mọi thứ đều đắt đỏ lên cùng với sự phát triển về kinh tế xã hội thì đa phần các sản phẩm của Thorakao vẫn duy trì mức giá dưới 100.000 đ/sp.
Pháp nhân đứng sau thương hiệu Thorakao hiện nay là Công ty TNHH SX Mỹ Phẩm Lan Hảo, thành lập năm 1995. Địa chỉ công ty đặt tại 241 bis Cách Mạng Tháng 8, phường 4, quận 3, TP Hồ Chí Minh.
Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của công ty hiện nay là bà Võ Thị Ánh Nguyệt (1954).
Vốn điều lệ mới nhất của công ty là 45 tỷ đồng, trong đó ông Huỳnh Kỳ Trân chiếm 83,55%.
Hiện tại, công ty đã đầu tư mở rộng nhà máy tại thành phố Hồ Chí Minh lên 50.000m2 với những cụm nhà máy và trang thiết bị hiện đại đáp ứng nhu cầu cạnh tranh.
Ngoài thương hiệu mỹ Phẩm Thorakao, Công ty cũng sở hữu nhiều thương hiệu nổi tiếng khác có tiếng trên thị trường nước ngoài như: Singapore, Ðài Loan, Campuchia, Lào, Trung Quốc, Hàn Quốc, Úc, New Zealand, Thụy Sỹ, Mỹ, Ả Rập Saudi, DuBai, Ai Cập, Nga, các nước Châu Phi…
Theo bài phỏng vấn vào năm 2018, lãnh đạo Thorakao cho biết, tỉ lệ sản phẩm Thorakao trong nước chỉ bằng 1/10 so với sản phẩm phân phối ở nước ngoài, nghĩa là hiện nay doanh số nội địa thấp hơn nhiều so với xuất khẩu.
Qua bao biến động thời cuộc, không chịu được sức ép cạnh tranh từ các luồng vốn nước ngoài, phần lớn các công ty mỹ phẩm Việt Nam phá sản hoặc chuyển sang lĩnh vực khác. Trong số ít thương hiệu còn tồn tại, Thorakao là cái tên hiếm hoi trụ vững và quyết không bán mình.