Ukraine có thể bắt đầu xuất khẩu khí đốt sinh học (biomethane) sang châu Âu vào tháng 11 sau khi tích trữ đủ lượng trong kho dự trữ và đào tạo đủ nhân sự, tờ Ukrinform dẫn lời Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Hiệp hội năng lượng sinh học Ukraine (GTSOU) Heorhiy Geletukha cho biết.
Đầu tháng này, Ukraine đã chính thức cho phép các nhà sản xuất trong nước xuất khẩu khí sinh học sang Liên minh châu Âu (EU) qua hệ thống truyền tải khí đốt thông qua các đầu mối kết nối với 4 quốc gia EU.
Theo ông Heorhiy Geletukha, hiện Ukraine có 7 nhà máy biomethane, dự kiến sẽ hoạt động vào cuối năm 2024. Trong đó, có 2 nhà máy sản xuất biomethane hóa lỏng và không cần kết nối với hệ thống truyền khí. Còn 5 nhà máy sẽ được kết nối với mạng lưới khí đốt, trong đó 1 kết nối với GTSOU và 4 kết nối với mạng lưới phân phối.
Ngoài ra, luật xuất khẩu khí sinh học quy định khí phải được bơm vào các cơ sở lưu trữ trước trong một tháng. Vì lý do này, các nhà sản xuất biomethane của Ukraine phải làm quen với nền tảng GTSOU, cũng như nghiên cứu các cơ chế xuất khẩu.
“Tôi nghĩ sẽ mất một thời gian nữa. Sau đó, các nhà sản xuất khí sinh học sẽ bơm khí trong một tháng. Vào tháng 11, một số nhà máy sẽ tích lũy được lượng khí sinh học cần thiết và sẽ sẵn sàng xuất khẩu”, ông Geletukha kỳ vọng.
Theo ước tính của ông Georgii Geletukh, khi cả 7 nhà máy khí sinh học đi vào hoạt động ổn định, Ukraine có thể sản xuất 111 triệu m3 khí mỗi năm. Hai nhà máy sẵn sàng đi vào hoạt động sớm nhất có thể sản xuất tổng cộng 6 triệu m3 khí mỗi năm.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho biết, vẫn còn quá sớm để đưa ra dự báo về ngành sản xuất khí sinh học Ukraine trong năm 2025, vì các nhà đầu tư còn phải chờ đợi kết quả của các hoạt động xuất khẩu đầu tiên này.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EBA), biomethane là khí sinh học tinh khiết và có thể được sử dụng trong các lĩnh vực như nhiên liệu sưởi ấm, phát điện và vận tải. Quan trọng hơn, nó có thể được tích hợp vào cơ sở hạ tầng khí đốt hiện có mà không phải tốn thêm chi phí cho các mạng lưới mới. Do đó, nguồn tài nguyên này không chỉ mang lại lợi nhuận mà còn có thể sử dụng rộng rãi.
EBA cho biết, với nguồn tài nguyên nông nghiệp dồi dào, Ukraine có vị thế tốt để đáp ứng một phần đáng kể nhu cầu năng lượng tái tạo của châu Âu thông qua sản xuất khí sinh học.
Ngoài ra, khí sinh học có thể thay thế khí tự nhiên. Điều này sẽ góp phần giúp Ukraine và EU củng cố độc lập về năng lượng bằng cách giảm phụ thuộc vào nhập khẩu từ Nga.
Trước xung đột Nga-Ukraine, gần 150 tỉ m3 khí đốt tự nhiên của Moscow chảy qua hàng nghìn km đường ống thuộc lãnh thổ Ukraine để đi vào châu Âu. Sau khi xung đột nổ ra vào tháng 2/2022, các quốc gia EU giảm dần phụ thuộc vào nguồn cung từ Nga. Đến nay, lượng khí đốt tự nhiên nhập khẩu từ Nga vào châu Âu đã giảm hơn 90%.
Cuối năm nay, thoả thuận vận chuyển khí đốt 5 năm giữa Ukraine và Nga ký vào năm 2019 sẽ hết hạn. Đây là thỏa thuận thương mại và chính trị duy nhất còn lại giữa Moscow và Kiev. Theo tính toán, Nga có thể thiệt hại 6,5 tỷ USD/năm theo giá hiện tại. Đây là động lực mạnh mẽ để các nhà xuất khẩu khí đốt Nga đàm phán gia hạn thỏa thuận.
Tuy nhiên, khi các nhà xuất khẩu khí đốt Nga sẵn sàng kéo dài thoả thuận vận chuyển, thì phía Kiev tuyên bố cứng rắn rằng, đã sẵn sàng loại Moscow khỏi mạng lưới vận chuyển khí đốt của nước này và quyết không gia hạn thỏa thuận để cắt đứt dòng tiền chảy vào Điện Kremlin.
Dẫu vậy, quyết định của Ukraine không chỉ làm ảnh hưởng đến vị thế là một đường ống dẫn khí đáng tin cậy, mà còn khiến nước này có thể mất khoảng 800 triệu USD/năm doanh thu từ phí vận chuyển.