Quý I/2023: Cứ 5 doanh nghiệp có hơn 1 doanh nghiệp thua lỗ

Quỳnh Anh | 08:38 17/05/2023

Có 222 trên tổng số 1.031 doanh nghiệp thua lỗ trong quý I/2022, theo thống kê của FiinPro với các doanh nghiệp phi tài chính niêm yết và đăng ký giao dịch trên thị trườjavascript:;ng chứng khoán.

Quý I/2023: Cứ 5 doanh nghiệp có hơn 1 doanh nghiệp thua lỗ
Minh Phú có quý kinh doanh thua lỗ đầu tiên sau 7 năm.

Nội dung chính

  •  Lợi nhuận chung giảm 22%, doanh nghiệp thua lỗ tăng cả về quy mô và giá trị thua lỗ.
  • Hoạt động tài chính đóng góp đáng kể trong lợi nhuận của doanh nghiệp.
  • Chi phí tài chính là gánh nặng của các doanh nghiệp. 

Bóng đen lợi nhuận

Theo thống kê của FiinPro với 1.031 doanh nghiệp phi tài chính niêm yết và đăng ký giao dịch, tổng lợi nhuận quý I/2023 đạt hơn 71.400 tỷ đồng, giảm 22% so với cùng kỳ 2022. Số các doanh nghiệp thua lỗ đã tăng từ 151 quý I/2022 lên 222 trong quý I năm nay. 

Không chỉ tăng số lượng các doanh nghiệp thua lỗ, giá trị các khoản lỗ của các doanh nghiệp đã tăng gần 10% - từ mức hơn 4.000 tỷ đồng lên hơn 4.400 tỷ đồng. 

Các khoản lỗ quý I/2023 cũng phân tán hơn đối với các doanh nghiệp. Nói cách khác, 222 doanh nghiệp thua lỗ đã “chia nhau” khoản lỗ đều đặn hơn. 

Quý I năm ngoái, trong hơn 4.000 tỷ đồng thua lỗ của các doanh nghiệp, riêng Vietnam Airline (mã HVN) đã chiếm hơn 2.600 tỷ đồng, mở đầu cho một năm kinh doanh “bết bát” của hãng hàng không quốc gia. Năm nay, Vietnam Airlines đã có lãi từ quý đầu tiên. Tuy nhiên, Thủy Sản 4 (TS4), Hòa Bình (HBC), Dabaco (DBC), Pomina (POM)... lại bất ngờ lỗ sâu hàng trăm tỷ đồng. Trừ Thủy sản 4 thua lỗ hơn 140 triệu đồng, các doanh nghiệp lỗ nặng vào quý I năm nay đều có lãi vào cùng kỳ năm trước. 

Top 10 doanh nghiệp thua lỗ quý I/2023.

Top 10 DN thua lỗ quý I/2022. 

Tương tự các khoản lỗ, lợi nhuận quý I/2023 cũng phân tán hơn cùng kỳ 2022.

Trong hơn 71.400 tỷ đồng lợi nhuận của các doanh nghiệp, riêng Vinhomes (VHM) chiếm gần 15.100 tỷ đồng, tương đương 21% tổng lợi nhuận của 1.031 doanh nghiệp. Có nghĩa là hơn 1.000 doanh nghiệp còn lại “chia nhau” khoản lợi nhuận chỉ vỏn vẹn 56.344 tỷ đồng. 

Các dữ liệu tương đương quý I/2022 lần lượt là: Hòa Phát (HPG) lãi lớn nhất, với hơn 8.900 tỷ đồng. Các doanh nghiệp còn lại, trừ Hòa Phát “chia nhau” hơn 82.000 tỷ đồng. 

Top 10 DN lãi lớn nhất quý I/2023 chiếm 51% tổng lợi nhuận

Top 10 DN lãi lớn nhất quý I/2022 chiếm 38% tổng lợi nhuận

Lợi nhuận phụ thuộc vào hoạt động tài chính

Một điểm đáng chú ý trong báo cáo tài chính các doanh nghiệp được thống kê, là phần doanh thu tài chính vượt trội. Doanh thu tài chính là các khoản thu của doanh nghiệp thông qua việc gửi tiền vào ngân hàng, bán/chuyển nhượng các khoản đầu tư, cổ tức, lợi nhuận được chia…

Trong tình hình khó khăn chung của nền kinh tế, vòng quay dòng tiền chậm chạp, lãi tiền gửi hay cổ tức, lợi nhuận được chia của các doanh nghiệp là không đáng kể - ngoại trừ các doanh nghiệp luôn có lượng tiền dồi dào như PV Gas (GAS), Hòa Phát (HPG), ACV... Phần lớn doanh thu tài chính có được từ việc bán/chuyển nhượng các khoản đầu tư.

Thực tế này đã được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa nhận trong cuộc họp gần đây. Ông cho biết các doanh nghiệp lớn đã phải bán gần hết tài sản, những gì bán được đều đã bán. Các khoản đầu tư (vào doanh nghiệp, cùng tài sản “đính kèm”) luôn là tài sản quan trọng của các doanh nghiệp lớn. 

Doanh thu tài chính của các doanh nghiệp đã tăng gần 25% trong quý I/2023 so với cùng kỳ 2022. So với lợi nhuận, khoản thu này chiếm hơn 60%. Cùng kỳ, tỷ trọng doanh thu tài chính/lợi nhuận các doanh nghiệp chỉ ở mức 38%. 

Hai doanh nghiệp có doanh thu tài chính lớn nhất lần lượt là Vinhomes (VHM) và Vingroup (VIC), đạt lần lượt gần 11.300 tỷ đồng và 10.100 tỷ đồng. Báo cáo của Vinhomes cho biết trong quý I/2023, công ty thu hơn 8.500 tỷ đồng từ chuyển nhượng các khoản đầu tư vào các công ty con đang sở hữu một phần các dự án bất động sản. Trong khi đó, Vingroup thu gần 8.800 tỷ đồng từ thanh lý các khoản đầu tư tài chính và lãi chuyển nhượng các công ty con. 

Top 10 doanh nghiệp có doanh thu tài chính lớn nhất quý I/2023

Chi phí tài chính là gánh nặng

Trong khi doanh thu tài chính các doanh nghiệp tăng mạnh, chi phí tài chính quý I/2023 còn tăng tới gần 34% - chủ yếu do gánh nặng lãi vay. Kết quả này phản ánh đúng tình hình lãi suất các khoản vay thực tế của doanh nghiệp quý I vừa qua chưa thực sự hạ nhiệt như kỳ vọng của các cơ quan quản lý.

Không chỉ khó vay khi ngân hàng chưa giảm lãi suất, các doanh nghiệp phát hành trái phiếu còn phải chịu áp lực trái phiếu đáo hạn nhưng chưa thu xếp đủ nguồn tiền, phải gia hạn với mức lãi suất cao hơn, có khi lên tới 15%. Về phía các ngân hàng, quy định về tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn sẽ từ mức 34% xuống mức 30% vào tháng 10 năm nay cũng phần nào gây áp lực trong việc cân đối nguồn vốn, do đó khó giảm ngay lãi suất cho vay dù lãi suất huy động đã “bớt nóng” đáng kể so với năm ngoái. 

Top 10 doanh nghiệp có chi phí tài chính lớn nhất quý I/2023. 

- Dữ liệu được lấy từ FiinPro, một sản phẩm của FiinGroup. 

- Lợi nhuận được đề cập trong bài viết là Lợi nhuận trước thuế.

- Các doanh nghiệp được đề cập là các công ty đại chúng trên UPCoM, HNX, HSX đã công bố báo cáo tài chính quý I/2023. 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Quý I/2023: Cứ 5 doanh nghiệp có hơn 1 doanh nghiệp thua lỗ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO