Quy hoạch huyện Mê Linh: Dọn tổ đón đại bàng

Tuấn Minh | 08:35 02/07/2023

Với lợi thế đất đô thị rộng, huyện Mê Linh đã nhận được nhiều đề xuất, ý tưởng xây dựng đô thị theo hướng thành phố thông minh, sáng tạo. Bên cạnh đó, với vị trí, giao thông liên kết, trong tương lai Mê Linh sẽ đón được các “đại bàng” về “làm tổ”.

Quy hoạch huyện Mê Linh: Dọn tổ đón đại bàng

Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 700/QĐ-TTg phê duyệt Nhiệm vụ Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội. Theo đó, có nội dung xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc, trong đó có khu vực huyện Mê Linh.

Để sẵn sàng đón các “đại bàng” về “làm tổ” huyện Mê Linh đang ráo riết nghiên cứu quy hoạch xây dựng vùng huyện hướng tới mục tiêu trở thành quận hoặc thành phố trực thuộc Thủ đô.

Phát biểu tại Hội thảo quy hoạch xây dựng vùng huyện Mê Linh đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được tổ chức mới đây, Bí thư Huyện ủy Mê Linh Nguyễn Thanh Liêm nhấn mạnh: “Xác định nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng huyện là nhiệm vụ chính trị quan trọng được ưu tiên hàng đầu, có vai trò dẫn dắt sự phát triển toàn diện các ngành, các lĩnh vực và định hướng phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, đây cũng là tiền đề cho việc nâng cấp huyện lên quận, hoặc thành phố trực thuộc Thủ đô”.

Nhiệm vụ quy hoạch Mê Linh là tiền đề cho việc nâng cấp huyện lên quận, hoặc thành phố trực thuộc Thủ đô.

Ông Nguyễn Thanh Liêm - Bí thư Huyện ủy Mê Minh.

Hiện nay, huyện Mê Linh có nhiều lợi thế về hạ tầng giao thông như đường Vành đai 3 (đường Võ Văn Kiệt) đi qua, từ Mê Linh đến sân bay Nội Bài khoảng 8km; có đường trục trung tâm đô thị mới Mê Linh gắn kết Hà Nội với các tỉnh phía Bắc. Hiện nay, huyện Mê Linh đang được Thành phố quan tâm đầu tư các công trình hạ tầng giao thông lớn đi qua huyện như: Đường Vành đai 4 (dài 11,2 km) - cầu Hồng Hà; đường Vành đai 3,5 - cầu Thượng Cát; đường Tiền Phong - Tự Lập (mặt cắt 48m); đường Cảng Chu Phan - Quốc Lộ 2; đường đê Sông Hồng (dài 21km).

Theo nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, tiềm năng lớn nhất của Mê Linh là đất đai với 7.000ha đất đô thị, không gian phát triển tốt. Bên cạnh đó là lợi thế về giao thông và vị trí cạnh sông Hồng với nhiều giá trị vật thể, phi vật thể.

Tiềm năng lớn nhất của Mê Linh là đất đai với 7.000ha đất đô thị, không gian phát triển tốt.

Ông Trịnh Đình Dũng - nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ.

Với lợi thế đất đô thị lên tới 7.000ha, đây được cho là tiềm năng để Mê Linh xây dựng, quy hoạch và phát triển theo hướng đồng bộ. Theo đó, nhiều giải pháp đề xuất về thúc đẩy phát triển thành phố sáng tạo, đô thị thông minh của Tập đoàn Noble (Hàn Quốc) nhận được sự quan tâm của các đại biểu tham dự hội thảo. 

Theo đề xuất của Tập Đoàn Noble đưa ra, các giải pháp thúc đẩy thành phố sáng tạo, lấy nhiệm vụ quy hoạch Thủ đô: Xanh - Văn hiến - Văn Minh - Hiện đại là cơ sở để nghiên cứu. Bên cạnh đó, đưa ra các giải pháp quy hoạch thúc đẩy sự tăng trưởng về kinh tế gắn với cân bằng hệ sinh thái và bảo vệ môi trường, lấy sông Hồng là trục cảnh quan gắn kết các đô thị sinh thái và thông minh.

Cũng tại Hội thảo quy hoạch vùng huyện Mê Linh, các doanh nghiệp Hàn Quốc đại diện là Tập đoàn Noble đã đề xuất quy hoạch vùng huyện Mê Linh tích hợp các yếu tố trở thành phố sáng tạo, đô thị thông minh. Các tập đoàn Hàn Quốc đề xuất xây dựng thành phố sáng tạo tại Mê Linh với diện tích 650 ha, với các chức năng của một đô thị thông minh, bao gồm: Trung tâm nghiên cứu khoa học và sáng tạo, trung tâm logistics gắn với Sân bay Quốc tế Nội Bài, trung tâm văn hóa thể dục thể thao, trung tâm nông nghiệp sinh thái và trải nghiệm, và đô thị trung tâm thông minh.

 TS Hán Minh Cường, Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng - AIST đã có đóng góp về mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng - mô hình TOD trong quy hoạch giao thông. Đây là bài toán cần phải được nghiên cứu trong quy hoạch vùng huyện Mê Linh.

web30-1666253505043585103004-16662599127581506713863.png

Theo vị chuyên gia, Mê Linh muốn phát triển được phải kết nối giao thông mạnh mẽ trong các chuỗi đô thị phía bắc sông Hồng; mô hình TOD là hạt nhân cho sự phát triển các khu đô thị, công nghiệp công nghệ cao, các khu vực logistics gắn với Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài, mà theo các chuyên gia, Mê Linh có lợi thế cạnh tranh.

Bên cạnh đó, đại diện Vietjet Air cho biết, nhận thấy tiềm năng lợi thế về logistics là thế mạnh của Mê Linh với khoảng cách 7km đến Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài đã được quy hoạch đến năm 2030 đạt năng lực tiếp nhận 100 triệu hành khách/năm.

“Mê Linh cần thiết trở thành một trung tâm logistics mang tầm cỡ Quốc tế, là nơi trung chuyển hàng hóa Quốc tế qua Cảng Hàng Không Quốc tế Nội Bài”, đại diện của Vietjet Air nói. 

Ngoài ra, vị đại diện Vietjet Air đề xuất đẩy mạnh mô hình TOD trong quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị, đồng thời đề nghị huyện Mê Linh báo cáo với TP. Hà Nội và Bộ Giao thông Vận tải để kết nối giao thông giữa Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài với các tuyến đường quy hoạch của huyện.

Có thể thấy, hiện huyện Mê Linh đang rất khẩn trương lấy ý kiến của các chuyên gia, đơn vị tư vấn để xây dựng quy hoạch Mê Linh hướng tới trở thành vùng phát triển của thành phố. Đồng thời, nhắm tới mục tiêu nâng cấp lên quận hoặc thành phố trực thuộc Thủ đô.

Bên cạnh đó, với lợi thế về vị trí nằm ở cửa ngõ phía bắc Thủ đô, cạnh sông Hồng, hạ tầng giao thông ngày càng hoàn thiện, gần sân bay Quốc tế Nội Bài, Mê Linh đang dần chứng tỏ sức hút của mình với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trong tương lai, sau khi hoàn thiện xây dựng quy hoạch vùng Mê Linh, nơi đây sẽ trở thành “đại bản doanh” của các “đại bàng”.


(0) Bình luận
Quy hoạch huyện Mê Linh: Dọn tổ đón đại bàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO