Quỹ đầu tư ngoại chìm trong thua lỗ bởi "ôm" cổ phiếu VietinBank như thế nào?

Trịnh Hà | 21:44 09/03/2022

Kể từ tháng 9/2021 đến nay, PYN Elite mới lại có một tháng đầu tư thua lỗ mà “tội đồ” lại chính là “ngôi sao” được ca ngợi hết mức trong tháng 1: CTG (Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - VietinBank).

Quỹ đầu tư ngoại chìm trong thua lỗ bởi "ôm" cổ phiếu VietinBank như thế nào?
Diễn biến giao dịch của CTG trong 2 tháng đầu năm.

Báo cáo hiệu suất tháng 2/2022 của quỹ đầu tư Phần Lan PYN Elite cho thấy 1 tháng đầu tư không mấy khả quan với hiệu suất âm 2,85%. Đây là tháng thua lỗ đầu tiên trong năm 2022, tháng gần nhất có hiệu suất âm là tháng 9/2021. 

Trong tháng 2, hai cổ phiếu tăng mạnh nhất trong danh mục của PYN Elite là ACV và CMC đều tăng 10,2%, tuy nhiên với tỷ trọng không lớn (chỉ có ACV nằm trong top 10 nắm giữ với tỷ trọng 7,6%), đà tăng giá của hai mã chứng khoán trên vẫn không đủ để kéo lại sự mất mát đến từ CTG.

anh-chup-man-hinh-2022-03-09-luc-21.28.59.png
Top nắm giữ của PYN Elite và những cổ phiếu biến động mạnh nhất danh mục

Cổ phiếu nhà Vietinbank giảm đến 10,2% trong tháng 2, đặc biệt PYN Elite lại đầu tư đến 14,7% NAV vào cổ phiếu ngân hàng này, tương ứng tỷ trọng cao thứ 2 danh mục khiến hiệu suất của PYN Elite giảm mạnh.

Trước đó hồi tháng 1, CTG được PYN Elite gọi là cổ phiếu của tháng với mức tăng 8,8% cùng những dự báo về triển vọng sáng sủa năm 2022 của cổ phiếu ngân hàng này.

Tháng trước, một mã trong top nắm giữ của PYN Elite là NLG (tỷ trọng 2,9%) cũng gây sốc khi giảm đến 22,1%, tuy nhiên nhờ sự tăng trưởng của MB, VRE và CTG, quỹ đầu tư này vẫn lãi 2,71%. 

Cổ phiếu ngân hàng bị ảnh hưởng tiêu cực trong bối cảnh thị trường hiện tại, hầu hết các cổ phiếu nhà băng đều giảm giá trong tháng 2 và vẫn đang tiếp diễn trong nửa đầu tháng 3.

Hiện Top 10 danh mục của PYN Elite có đến 4 mã thuộc nhóm ngân hàng bao gồm: CTG, TPB, MBB và HDB. HDB tháng 2 cũng giảm đến 6,8%, ảnh hưởng đến PYN Elite mạnh chỉ sau CTG. 

Với mức sụt giảm trong tháng 2 vừa qua, tài sản đang quản lý của PYN Elite còn 857,3 triệu Euro, tương đương hơn 941 triệu USD. 

Quay lại với CTG, dù bị ảnh hưởng bởi thị trường nói chung, nhưng sự sụt giảm mạnh của CTG cũng phần nhiều đến từ nội tại, đặc biệt sau những thông tin về kết quả kinh doanh năm 2021 không nhiều khả quan. 

Đã khá lâu kể từ tháng 7/2021, CTG mới quay lại được ngưỡng 37.000-38.000 đồng/cổ phiếu vào cuối tháng 1. Một phần cổ phiếu này đã có đà tăng tốt trong tháng 1, một phần báo cáo tài chính được công bố đã khiến CTG nhanh chóng lao dôc. Thị giá chốt phiên 9/3 chỉ còn 32.000 đồng/cổ phiếu. 

Báo cáo tài chính hợp nhất Vietinbank cho thấy, năm 2021, lợi nhuận của CTG gần như đi ngang với kết quả của năm 2020. Các hoạt động từ thu nhập lãi thuần, dịch vụ có sự tăng trưởng song do chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng 51%, chiếm 18.381 tỷ đã khiến lợi nhuận trước thuế cả năm 2021 chỉ còn 17.588 tỷ đồng, tăng 2% so với năm trước. 

Không chỉ vậy, chất lượng nợ của Vietinbank cũng đi xuống. Nợ xấu cuối năm 2021 của CTG tăng lên 14.299 tỷ đồng, tương đương tăng tới 49% so với hồi đầu năm. Trong đó chủ yếu do nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng mạnh từ 1.891 tỷ lên 7.095 tỷ đồng. Do vậy, tỷ lệ nợ xấu/Dư nợ cho vay của CTG cũng đã tăng từ 0,95% lên 1,26%. Với mức tăng này, CTG là ông lớn duy nhất trong Big 4 nằm trong top 10 ngân hàng có nợ xấu tăng mạnh nhất năm 2021.  

Bài liên quan

(0) Bình luận
Quỹ đầu tư ngoại chìm trong thua lỗ bởi "ôm" cổ phiếu VietinBank như thế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO