Quỹ 7,7 nghìn tỷ USD của Mỹ vừa đầu tư vào PNJ 'khủng' đến mức nào: Ra đời trong sự chê cười của giới tài chính, nhưng được mệnh danh là 'ông vua' quỹ chỉ số

Vu Lam | 06:55 29/06/2023

Câu chuyện về huyền thoại Jack Bogle và sự phát triển đáng kinh ngạc của Vanguard được ví như một trong những câu chuyện kinh doanh đáng chú ý nhất trên lĩnh vực tài chính trong 50 năm qua.

Quỹ 7,7 nghìn tỷ USD của Mỹ vừa đầu tư vào PNJ 'khủng' đến mức nào: Ra đời trong sự chê cười của giới tài chính, nhưng được mệnh danh là 'ông vua' quỹ chỉ số

Mới đây, công ty Sprucegrove Investment Management Ltd (Canada) vừa báo cáo trở thành cổ đông lớn của CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ). Danh sách các tài khoản chứng khoán liên quan của Sprucegrove có xuất hiện cái tên đáng chú ý là Vanguard International Value Fund.

Vanguard International Value Fund là một quỹ đầu tư ở thị trường quốc tế, bao gồm cả phát triển và mới nổi, của Vanguard Group và được quản lý bởi Sprucegrove Investment Management, ARGA Investment Management và Lazard Asset Management LLC. 

Vậy công ty mẹ của quỹ vừa đầu tư vào một doanh nghiệp Việt Nam có “profile khủng” đến mức nào? 

Câu chuyện về huyền thoại Jack Bogle và sự phát triển đáng kinh ngạc của Vanguard được ví như một trong những câu chuyện kinh doanh đáng chú ý nhất trên lĩnh vực tài chính trong 50 năm qua. Công ty do Jack Bogle thành lập, The Vanguard Group, đã phát triển từ một tập đoàn vận hành các quỹ vì lợi nhuận vào năm 1974 và hiện tại trở thành một quỹ tương hỗ trị giá 10 nghìn tỷ USD. 

Vanguard nổi tiếng với vai trò là một công ty quản lý quỹ đã tạo nên 1 cuộc cách mạng khi rót tiền vào các quỹ chỉ số đa dạng, có chi phí thấp, qua đó giúp nhà đầu tư tiết kiệm được một khoản tiền lớn. 

Theo Eric Balchunas, tác giả cuốn “The Bogle Effect”, quá trình tiết kiệm chi phí đó đã lên tới hàng nghìn tỷ USD. Tỷ phú Warren Buffett còn nhận định “Jack đã làm được nhiều điều cho nhà đầu tư Mỹ hơn bất kỳ cá nhân nào mà tôi biết”, trong khi “rất nhiều người ở Phố Wall phát triển các quỹ thu phí lớn mà họ chẳng thu được gì, còn ông ấy lại không tính phí trong khi mang về số tiền khổng lồ.” 

Vanguard “ra đời” như thế nào?

Sự “ra đời” của Vanguard được ví như “một vụ nổ lớn”. Nguồn gốc của Vanguard là một quỹ tương hỗ hoạt động vì lợi nhuận (Wellington Funds) được vận hành bởi Wellington Management Company. Jack Bogle, là CEO của Wellington Management, đã bị sa thải vào năm 1974 bởi chính những người đã chiêu mộ ông trước đó 7 năm, ở đúng thời điểm thị trường Mỹ rơi vào hỗn loạn giai đoạn 1973-74. 

screen-shot-2023-06-28-at-16.17.45.png
Huyền thoại đầu tư Jack Bogle, nhà sáng lập của Vanguard Group. 

Trước tình hình khó khăn đó, Jack đã đưa ra một kế hoạch để thành lập quỹ tương hỗ Wellington mà sau này trở thành Vanguard. HĐQT của Wellington khi đó chỉ đồng ý để Vanguard quản lý quỹ này ngay từ đầu, nên Jack trở thành CEO của công ty với 27 nhân sự. Trong khi đó, Wellington Management vẫn đảm nhận vai trò là cố vấn của quỹ. 

Các quỹ Vanguard hoạt động với cấu trúc tương hỗ như sau: Khách hàng sở hữu cổ phần trong quỹ Vanguard; Wellington Funds sở hữu Vanguard và Vanguard hoạt động với tôn chỉ không lợi nhuận, chỉ hành động vì lợi ích của khách hàng và cổ đông. Jack Bogle cho biết mục tiêu của ông là tạo ra một doanh nghiệp chỉ của công đông, bởi cổ đông và vì cổ đông. “Cổ đông” ở đây cũng có nghĩa là khách hàng, bởi vậy, toàn bộ mục tiêu của Vanguard đều hướng đến khách hàng. 

Trong những năm đầu tiên, dù đội ngũ quản lý vẫn còn hạn chế, Vanguard đã thực hiện một số bước đi táo bạo và khác thường. Tất cả những thay đổi mà Jack Bogle thực hiện là nhằm biến giấc mơ của ông về một quỹ tương hỗ lấy khách hàng làm trung tâm thành hiện thực. 

Đáng chú ý, Jack Bogle đã loại bỏ hệ thống phân phối quỹ truyền thống, bán sản phẩm thông qua môi giới và trả cho họ 8,5% hoa hồng - vốn là một tiêu chuẩn của ngành này. Vanguard hoạt động với mục đích “không hoa hồng”. Ông đã thuê các nhà quản lý hoạt động đầu tư từ bên ngoài để vận hành các quỹ mới, nhằm không quá phụ thuộc vào Wellington. 

“Ông vua” quỹ chỉ số

Thành tích quan trọng nhất là Jack Bogle đã tạo ra quỹ chỉ số giao dịch công khai đầu tiên trên thế giới. Quỹ này được ra mắt vào năm 1976, có sự bảo lãnh của các nhà môi giới, nhưng chỉ huy động được 11 triệu USD chứ không như mục tiêu 250 triệu USD. Quỹ này có tên First Index Investment Trust.

Quỹ mới ra mắt, theo dõi S&P 500, đã bị hầu hết giới đầu tư chê cười. Ý tưởng giao dịch ở mức trung bình của thị trường và duy trì chi phí thấp là một điều cấm kỵ với ngành này ở Mỹ. Song, cuối cùng, khả năng dẫn dắt thị trường của quỹ chỉ số đã quyết định sự thành công của Vanguard. 

vanguard_logo_i.jpg

Vào tháng 1/1975, Vanguard trở thành một công ty độc lập, thuộc sở hữu của khách hàng. Không có chủ sở hữu bên ngoài trong việc chia lợi nhuận và không có hoa hồng, công ty này cung cấp dịch vụ đầu tư với chi phí thấp, bao gồm cả quỹ đầu tư theo chỉ số đầu tiên. Trong những năm đầu tiên, Vanguard quản lý 1,7 tỷ USD tài sản của các nhà đầu tư. Còn năm 2018 là 5,1 nghìn tỷ USD và hiện tại là 7,7 nghìn tỷ USD tính đến ngày 23/4/2023.

Dù lựa chọn S&P 500 là mục tiêu cho các quỹ chỉ số, nhưng với Vanguard, Total Stock Market Index là phương tiện hiệu quả nhất để nắm bắt lợi nhuận của thị trường. Do đó, vào năm 1987, Vanguard cho ra đời quỹ chỉ số thứ 2 là Vanguard Extended Market Index Fund, được miêu tả là một “quỹ hoàn thiện”, theo dõi các cổ phiếu vốn hoá vừa và nhỏ, không nằm trong S&P 500. 

Nhóm nhà đầu tư Vanguard muốn nắm giữ toàn bộ thị trường chứng khoán có thể chỉ cần phân bổ 80% khoản đầu tư vào Vanguard 500 Index Fund và 20% còn lại cho Vanguard Extended Market Index Fund. Dù Extended Market Index được một số nhà đầu tư sử dụng cho mục đích này, thì nguyên tắc hoạt động của quỹ này lại được định hình bởi các nhà đầu tư cho rằng Index Funds 179 - theo dõi cổ phiếu vốn hoá vừa và nhỏ, sẽ có lợi nhuận dài hạn cao hơn so với nhóm vốn hoá lớn. 

Dẫu sao, Vanguard Extended Market Index Fund vẫn có được vị trí vững chắc trong “cộng đồng” quỹ chỉ số, với tài sản trị giá 68 tỷ USD vào giữa năm 2018. Nhà đầu tư đã nhận được toàn bộ lợi nhuận kiếm được từ danh mục đầu tư năm 2018 gồm 3.270 cổ phiếu không thuộc S&P 500. Hiện tại, thị trường chứng khoán Mỹ được Vanguard “bao phủ” bởi những quỹ chỉ số 500 Index Fund và Extended Market Index Fund, trái phiếu có Total Bond Market Index Fund. 

Tuy nhiên, khi Jack Bogle còn lãnh đạo Vanguard, công ty lại “chậm chân” trong mảng ETF. Ông cho rằng đây là một đối thủ nguy hiểm với quỹ tương hỗ chỉ số truyền thống. Bởi vậy, những người kế vị của vị huyền thoại đầu tư này lại tham gia muộn vào thị trường ETF.

Nhờ thế mạnh chi phí đầu tư thấp và cấu trúc tương hỗ, Vanguard cũng nhanh chóng dẫn đầu thị trường trong mảng này. Ngoài ra, Vanguard cũng vận hành các quỹ đầu tư bên ngoài Mỹ, bao gồm cả thị trường phát triển, mới nổi và theo vùng. 

Tổng hợp 


(0) Bình luận
Có thể bạn quan tâm
Quỹ 7,7 nghìn tỷ USD của Mỹ vừa đầu tư vào PNJ 'khủng' đến mức nào: Ra đời trong sự chê cười của giới tài chính, nhưng được mệnh danh là 'ông vua' quỹ chỉ số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO